Hoài niệm phố Đầm

ANH TUẤN 30/01/2022 10:15

Tôi tò mò không hiểu sao giữa bãi đất ven sông Chu vào những năm đầu thế kỷ trước lại hình thành nên con phố Đầm sầm uất đến vậy, để hôm nay người ta thấy tiếc nuối về một thời vàng son của con phố này.

Ngôi nhà cổ của chi họ Nguyễn ở phố Đầm.

Chuyện kể rằng, vào đầu thế kỷ XX, người dân tứ xứ tụ về bãi đất trống nằm bên bờ tả dòng sông Chu, đoạn chảy qua xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) giao thương hàng hóa và hình thành nên con phố Đầm sầm uất chỉ sau đó ít năm. Người dân từ Nam Định vào đây mở xưởng dệt nhuộm, bà con trong Nghệ An, Hà Tĩnh mở khóm lò rèn, một số hào kiệt từ Phú Thọ tới kinh doanh vàng bạc, thuốc bắc, người từ nước bạn Lào dùng ngựa thồ nấm hương, mộc nhĩ đến phố Đầm buôn bán… Đến năm 1907, số doanh thương ngày một nhiều lên. Hai bên đường nhà ở san sát, nhiều căn “biệt thự” mang dáng dấp kiến trúc Á - Âu của những thương nhân được kiến thiết, tạo nên diện mạo phố phường đông đúc, nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Quốc Việt, một người con sinh ra trong dòng họ giàu có kể rằng: Những năm đầu thế kỷ XX, có một số người là vợ các công chức người Pháp về đây mở các cửa hiệu buôn bán, chủ yếu là mua các mặt hàng nông sản, lâm sản, dược liệu quý. Bên cạnh đó, theo dấu tích lịch sử, tên Đầm cũng gắn với những địa danh nổi tiếng: Làng Đầm, phố Đầm, chợ Đầm, bến Đầm... Từ đó, nơi đây có tên gọi phố Đầm.

Tại đây, nghề buôn bè làm ăn phát đạt nhất, hình thành nên một vùng trù phú. Các nghề thủ công như nhuộm, đan lát, may mặc, kim hoàn… rất phát triển. Bến Đầm là nơi trung chuyển hàng hóa của các thương nhân đưa hàng từ miền xuôi lên miền ngược, đưa sang Lào, đưa lâm thổ sản từ miền núi xuống tập kết rồi theo đường sông chuyển ra các tỉnh miền ngoài, thậm chí đưa cả sang Pháp tiêu thụ...

Chợ Đầm lớn nhất nhì trong tỉnh, tháng họp 6 phiên, là nơi tập trung hàng hóa lâm, thổ, thủy, hải sản. Kho bãi ngổn ngang, quán xá tấp nập. Làng Đầm trải dài bên bờ tả ngạn sông Chu, nhìn xuống bến Đầm thuyền đỗ san sát, bè gỗ, bè luồng nối đuôi hút tầm mắt, chiều chiều khói bếp vạn chài thơm lừng hương cá nướng. Những đêm trăng sáng, tiếng hò cao vút, kết nối tâm tình người muôn nẻo, làm sợi tơ hồng xe duyên đôi lứa, rồi neo đậu lại bến Đầm, phố Đầm... Thời thuộc Pháp, tại vị trí bến đò Đầm còn làm thành một bến phà nối con đường cái Tây, nối từ QL47B sang QL15A.

Thời chưa có đê điều, sông Chu hay đổi dòng lượn vòng qua núi Nghèo giữa miền bán sơn địa cằn cỗi, hoang sơ, để lại một khúc sông lấp. Thời gian trôi qua với bao mùa mưa lũ, sông Chu lại đem phù sa bồi đắp, lấp lên khúc sông cũ. Chính nơi đó đã trở thành một thương cảng thực sự kéo dài trong khoảng 50 năm của thế kỷ XX. Theo thời gian, phố Đầm tuy không sầm uất như xưa nhưng vẫn còn đó dáng dấp của một đô thị cổ.

Dấu vết thời gian là những ngôi biệt thự, những căn nhà lầu được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp vẫn còn hiện hữu. Nay phố Đầm vẫn còn đó hiệu thuốc tây Nam Ích Long, thuốc bắc Quảng Phát, thuốc lào Mỹ Thái, hiệu vàng Tấn Long, hiệu nhuộm Tân Mỹ... Cư dân phố Đầm không còn làm những nghề gia truyền, nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà cổ được gìn giữ, một số biển hiệu đang tồn tại như để con cháu nhớ về một thời hoàng kim của nơi này.

Trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung ở phố Đầm nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 ngôi nhà giữ được gần nguyên dáng cổ xưa và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Nhà cổ có kiến trúc hai tầng, mái ngói đỏ, được xây bằng tường gạch nung vữa vôi, mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết: Các ngôi biệt thự hầu như được thiết kế với hai tầng lầu, tầng dưới ngăn cách với tầng trên bằng một lớp gỗ lim dày khoảng 30 cm.

Tôi cùng ông Việt ghé thăm ngôi nhà thờ chi họ Nguyễn, gốc họ Ngô do cụ tổ ông Việt xây dựng cách đây hơn 100 năm đang được người chị dâu tên Cao Thị Đức trông coi, thờ tự tổ tiên. Ông Việt bảo rằng, đến nay, ngôi biệt thự này đã qua 7 đời con cháu chi họ Nguyễn sinh sống nhưng vẫn giữ nguyên vẹn theo kiến trúc cổ. Nhà được xây dựng với kiến trúc hai tầng mái đỏ, tọa lạc trong khuôn viên rộng hàng trăm mét vuông. Trần nhà được làm bằng gỗ lim, qua những biến thiên của thời gian vẫn không bị mối mọt.

Nói về kiến trúc phố Đầm, ông Ngô Doãn Luyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Thiên - người có thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu về những ngôi nhà cổ, khẳng định: Hiện phố Đầm còn 34 ngôi nhà cổ với 17 nhà khá nguyên vẹn. Trong số những ngôi nhà này, có những nhà xuất hiện từ năm 1878. Song qua thời gian, hiện nay, một số ngôi nhà cổ đang trong tình trạng xuống cấp, người dân không có điều kiện và kinh phí để bảo tồn, tu sửa.

Một tín hiệu vui, đó là việc gần đây tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch phố Đầm trở thành một đô thị vệ tinh của vùng Lam Sơn với tổng diện tích gần 820ha. Chức năng của đô thị này là hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái, bảo tồn, khai thác giá trị của phố Đầm và cảnh quan ven sông Chu. Đô thị phố Đầm có nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và phát triển, như gần Cảng hàng không Thọ Xuân; Đường Hồ Chí Minh; QL47B...

Phố Đầm sẽ là một khu lưu trú cho khách du lịch. Song song với đó, nhằm gìn giữ và bảo lưu giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo của nơi đây, năm 2020, phố Đầm được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Chúng ta cùng hy vọng, không lâu nữa, phố Đầm sẽ hồi sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoài niệm phố Đầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO