Hỗ trợ người dân tự lực vươn lên thoát nghèo

M.Loan-H.Vũ 24/07/2021 06:15

Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Trùng lặp nội dung

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việc xây dựng chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo đó tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 75.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, đối tượng thụ hưởng của chương trình gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Chú trọng hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ và người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vùng nghèo, vùng khó khăn.

Tuy nhiên theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, một số dự án, tiểu dự án của 3 chương trình MTQG có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư. ĐB Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ hiện nay chưa tính đến vấn đề Covid-19, nhất là người nghèo trong đô thị bị ảnh hưởng bởi dịch là vấn đề đáng quan tâm.

“Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã làm những người có thu nhập trung bình thấp rơi vào nghèo, rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam để đảm bảo đời sống người dân. Do vậy để thoát nghèo cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề và giáo dục. Bởi những thiếu hụt khác đã có sự hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới”-ông Đoan cho hay.

Cùng chung quan điểm, hiện Chính phủ chưa cập nhật được tình hình người dân trở thành người nghèo do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Tại sao nhiều chương trình xóa nghèo nhưng người nghèo vẫn nghèo?

Hỗ trợ cho trúng

“Đề nghị làm rõ việc 550.000 hộ nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ điện thoại thông minh nhưng nếu rơi vào các thôn, bản chưa có dịch vụ viễn thông di động mặt đất, dịch vụ internet băng thông rộng cố định hoặc không bảo đảm được chi phí sử dụng dịch vụ thì khắc phục thế nào?” Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt vấn đề khi Chính phủ hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo.

Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng, trong giảm nghèo quan trọng là xóa nhà dột nát vì các cụ đã nói “an cư mới lạc nghiệp”. Ông Môn cho biết Cao Bằng đã làm thử xóa nhà dột nát tại huyện Hà Quảng và xóa hết nhà dột nát trong 4 tháng với gần 1.000 nhà khi huy động tất cả lực lượng công an, quân đội, Đoàn thanh niên.

“Nếu nhà lắp ghép thì 50 triệu đồng/nhà, nhà làm mới thì hỗ trợ 40 triệu, còn nhà sửa chữa thì hỗ trợ 30 triệu đồng. Như vậy bình quân mỗi nhà chỉ 30 triệu đồng. Toàn tỉnh còn gần 7.000 nhà vậy chi phí là 240 tỷ đồng, tỉnh trích 200 tỷ, còn lại huy động hơn 2.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp làm 1 nhà. Như vậy hơn 1 năm xóa hơn 8.000 nhà dột nát”-ông Môn dẫn chứng. Từ đó ông Môn cho rằng, phải thống kê được cả nước còn bao nhiêu nhà dột nát để xóa hết.

Bí thư Cao Bằng cũng cho rằng cần quan tâm về tiêu chí hộ nghèo để hỗ trợ cho đúng cũng như phải giáo dục đào tạo, dạy nghề để người dân tự lực tự cường vươn lên sản xuất xóa đói giảm nghèo. Nếu không, người dân không muốn thoát nghèo vì sợ cắt hết hỗ trợ.

Theo ĐB Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Chính phủ cần có nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 để có Bản đồ số quốc gia dữ liệu về hộ nghèo. Trong đó phân tích hộ nghèo theo vùng miền để từ đó có tiêu chí hỗ trợ. Ví như xem hộ nghèo muốn gì, nhà ở hay việc làm để nâng cao mức thu nhập?

“Nếu có Bản đồ số quốc gia dữ liệu về hộ nghèo dùng chung cho cả nước lúc đó sẽ tính toán được lộ trình đầu tư các nguồn vốn. Đặc biệt qua đó cũng công khai các đối tượng thụ hưởng để thuận lợi cho việc kêu gọi hỗ trợ cũng như giám sát quá trình thực hiện”-bà Sinh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người dân tự lực vươn lên thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO