Hiệp định thương mại tự do EVFTA - Bài 1: Cơ hội phía trước

Minh Phương 11/05/2020 07:30

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây. Hiệp định được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào châu Âu, đặc biệt có ý nghĩa khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Hiệp định thương mại tự do EVFTA - Bài 1: Cơ hội phía trước

Các hiệp định thương mại tự do được khai thông sẽ thúc đẩy năng lực xuất khẩu của Việt Nam.

Được khởi động từ tháng 10/2010, nhìn lại chặng đường gần 10 năm trước mà EU và Việt Nam đã đi qua, có thể thấy cả hai bên kỳ vọng hiện thực hóa EVFTA lớn đến mức nào. Vì rằng khi EVFTA được thực thi, những cơ hội mang lại cho nền kinh tế của cả hai bên là rất lớn.

10 năm nỗ lực không ngừng

Tháng 10/2010, EVFTA chính thức được Việt Nam và EU khởi động với kỳ vọng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này được thực thi sẽ giúp cho cả hai bên gặt hái nhiều trái ngọt. Và đến tháng 6/2012, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Từ năm 2012 đến nay, hàng loạt các hoạt động được xúc tiến nhằm thúc đẩy tiến trình ký kết.

Tháng 6/2018, Việt Nam và EU chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành 2 hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ thương mại đầu tư (IPA). Sau nhiều nỗ lực, ngày 30/6/2019, EU và Việt Nam chính thức ký kết EVFTA. Sự kiện diễn ra tại Hà Nội với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức cao cấp của cả hai bên EU và Việt Nam.

Sau khi ký kết, đến tháng 2/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã thông qua kiến nghị để Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và IPA, và FTA này chính thức được bỏ phiếu vào ngày 12/2.

Nói về sự kiện này, không thể không nhắc đến sự nỗ lực không ngừng của Bộ Công thương Việt Nam. Để có được kết quả như ngày hôm nay và chỉ còn chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội tới, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, đã thực hiện hàng loạt các cuộc tiếp xúc, đàm phán với phía châu Âu với mục tiêu làm sao để Hiệp định sớm được thực thi.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Công thương đã hoàn tất bộ hồ sơ trình Chính phủ và Chính phủ cũng đã trình Chủ tịch nước để xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA theo đúng các quy trình, thủ tục của luật hiện hành. Bộ Công thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định EVFTA xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động ban hành kế hoạch của Bộ về việc triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA từ nay cho đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực để bảo đảm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi sau này, giúp tận dụng được tối đa những cơ hội của Hiệp định cũng như giảm thiểu những thách thức mà Hiệp định có thể mang lại.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đây là FTA thế hệ mới có chất lượng cao, thể hiện ở tính toàn diện của hiệp định, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, kể cả những lĩnh vực rất mới như mua sắm chính phủ, doanh nghiệp (DN) nhà nước, đầu tư công, sở hữu trí tuệ... Do đó, EVFTA thực thi sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. “Với EVFTA, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới”- theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Lợi ích nhiều mặt

“Với dân số 508 triệu người, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, có thể khẳng định, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam; EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà”- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Tới đây, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hai hiệp định này sẽ cộng hưởng với nhau tạo thành động lực cho DN phát triển bền vững trong thời gian tới, từ đó đem lại các lợi ích thiết thực cho DN và người dân.

Hiệp định thương mại tự do EVFTA - Bài 1: Cơ hội phía trước - 1

Xuất khẩu là thế mạnh của kinh tế Việt Nam.

Không chỉ mang lại những lợi ích lớn lao về kinh tế, ở góc độ lợi ích trực tiếp đối với người dân, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm, và an sinh xã hội. Theo đó, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: Dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn so với DN trong nước.

Bên cạnh đó, do nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.

(Kỳ sau: Chinh phục thị trường 500 triệu dân)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệp định thương mại tự do EVFTA - Bài 1: Cơ hội phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO