Hỗ trợ lãi suất 2%: Làm sao để nhanh và trúng?

T.Hằng 09/06/2022 07:07

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là một trong số nhiều giải pháp mà ngành ngân hàng triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Song làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nhanh, hiệu quả nhất?

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp
để phục hồi sản xuất.

Nhiều rào cản

Để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, gói chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực đã được ban hành.

Cụ thể, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định của Chính phủ.

Đây là chính sách đã được cộng đồng DN, hộ kinh doanh rất mong đợi, nên quan điểm của Chính phủ, NHNN là phải sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, với mục tiêu giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn, từ đó có trợ lực vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, cộng đồng DN cho biết, vẫn còn đó nhiều rào cản, đặc biệt là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Lê Quang Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Rau VietGAP bày tỏ, thời điểm này DN gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, việc tiếp cận vốn lãi suất thấp không hề dễ dàng. “Làm thế nào để DN được vay vốn mà không phải chịu những điều kiện khắt khe, như vậy DN mới có thể có vốn phục hồi sản xuất” – ông Thắng bày tỏ mong muốn.

Đại diện một DN ngành du lịch cũng chia sẻ, chi phí vốn được giảm 2%/năm giúp DN có thêm nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất sẽ là vấn đề khiến nhiều DN phải băn khoăn. Đơn cử với lĩnh vực du lịch, sau 2 năm chống chọi với Covid-19, nhiều DN gần như không có doanh thu, cơ cấu hoạt động của công ty có nhiều thay đổi, thậm chí phải sống nhờ bằng ngành nghề kinh doanh khác. Trong khi chính sách hỗ trợ lãi suất cần dựa vào hồ sơ vay vốn, kế hoạch kinh doanh của DN, ngân hàng không hạ chuẩn cho vay nên DN khó đáp ứng được các chuẩn mực như không có dư nợ đang được cơ cấu, không có nợ xấu, phải có tài sản đảm bảo…

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nêu quan điểm, việc triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, đối tượng cho vay là những đối tượng được quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ, ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng nên khách hàng được vay vốn đều phải đáp ứng đủ điều kiện, nguyên tắc đã quy định. “Do đó, các ngân hàng cần truyền thông tốt để tránh những khiếu nại của khách hàng khi không đáp ứng được yêu cầu” – ông Hùng nói.

Cùng với đó, đối tượng thụ hưởng của chính sách rất đa dạng và phong phú. Nếu các tổ chức tín dụng không cung cấp được các hướng dẫn cụ thể thì sẽ rất dễ xảy ra các sai phạm trong quá trình triển khai.

Không hạ chuẩn cho vay

Để tránh rủi ro cho các TCTD khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Chỉ khi nào DN đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. Để hạn chế rủi ro, các ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định Thông tư 03 của NHNN đã quy định rất rõ ràng về các cấp trách nhiệm, kể cả trách nhiệm của các cơ quan tại địa phương trong việc xử lý vi phạm chính sách, có thể tiến hành thu hồi khoản vay nếu xác định DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã vay vốn nhưng sử dụng vốn không đúng mục đích. Trong quá trình triển khai, NHNN sẽ cử các đoàn thanh tra, giám sát cũng như phối hợp với các cơ quan kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước… để quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng đạt được theo mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được hạ chuẩn tín dụng, phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng. Đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính lo về vấn đề ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về đối tượng thụ hưởng, thực hiện hỗ trợ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, bước đầu triển khai có thể gây lúng túng, thiếu thống nhất nên các bộ, ngành cần phải tích cực phối hợp giải quyết sớm để tránh gây ách tắc cho nguồn vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ lãi suất 2%: Làm sao để nhanh và trúng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO