Hiện thực hóa Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Minh Quân 10/03/2022 07:19

Mặc dù trong Luật Điện ảnh từ năm 2006 đã có những quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Thế nhưng hơn 15 năm thực thi, vấn đề này đến nay vẫn chưa tiến triển là bao.

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được kỳ vọng tạo cú hích cho phim Việt Nam.

Nhiều khúc mắc

Theo dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) tại Chương VI, Mục 2 (điều 43,44,45) Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động. Trong đó, mục đích của Quỹ nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; Hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…

Về nguyên tắc thực hiện Quỹ, không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý; Thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật; Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và kiểm toán nhà nước về các hoạt động tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh...

Tuy nhiên, tại các hội thảo góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được tổ chức thời gian qua việc thành lập Quỹ vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, theo góp ý của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý cũng cho rằng, các nhà làm phim đều mong muốn thành lập Quỹ nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra phương án khả thi cho nguồn thu cũng như khả năng độc lập về tài chính. Theo Phó Chủ tịch Hội Ðiện ảnh Việt Nam Lê Hồng Chương, khúc mắc ở đây là tại Ðiều 6, Luật Ðiện ảnh năm 2006 đã quy định về Quỹ, tuy nhiên chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động. Không ít ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV chưa đồng tình việc thành lập Quỹ.

Trong dự thảo đưa ra cũng chưa thấy xác định được nguồn thu nào ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng, chúng ta đang hiểu chưa đúng về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Ở đây, Quỹ phải được xác định là công cụ của Nhà nước để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh trong cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, còn hỗ trợ dự án phim thử nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ… là quỹ của các bộ, ngành, liên hoan phim.

Dung hòa để phát triển

Có thể nói, mặc dù là một vấn đề không hề mới nhưng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa những người làm quản lý và các nhà làm điện ảnh. Cho dù đây là vấn đề ở các nước có nền điện ảnh phát triển, thậm chí ngay trong khu vực đã triển khai từ rất nhiều năm trước.

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, Quỹ ra đời là thật sự cần thiết nhưng vẫn còn rất nhiều lo ngại. Đạo diễn cũng dẫn chứng, những phim Việt gần đây có thể đi dự liên hoan phim đều do các Quỹ điện ảnh của Pháp, Đức hoặc một số Quỹ của các nước Đông Nam Á như Phillippines, Thái Lan... đầu tư.

Chúng ta có thể thấy, các nền điện ảnh trong khu vực đã có những quỹ và chương trình đào tạo, không chỉ dành cho các nhà làm phim nước họ, mà mở rộng sang các nhà làm phim Đông Nam Á. Điều này từng bước hỗ trợ cho nền điện ảnh trong khu vực phát triển và gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến các nền điện ảnh khác, trong đó có Việt Nam. “Thời kỳ hiện nay, một trong những sức mạnh mềm mà các nước cạnh tranh nhau đó là điện ảnh, vậy mà ta vẫn chưa nắm được sức mạnh ấy” - ông Di nói.

Còn ở góc độ đơn vị phát hành, bà Ngô Thị Bích Hạnh- Giám đốc Công ty BHD cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh rất cần nguồn vốn đầu tư để xây dựng và triển khai các dự án điện ảnh trong nước. Nếu như Quỹ đầu tư điện ảnh là một mô hình phát triển ở những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến, thì lại chưa được phát huy tại đất nước chúng ta.

Chính vì thế, về lâu dài nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp làm phim Việt Nam; bảo vệ phim Việt khi ra rạp; tạo nhiều nguồn vốn cho điện ảnh nước nhà với các quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước và đặc biệt là phát triển các quỹ điện ảnh tư nhân. Bởi chúng ta làm Luật Điện ảnh không chỉ cho một vài năm mà rất nhiều năm sắp tới, tôi cho rằng nên cho thành lập hỗ trợ phát triển điện ảnh tư nhân và mức thuế phải được ưu đãi. Với điện ảnh, nếu công ty hoặc cá nhân đầu tư thu nhập cao, họ cần đóng từ 25-35% thuế dựa trên tổng thu nhập.

“Nếu thuế quá cao, tôi nghĩ rằng không nhiều cá nhân, đơn vị đầu tư vào điện ảnh” - bà Hạnh bày tỏ.

Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh dù đã đi một chặng đường dài nhưng đến nay vẫn đang còn bỏ ngỏ. Cho dù với những người làm nghề và thực tế việc ra đời Quỹ sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển bền vững cho điện ảnh trong tương lai. Tuy nhiên, với những quy định của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và những góp ý trong thời gian qua cũng đã đưa nhiều cơ sở và kỳ vọng để việc ra đời Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ được hiện thực hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện thực hóa Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO