Họa sĩ Bùi Văn Tuất: Lớn lên từ bản Mường

Thư Hoàng 28/08/2021 07:21

Trong giới họa sĩ trẻ, Bùi Văn Tuất gần đây được nhiều người nhắc đến. Tôi ấn tượng với những bức tranh anh vẽ về tuổi thơ vùng Tây Bắc của anh hồn nhiên, trong trẻo và tình cảm.

1. Họa sĩ Bùi Văn Tuất cho biết, sinh ra và lớn lên ở bản Mường dưới chân núi Ba Vì, Hà Nội, bố mẹ anh đều là nông dân. Sinh con trai năm Nhâm Tuất, nên bố mẹ đặt luôn tên con là Tuất.

“Sinh ra và lớn lên ở chân núi Ba Vì, mình có một tuổi thơ gắn bó với núi đồi, cỏ cây, dòng suối. Mình lớn lên ở vùng trung du, nửa làng, nửa bản. Chân ruộng cao vẫn xen lẫn với mảnh nương mới phát, mương thủy lợi chạy xen với ống vầu dẫn nước. Nên tuổi thơ của mình có cả chăn trâu, cắt cỏ lẫn mót củi trên rừng, mò ốc bắt cá dưới suối”, họa sĩ Bùi Văn Tuất kể.

“Bên hiên nhà”.

Anh nói thêm rằng, cả tuổi thơ chỉ biết đến những ngôi nhà trình tường vàng au, nép bên những triền núi vắt vẻo, những mảnh sân đất nện có đàn gà đủng đỉnh, góc bếp ám khói với chú lợn lang lười biếng... Vậy nên, xuyên suốt tranh của Bùi Văn Tuất là những mảng tường óng ánh vàng của đất khi rực rỡ nắng chiều, khi ám màu bếp lửa.

Từ một cậu bé con nhà nông dân sinh ra ở chân núi Ba Vì trở thành một họa sĩ có tiếng ở Thủ đô là hành trình không dễ dàng. Bùi Văn Tuất kể, lên cấp ba anh được gia đình cho đi học trường nội trú. Cùng lớp của Tuất có một bạn cũng thích vẽ. Cả hai thường xuyên vẽ báo tường cho lớp. Đến năm lớp 11 thì cả hai cùng đạp xe đi tìm thầy học vẽ. Tuất may mắn gặp được một người thầy mà như anh nói, đấy là người thầy của hàng trăm họa sĩ vùng Sơn Tây, Ba Vì. Hết cấp ba, Tuất đỗ một trường cao đẳng. Học xong Cao đẳng, Tuất tiếp tục thi đỗ và theo học khoa Sư phạm, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

“Không gian trong bếp”.

2. Bây giờ, trong những cuộc trò chuyện, họa sĩ Bùi Văn Tuất luôn tự hào mình là người dân tộc Mường. Dù mở xưởng vẽ ở Hà Nội nhưng dường như tâm hồn anh luôn phiêu du về nơi mình sinh ra, và rộng hơn, là những vùng núi cao Tây Bắc. Nơi đó, cộng động các dân tộc thiểu số sinh sống, có người Mường, người Mông, người Dao, người Tày, người Giáy…

Trước đây, khi đại dịch Covid-19 chưa xuất hiện và chưa bị hạn chế đi lại, năm nào họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng có những chuyến đi. Người ta đi biển, anh thích đi rừng, đi núi. Những địa danh của Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang thường hấp dẫn Bùi Văn Tuấn. Nơi đó, nhiều hình ảnh khiến anh rung động. Nơi đó, bước chân anh muốn dừng lại.

“Nắng”.

Và anh vẽ. Những bức tranh về vùng cao đong đầy cảm xúc và tình cảm của họa sĩ sinh năm 1982 này. Tôi rất thích những bức tranh anh vẽ về trẻ em vùng cao. Những bức tranh khổ lớn, vẽ những em bé với trang phục dân tộc, khi đứng bên hiên nhà ngóng mẹ, lúc quây quần trên mảnh sân nhà, khi thì vừa trông bếp vừa thêu thùa… Những bức tranh này từng được Bùi Văn Tuất triển lãm tại Hà Nội, gây tiếng vang. Triển lãm có tên “Tuổi thơ tôi”, cũng chính là triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Văn Tuất. Triển lãm trưng bày hơn 15 bức tranh về tuổi thơ vùng núi trong đời sống hàng ngày.

Mỗi bức tranh là một khoảng khắc cô đọng, chân thật và sống động của trẻ sống trên rẻo cao. Nhưng để vẽ được bộ tranh này, là cả một hành trình dài đầy thử thách của họa sĩ Bùi Văn Tuất. Ví dụ bức tranh khổ lớn “Một ngày như thế” với đám trẻ quây quần một buổi sáng hè là tác phẩm khiến họa sĩ Bùi Văn Tuấn mất tới 8 tháng lựa chọn nhân vật, rồi thêm và xóa. Mỗi đứa trẻ, mỗi tư thế, mỗi chi tiết trang phục như chiếc vòng bạc hay đôi khuyên tai, đều là một đặc trưng riêng, góp phần tạo nên một tổng thể nhịp nhàng.

“Chơi quay”.

Bức “Không gian trong bếp” và “Bên hiên nhà” lại là hai khoảng trống mênh mông, khi hình bóng nhân vật gần như nhòa đi, như chủ ý của họa sĩ khi nhớ về không gian yên lặng, chậm rãi của miền núi.

Hành trình của họa sĩ Bùi Văn Tuất cho thấy, nếu có đam mê và khát vọng, thì bất cứ ai cũng có thể tìm được lối đi và tạo lập được vị trí của mình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Bùi Văn Tuất: Lớn lên từ bản Mường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO