Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Nhìn cuộc sống với đôi mắt yêu thương

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/01/2023 15:16

Tết là dịp mà họa sĩ Trần Nhật Thăng đặc biệt ưa thích. Mấy năm gần đây, anh và gia đình thường đón tết trong không khí xuân của vùng cao.

Tết của họa sĩ Trần Nhật Thăng là đến nhà tìm bạn, nếu không thấy, thì cứ ra cửa hàng bán lá dong hoặc hàng tết mà tìm thế nào cũng thấy bạn mình đang xếp hàng mua giúp bố mẹ.

Tết với anh, là đi ngang sân khu tập thể hoặc ngõ phố nào đó sẽ thấy vài nồi bánh chưng đang luộc nghi ngút khói và sẽ gặp vài đứa bạn mình đang lom khom thổi lửa bên nồi bánh.

Và Tết sẽ là tụ tập rủ nhau đến chúc tết các thầy cô bởi phần nhiều các thầy cô cũng ở những khu phố loanh quanh gần trường. Và lớn lên một chút thì tết không thể thiếu việc đạp xe ra Vườn Hồng, phía trước Lăng Bác. Những tình yêu thời bọ xít của các anh, cũng được vun đắp từ Vườn Hồng huyền thoại đó.

Tôi mang ơn làng quê, con người ở đó.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng

Tuổi thơ họa sĩ Trần Nhật Thăng gắn liền với tiếng lộp cộp bước chân trên những bậc cầu thang gỗ của căn nhà xây từ thời Pháp thuộc, nơi gia đình anh sinh sống đến tận bây giờ. Sau này, lại thêm những bậc cầu thang mòn vẹt nhẵn bóng của ngôi trường cấp 3, những âm thanh ấy đã thành một phần không thể tách rời khỏi cuộc đời anh. Dường như những bậc cầu thang gỗ từ thuở ấu thơ đã thôi thúc, lôi kéo anh đến với nhà sàn, đến với mây ngàn và gió núi: “Cũng là do cơ duyên, 3 năm gần đây, Tết năm nào gia đình tôi cũng được hưởng khí xuân vùng cao”.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng chia sẻ: “Hương khói ở nhà hoàn tất, chào và mừng tuổi cha mẹ xong, chiều 30 Tết nhà tôi lên Vân Hồ - Mộc Châu. Ở đó có một homestay mang tên vợ tôi ChezChi - nhà của Chi. Tới mùng 3, chúng tôi bắt đầu đón khách, những vị khách từ Hà Nội mong muốn thư thả ngày xuân lên đây. Chúng tôi cùng nhau nâng chén rượu nồng bên bếp lửa”.

Nhìn lại năm 2022, là một năm thật đáng tự hào với họa sĩ Trần Nhật Thăng. Anh vẽ được những bức tranh lớn, dài tới 6 mét. Làm triển lãm “Miền không” ở TPHCM. Mở thêm một xưởng vẽ rộng ở Vân Hồ... Có được những kết quả tốt như vậy, anh hiểu là từ nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng là sự nỗ lực bền bỉ. Có điều hay là lần này, khi đón nhận thành quả, anh rất bình thản. Và rồi lại đặt ngay mình ở vạch xuất phát cho một chặng đường mới.

Năm qua, cũng lại do nhiều cơ duyên hợp lại mà thành, họa sĩ Trần Nhật Thăng có được hai chuyến đi quan trọng: “Có thể nói chúng khẳng định quan điểm sống từ lâu của tôi là đúng: sống, vẽ, đi,... là để “tu thân”. Ngôn ngữ hội họa, nghề vẽ là phương tiện tốt để tu thân, để hiểu biết và để tỉnh thức. Chuyến đi Nepal 2 tuần và chuyến đi Ladakh 3 tuần trải ra như một giấc mơ. Ở đó đầy ắp hương thơm của Phật pháp. Chợt khẳng định rằng mình sẽ luôn nhìn cuộc sống, con người, thế giới với đôi mắt yêu thương”.

Một lần tình cờ, họa sĩ Trần Nhật Thăng đọc được tên của một cuốn sách: “Trong cái không có gì không”. Anh giật mình, vỡ òa vì tìm được điều lâu nay trăn trở. Trong giây lát, anh quyết định sẽ vẽ loại tranh mới về Phật giáo và đặt tên triển lãm theo cuốn sách: “Tôi lại gần cầm lên, thì ra đó là cuốn của thầy Thích Nhất Hạnh. Trực giác đã đúng, đã dẫn lối cho con đường mới trước mắt. Sau vài ngày, tôi đưa con gái nhỏ ra hiệu sách, bố vào quầy chọn sách của bố, con một khu chọn sách của mình. Và rồi tìm lại được cuốn “Trong cái không có gì không”. Hóa ra là hỏi đáp của trẻ con với thầy Nhất Hạnh. Tôi đọc, rồi lại chợt ngộ ra hai điều quan trọng: Sách cho trẻ con mà rất nhiều điều mình phải học và phải tới cỡ trí tuệ, trí tuệ thế nào mới viết được cho trẻ con. Còn với riêng tôi, trong cái không có tất cả. Ta không tham thì ta có thanh thản. Ta không trở về vô ngã, bỏ cái tôi thì ta có cả loài người. Ta vô cầu thì lộc tới. Một cái cốc trống rỗng sẽ sẵn sàng cho mọi loại đồ uống ngon ngọt rót đầy. Tôi hiểu ý của thầy Nhất Hạnh là vậy.

Phật pháp tốt đẹp và nhiệm màu. Một biển học trước tầm mắt, xa tít tận chân trời. Tôi đang vẽ một loạt tác phẩm mới có mang tín hiệu của Phật giáo. Một gương mặt khắc khổ của Đức Phật thời kì tu khổ hạnh, một bàn tay, một viên tràng hạt… Và sẽ có cả gió trong tranh. Làn gió mát lành đưa mùi hương Phật pháp. Các tác phẩm đang được vẽ chồng chéo vì cảm xúc dâng trào, phần lớn còn dở dang”.

Lúc này, rời xa sự huyên náo của thành phố, họa sĩ Trần Nhật Thăng đắm chìm vào khói bếp làn sương nơi xóm núi lưng đèo. Ở đó cứ đến bữa là có người hàng xóm sang mời ăn, tối vài cuộc điện thoại xuống làng uống rượu. Hoàng hôn về có tiếng chim lẩn khuất trong rừng. Đồng bào Mường nơi đây cho anh cảm hứng sống và vẽ, tiếp thêm năng lượng cho tâm hồn anh, đó là sự trong sáng vô nhiễm: “Bởi vậy mới có loạt tranh và triển lãm “Miền không” thành công như vừa rồi. Tôi mang ơn làng quê, con người ở đó”.

Cũng lạ, so với các họa sĩ khác, họa sĩ Trần Nhật Thăng không có thói quen khai bút đầu xuân. Anh chỉ hạ bút khi nhu cầu thực sự từ nội tâm. Đã có thời gian dừng vẽ 10 năm. Và sắp tới, sau Tết, anh cũng không biết khi nào sẽ vẽ: “Sau “Miền không”, tôi có được sự yêu quý, đồng cảm đặc biệt từ phòng tranh Hakio, TPHCM. Chúng tôi đồng thuận sẽ trở lại lịch như năm trước: 14/4/2023 - 30/4/2023 với triển lãm: “Trong cái không có gì không”. Tôi đang tìm thêm một vài họa sĩ trẻ có cùng suy nghĩ và đề tài mời họ cùng bày triển lãm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Nhìn cuộc sống với đôi mắt yêu thương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO