Hoá giải ùn tắc giao thông, cách nào?

Hạnh Nhân 01/03/2021 07:30

Nhằm giảm thiểu ùn tắc năm 2021, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thành phố chi hơn 60 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, điều chỉnh tổ chức giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 22 nút giao... Đây là một trong những giải pháp được kỳ vọng vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô sớm được hóa giải.

Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, văn bản số 159 do ông Lê Hữu Hồng - Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông ký cho biết, căn cứ tình hình hư hỏng, xuống cấp hạ tầng giao thông, các tuyến đường thường xuyên ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, đơn vị này đề xuất Sở GTVT Hà Nội danh mục các công trình giảm thiểu ùn tắc năm 2021.

Theo đó, Ban này đề xuất chi hơn 60 tỷ đồng từ ngân sách TP Hà Nội để cải tạo, điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì và sản xuất 2 bộ dàn benley để xử lý sự cố giao thông, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 22 nút giao.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, thành phố hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô-tô các loại), chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.

Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc. Như cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 đến 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. “Do đó việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết” - ông Viện nhấn mạnh.

Được biết, mục tiêu tổng quát của chương trình là huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu từ 8 điểm đến 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% hằng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30% đến 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12% đến 15% quỹ đất xây dựng đô thị...

Cùng với đó, tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý.

Đánh giá cao kết quả giảm ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp căn cơ thì tình trạng ùn tắc giao thông mới sớm được hóa giải. Bởi thực tế, do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, cộng với một số công trình trọng điểm sử dụng một phần lòng đường khi thi công đã làm phát sinh điểm ùn tắc mới.

Ở góc nhìn của nhà quản lý đô thị, ThS Phan Trường Thành đề xuất, để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội cần sớm thực hiện Đề án thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc. Bên cạnh đó phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng để thay thế phương tiện cá nhân và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đạt được sự đồng thuận của người dân.

Cùng với đó, thành phố cần phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cùng với tăng cường kiểm tra, quyết liệt trong việc xử lý nghiêm vi phạm...Có như vậy vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô mới sớm được hóa giải.

Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, giải pháp giảm mật độ dân số tại khu vực trung tâm, nội thành phải bắt buộc thực hiện, trước mắt không cho xây thêm các trung tâm thương mại mới ở khu vực đông dân, từng bước di chuyển dân, cơ quan, trường học ra các khu mới, xa trung tâm, hình thành nhiều đô thị vệ tinh phân tán đều ở các vùng của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoá giải ùn tắc giao thông, cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO