Hộ nghèo dễ bị tổn thương

T.Hằng 08/11/2017 07:45

Ngày 7/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) công bố Điều tra đặc điểm nông nghiệp nông thôn. Với dữ liệu được tổng hợp từ 2.669 hộ gia đình nông thôn năm 2016 tại 12 tỉnh, một điểm chung được đưa ra: Đói nghèo gia tăng theo chuẩn mới, sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc vẫn tồn tại dai dẳng.

GS Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới cho hay, kết quả điều tra phối hợp về đói nghèo và hạnh phúc cho thấy tỷ lệ nghèo đói tăng.

Cụ thể tỷ lệ hộ nghèo của năm 2016 là 16,2% trong khi 2 năm trước đó con số này là 12,9%. Song nguyên nhân đẩy con số đói nghèo tăng vọt là do Việt Nam đã áp dụng chuẩn nghèo mới, có những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn, do đó tỷ lệ đói nghèo tăng lên.

Dù đã có những cải thiện tích cực ở đời sống người nông dân trong khía cạnh chất lượng dịch vụ y tế và vệ sinh môi trường, người dân chuyển từ đun củi sang đun gas nhưng nằm trong sự cải thiện đó là sự phân hóa mạnh.

Nếu chia theo các hộ gia đình theo vùng miền, các hộ gia đình ở vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu tiếp tục tụt hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi. Sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc còn tồn tại dai dẳng.

GS Finn Tarp- Trường đại học Copenhagen- Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thế giới của trường Đại học Liên hợp quốc (UNUWIDER) cho biết: Di cư vẫn là vấn đề lớn của lao động nông thôn Việt Nam hiện nay.

Từ việc điều tra ở 12 tỉnh cho thấy, các tỉnh có nhiều hộ có người di cư là Quảng Nam, Nghệ An, Đắk Lắk, Đăk Nông… và nơi đến của họ là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắc. Người di cư thường là nam giới, thuộc các gia đình nghèo hơn trong cộng đồng.

Đặc biệt hơn ở vấn đề tiếp cận tín dụng chính thức, công cụ được xem là hữu hiệu quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, tuy vậy người nghèo lại đang có nhiều trắc trở.

Người nghèo và người dễ tổn thương có hạn chế nhất định, khó tiếp cận tín dụng. Chỉ có khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào.

Tỷ lệ hộ có các khoản vay mà chủ hộ không biết đọc, biết viết tăng lên. Hộ càng nghèo càng muốn tìm đến với các chương trình tín dụng.

Đặc biệt các hộ thiểu số có thu nhập thấp hơn, hoạt động kinh doanh kém phát triển hơn thường xuyên phải đương đầu với rủi ro và gặp khó khăn trong việc ứng phó với các cú sốc, mức độ tiết kiệm thấp hơn.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, người nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo kiến nghị từ nhóm điều tra để đảm bảo những thành tựu về kinh tế được chia sẻ đồng đều thì các nhà hoạch định chính sách cần đặt trọng tâm chính vào việc thu hẹp các khoảng cách chênh lệch trong những năm tới. Trong quá trình giải quyết bất bình đẳng này đảm bảo rằng nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau.

Phân bố lại nguồn lực

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng kèm với đó là phải có hướng dẫn cho họ sử dụng khoản vay đúng mục đích.

Quan tâm đầu tiên của việc vay vốn không chỉ để phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ để xóa đói giảm nghèo mà chính là hỗ trợ vay vốn để rồi được đầu tư vào sản xuất tạo ra được hàng hóa trong nông nghiệp.

Do vậy phải chuyên môn hóa, chuyên canh hóa để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp tốt, như vậy phải có những mô hình sản xuất nông nghiệp lớn.

Việc hỗ trợ người nông dân tiếp cận tín dụng, việc cho người dân vay xóa đói giảm nghèo không chỉ đơn thuần thông qua các tổ chức xã hội mà cần phải đi sâu hơn, phải tìm hiểu và hiểu thấu đáo hơn các hộ nghèo xem họ mong muốn điều gì.

Từ đó để có tư vấn, hướng dẫn để họ sử dụng khoản vay hợp lý, đúng mục đích có nghĩa là chúng ta cần phải làm chiếc cầu nối người nông dân và các tổ chức tín dụng xã hội.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Ciem cho rằng, một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ người nghèo đang tiếp cận tín dụng không chính thức tăng lên, bước quan trọng thời gian tới là làm sao để người nông dân tiếp cận tín dụng chính thức.

Trong thời gian gần đây nhiều sản phẩm nông nghiệp của người dân khi đi ra nước ngoài bị trả về, do vậy các nhà làm chính sách cần tập trung nâng cao nhận thức người dân tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm có thể truy suất nguồn gốc được, gia tăng giá trị thặng dư cho sản phẩm nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hộ nghèo dễ bị tổn thương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO