Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923, tại làng Điều Hòa, thị xã Mỹ Tho, Tiền Giang. Yêu hội họa từ nhỏ, và thế là ông lặn lội ra tận Hà Nội, học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ năm 1943 đến năm 1945.
Trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, khoa Hội họa của trường Mỹ thuật Đông Dương sơ tán về Sơn Tây, Mai Văn Hiến cũng về đây. Tại đây, ông đã tham gia hoạt động Cách mạng trong tổ chức Sinh viên Cứu quốc - thành viên của tổ chức Thanh niên Cứu Quốc. Trong thời gian này, ông cùng các sinh viên mỹ thuật như Phan Kế An, Lê Phả, Kim Đồng, Phan Thông, Mai Văn Nam, Vĩnh Noãn… đã hoạt động rất hăng hái trong tổ chức Sinh viên Cứu quốc. Họ tổ chức tập hợp nhân dân địa phương bằng các hoạt động như học võ, học hát những bài hát yêu nước, bày triển lãm hội họa và tuyên truyền chống thực dân và phát xít.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếp đến Toàn quốc kháng chiến, nghe theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng thanh niên nghệ sĩ-trí thức Mai Văn Hiến hào hứng khoác balô gia nhập Đoàn quân Văn hóa kháng chiến.
Ông vào bộ đội, vẽ tranh tuyên truyền-cổ động, làm báo, trực tiếp tham gia đơn vị chiến đấu, đi nhiều chiến trường, chiến dịch, từ đồng bằng, trung du đến miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông đã vẽ những bức tranh cổ động cỡ lớn, tuyên truyền địch vận, kêu gọi lính Âu-Phi ra hàng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 4/1954, Bộ chỉ huy mặt trận đã triệu tập 2 họa sĩ đang công tác ở báo Quân Đội nhân dân để vẽ mẫu huy hiệu. Họa sĩ Mai Văn Hiến và họa sĩ Nguyễn Bích được giao nhiệm vụ vẽ mẫu huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên- chiếc huy hiệu là phần thưởng của Chính phủ và Bác Hồ tặng các chiến sĩ Điện Biên sau ngày 7/5/1954. Chiếc huy hiệu tuy bé nhỏ, nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng lớn lao, nên Bộ chỉ huy mặt trận đưa ra những yêu cầu khắt khe phải có trên mặt huy hiệu. Đó là phải có hình ảnh rừng núi, có chiến sĩ ta đang ở tư thế xông lên, có cả pháo binh, cao xạ vì đây là binh chủng lần đầu xuất hiện. Ngoài ra phải có 2 dòng chữ Chiến sĩ Điện Biên Phủ và màu sắc phải tươi sáng, hình thức cô đọng, khái quát. Hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích đã dày công suy nghĩ, vẽ hàng chục mẫu để cấp trên chọn duyệt và mẫu cuối cùng được chọn duyệt là mẫu ngày nay chúng ta vẫn thường thấy. Đó là chiếc huy hiệu hình tròn nổi bật lá cờ đỏ sao vàng, có dòng chữ quyết chiến, quyết thắng, phía dưới là anh bộ đội đang giương súng, xa xa là núi đồi Điện Biên. Phía trên có chữ Xuân 1954, phía dưới là dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.
Từ tháng 10/1954, hoạ sĩ Mai Văn Hiến quay về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi ông đã từng công tác từ những năm 1950, làm họa sĩ. Năm 1957, Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, ông là một trong số thành viên sáng lập.
Năm 1957, ông lập gia đình và cũng trong năm 1957, ông được biệt phái sang hỗ trợ cho Nhà xuất bản Kim Đồng-thành lập tháng 6/1957, làm họa sĩ và tham gia Hội đồng xuất bản. Tháng 8/1957, 8 cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng đã được in xong. Trong nhật kí của nhà văn Thy Ngọc có đoạn ghi: “…Họa sĩ Mai Văn Hiến là người của Quân đội, nhưng đặc cách tham gia trình bày và minh họa cho sách Kim Đồng. Anh có mặt thường xuyên, cặm cụi làm việc, nhưng lúc nghỉ thì ồn ào nhất hội. Có anh, không khí phấn chấn hẳn lên.”
Qua những ghi chép của nhà văn Thy Ngọc, có thể thấy chân dung một Mai Văn Hiến chăm chỉ, tận tụy, cần cù với công việc. Còn những lúc nghỉ ngơi thì ông lại là người vui vẻ, hòa đồng, hóm hỉnh. Ông quan sát, và nắm bắt rất chuẩn thực tế. Ông là tác giả của mẫu bìa sách sinh hoạt, và cùng với các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Sỹ Ngọc là tác giả của bìa 8 cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản vào tháng 8/1957.
Những cuốn sách đầu tiên đó, sau hơn sáu mươi năm vẫn được Nhà xuất bản Kim Đồng lưu giữ trân trọng. Tuy thời gian ông làm việc tại Nhà xuất bản không lâu nhưng những minh họa cho trẻ thơ – chân thật và hồn nhiên thì vẫn còn đó với Nhà xuất bản Kim Đồng và bạn đọc nhỏ tuổi.
Năm 1966, Mai Văn Hiến chuyển ngành sang công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam 26 năm liên tiếp đến khi nghỉ hưu, năm 1988. Ông từng là Ủy viên Ban Thường vụ và là Trưởng ban đối ngoại của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Có một thời gian ngắn ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Có thể nói ông là người có thời gian công tác lâu thứ nhì ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau cố Chủ tịch Hội –họa sĩ Trần Văn Cẩn. Các họa sĩ trẻ được ông quý mến, có những người đã trở thành những người bạn vong niên của ông như Lê Huy Tiếp, Đỗ Phấn…
Trong thời gian công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, làm công tác quản lý tuy bận các công việc hành chính nhưng ông luôm có sáng tác mới và vẫn thường xuyên có tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm Mỹ thuật do Hội Mỹ thuật tổ chức.
Tranh của Mai Văn Hiến, thật giản dị, nhẹ nhàng kể cả những bức tranh có đề tài chiến tranh. Ông thường khai thác những khoảng thời gian yên bình nhất của cuộc chiến như những bức “Gặp gỡ”, “Đàn bướm”… Mai Văn Hiến là người tôn trọng hiện thực, rất nhiều tác phẩm của ông được thai nghén từ các kí họa. Ông đi vẽ nghiên cứu rất kĩ, dáng vẻ nhân vật là điều ông quan tâm khi kí họa lấy tài liệu. Ông dựng phác thảo cũng rất bài bản, có lẽ vì sự cẩn trọng khi xây dựng tác phẩm như vậy nên tác phẩm của ông không nhiều. Ông vẽ hiện thực nhưng không nệ thực, tranh ông vẫn có nhiều những màu sắc thực ấn tượng, rất Mai Văn Hiến. Tác phẩm của ông thường sử dụng các mảng phẳng nhưng không hề có cảm giác bị khô cứng, những dáng vẻ được ông nghiên cứu rất kĩ về đường nét khi kí họa đã làm cho tranh của ông thật mềm mại, nhẹ nhõm.
Đặc biệt, trong ký ức của con gái, họa sĩ Mai Văn Hiến là người hài hước, thân thiện và được nhiều người trong giới họa sĩ biết đến. Ông có nhiều tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các sưu tập quốc tế. “Nhận thức về bố rõ hơn khi ông nghỉ hưu và khi tôi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1983 và được về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi bố tôi đã làm việc ngay sau khi ông rời quân ngũ. Càng làm việc, càng hiểu thêm tài tổ chức và tài đối ngoại của bố trong công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi học tập ở bố được nhiều và đã gắn bó với nơi này đến nay hơn 36 năm”, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh tự hào.
Giới cầm cọ nhận định, nghệ thuật giản dị của Mai Văn Hiến đã đi vào lòng người và dần dần thẩm thấu những giá trị nghệ thuật một cách thật nhẹ nhàng, êm ái. Và có lẽ với họa sĩ Mai Văn Hiến, nghệ thuật của ông chính là cuộc đời, phải sống vì nó như thế và có trách nhiệm với nó.
Cùng với những đánh giá ở trong và ngoài nước, với nhiều thành quả đạt được, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 và Huân chương Lao động hạng Nhất mà họa sĩ Mai Văn Hiến được trao tặng đã khẳng định tài năng, công lao sáng tạo của ông đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Mai Văn Hiến từng là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tham gia quân đội từ năm 1947; Ông đã vẽ nhiều tranh về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như “Gặp nhau” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1954), “Những lời dạy bảo”, “Trước giờ ra thao trường” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật, năm 1958), “Bướm dọc đường”, “Hoa doanh trại”, “Du kích Đông Bắc” (Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, năm 1989)... Ông được Bộ Quốc phòng trao Giải thưởng văn học-nghệ thuật đợt đầu tiên, năm 1984.