Hỗ trợ vay gói tín dụng hàng không: Chọn mặt gửi vàng

Hạnh Nhân 09/03/2021 06:30

Giới chuyên gia cho rằng, kiến nghị xin gói hỗ trợ vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỉ đồng của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho các hãng hàng không cần phải cân nhắc thận trọng, tránh chạy đua xin cơ chế, hỗ trợ dàn trải.

Hàng không lỗ do dịch bệnh Covid-19.

Cấp bách nguồn vốn hoạt động

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam thông tin: Thời điểm này, vấn đề cấp bách nhất với các hãng hàng không trong nước là nguồn vốn hoạt động. Năm 2020 một số hãng báo lãi là từ doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Thực chất các hãng đều lỗ nặng từ kinh doanh hàng không.

Dịch bùng phát lần 2 và lần 3 vào đúng cao điểm của ngành hàng không (Hè và Tết). Doanh thu dịp Tết Tân Sửu của các hãng giảm tới 70-80% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Giá vé cũng thấp hơn hẳn, trong khi chi phí tăng cao do phải áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch. Chi phí vận hành của hàng không ở mức cao. Thực tế đó khiến hãng nào khả dĩ nhất cũng thiếu hụt dòng tiền lên tới 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Thực trạng này khiến nhu cầu được hỗ trợ của các hãng hàng không càng trở nên bức thiết. Trong đó, đặc biệt cần thiết là gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi nhằm giúp các hãng thanh khoản, có vốn chi hoạt động thường xuyên.

“Không tính VNA đã được hỗ trợ, các hãng khác có nhu cầu được vay trên 10.000 tỷ đồng, trong 3-5 năm với lãi suất ưu đãi 4% tương tự như VNA. Hỗ trợ hàng không cũng là biện pháp để kích thích phục hồi, phát triển nền kinh tế. Hiệp hội mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ hàng không, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất”, ông Nề cho hay.

Trước đó, Thủ tướng vừa giao các Bộ: GTVT, Tài chính… xem xét, giải quyết theo thẩm quyền kiến nghị gói “cứu trợ” của Hiệp hội Hàng không Việt Nam.

Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ trực tiếp của nhà nước với các Doanh nghiệp hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đề nghị tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không nhằm vượt qua khó khăn do khủng hoảng Covid-19, hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng).

Tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không...

Thực hiện việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng doanh nghiệp, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12/2021. Giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

Cân nhắc hỗ trợ

Nhận định về tương lai của doanh nghiệp hàng không trong năm 2021, theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng: Sẽ rất khó khăn và vấn đề sống còn của hàng không Việt là phải duy trì được thị trường nội địa. Muốn vậy thì dịch bệnh phải được kiểm soát rất tốt. Việc bay quốc tế sẽ chỉ được thực hiện từng bước.

Cũng theo ông Thắng, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không về phí, thuế.

Đặc biệt, nhìn nhận về vấn đề hỗ trợ, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải công bằng cho các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể nên cho vay theo tỉ trọng tương ứng của mỗi hãng khi thực hiện đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong những năm gần đây và năm 2019. Hãng nào đóng góp thuế cao sẽ được hưởng vay ưu đãi cao.

“Kiến nghị xin gói hỗ trợ vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỉ đồng của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho các hãng hàng không cần phải cân nhắc thận trọng, tránh chạy đua xin cơ chế, hỗ trợ dàn trải”, TS.Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Từng bước mở cửa đường bay quốc tế

Về việc mở rộng từng bước thị trường quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không kiến nghị từng bước mở cửa cho các chuyến bay từ các nước có lượng hành khách lớn, hoặc có tiềm năng lớn về hành khách đã được kiểm soát dịch bệnh tới Việt Nam và ngược lại. Trong đó, châu Âu, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những khu vực tiềm năng cần được đặc biệt quan tâm để có thể kịp thời phối hợp mở lại, thậm chí mở thêm các đường bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ vay gói tín dụng hàng không: Chọn mặt gửi vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO