Ít ai biết rằng, chợ Đông Ba (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) hiện vẫn còn tồn tại một lầu may trên 40 năm với hơn 30 người thợ lành nghề hằng ngày vẫn hăng say làm việc tìm kế sinh nhai. Không những vậy, đây còn là chứng nhân sự thăng trầm của một nghề truyền thống ở mảnh đất xứ “Thần Kinh”.
Lầu may Đông Ba, nơi lưu giữ những ký ức về một ngành nghề truyền thống của xứ Huế.
Thành lập từ năm 1976, đến nay lầu may Đông Ba vẫn lưu giữ được những nét đẹp vốn có của nó. Trải qua gần nửa thế kỷ tồn tại, với biết bao sự thay đổi của thời cuộc, vậy nhưng lầu may vẫn giữ được nét đẹp nguyên vẹn như ngày đầu nó ra đời, đó là nét cổ kính pha lẫn chút u ẩn.
Nơi quy tụ những tay thợ giỏi
Đến chợ Đông Ba, nếu không để ý kỹ, du khách sẽ rất khó để nhận thấy ở khu chợ sầm uất nhất xứ kinh kỳ này vẫn còn tồn tại một lầu may. Bởi lẽ, lối đi lên lầu may nằm ẩn khuất, chỉ vừa đủ một người đi. Tuy nhiên, khi bước chân lên đến bậc thang cuối cùng, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi đằng sau cánh cửa chật hẹp ấy là một “công xưởng” may với hàng chục người thợ đủ độ tuổi đang hăng say làm việc, cùng với tiếng lạch cạch được phát ra từ những chiếc máy may.
Điều ấn tượng đầu tiên khi đập vào mắt người nhìn là những chiếc bàn may được đặt san sát nhau, bên trên là những tấm bảng hiệu của những nhà may nổi tiếng ở xứ Huế như hiệu may Liên Nhỏ, Xí Hiền, O Tằm…
Lần đầu đặt chân đến lầu may Đông Ba, nhiều người sẽ có cảm giác như được trở về những khu xưởng may ngày xưa của những thập niên 1970-1980.
Vừa ngậm một ngụm nước chè, ông Nguyễn Văn Chúc (88 tuổi, trú ở TP. Huế) là người lớn tuổi nhất còn làm việc tại xưởng may này cho biết, trước đây để được có một chỗ ngồi trên lầu may này để làm việc không phải là điều dễ dàng, bởi điều kiện tiên quyết anh phải là người thợ giỏi có tay nghề cao.
Trò chuyện với ông, chúng tôi không nghĩ ông đang ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, bởi ở cái tuổi gần 90 mà hằng ngày ông vẫn tiếp xúc với cây kim, sợi chỉ nhưng đầu óc của ông vẫn còn rất minh mẫn, đôi mắt ông vẫn còn tinh anh, ông kể vanh vách từng câu chuyện thăng trầm ở cái xưởng may này như chính cuộc đời mình vậy.
Khi được hỏi đến khi nào thì ông sẽ dừng công việc may vá này lại thì ông chỉ đáp ngắn gọn: “Còn đủ sức khỏe thì ông vẫn còn ngồi đây cháu ạ”.
Nhìn về phía xa, một người phụ nữ đang cặm cụi luồn sợi chỉ vào cây kim được gắn trên bàn may vừa nở nụ cười hiền hậu. Bà là Huỳnh Thị Tằm (65 tuổi), người có hơn 30 năm làm công việc may vá ở lầu may này. Theo lời của bà Tằm, thì bà bắt đầu may vá ở đây từ thời còn là thiếu nữ, mà giờ đây đến con gái của bà cũng đã trưởng thành. “Chúng tôi ở đây ai cũng hành nghề trên dưới 50 năm cả nên từ những cái khó đến dễ chúng tôi đều may được. Thường ngày nếu khách du lịch đến đặt may chúng tôi đều đáp ứng được. Lợi thế của chúng tôi là có những người thợ may giỏi các trang phục truyền thống, những lá cờ làng, cờ hội… mà nhiều nhà may khác không thể may được” - bà Tằm tự hào.
Khi công nghệ làm mất dần giá trị xưa cũ
Tuy nhiên, theo những người thợ ở đây, khi công nghệ ngày càng phát triển và máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người cũng chính là lúc những ngành nghề truyền thống cũng phai dần đi, và nghề may cũng không tránh khỏi quy luật đó. Những công xưởng, nhà máy may hiện đại được xây dựng lên khắp nơi đã làm cho nghề may truyền thống rơi vào tình trạng ngắc ngoải.
Theo bà Tằm, khoảng 10 năm về trước khi đồ may sẵn còn ít, lúc đó thợ may ở lầu may Đông Ba có lúc lên đến khoảng 80 người, làm hết công suất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó, bà Phan Thị Vân (69 tuổi) cho biết, trước đây khách đến lầu may này rất đông, bởi những bộ trang phục khi qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề luôn luôn được khách hàng đón nhận. Hiện tại, khách hàng đến lầu may cũng thưa dần, lâu lâu có người mang cái quần, cái áo bị lỗi để sửa với giá chỉ 20.000 đồng. Bình quân mỗi tháng thu nhập cũng chỉ trên dưới 3 triệu đồng.
Chỉ tay về phía ông Chức, bà Vân kể: ông là người duy nhất ở lầu may này là thợ may độc quyền về loại áo dài cho nam giới (được sử dụng trong những ngày lễ hội, cưới hỏi…). Trước đây, những người dân địa phương, những khách ngoại tỉnh, thậm chí là Việt kiều cũng đến đặt hàng rất đông. Tuy nhiên, theo thời gian, khi xu hướng thời trang model ngày càng phổ biến cũng là lúc những bộ trang phục truyền thống dần rơi vào quên lãng. “Chính công nghệ hiện đại, cùng với lối trang phục cách tân đã làm mất dần đi những giá trị xưa cũ” - bà Vân nói trong tiếng thở dài.
Chút hy vọng còn sót lại
Tuyệt đại đa số những người thợ may ở đây đều trong độ tuổi từ 50 trở lên. Đây là những người thợ kỳ cựu gắn bó với nghề may vá tại xưởng may này cũng trên dưới 30 năm. Trò chuyện với chúng tôi, tất cả những thợ may ở đây đều có chung một tâm trạng: rồi đây, khi đời sống của con người ngày một nâng lên, xu hướng thời trang hiện đại dần thay thế những bộ trang phục truyền thống, không biết lầu may này có còn trụ vững nữa hay không? Rồi mai kia, khi những bác thợ may già không còn đủ sức bám trụ với nghề thì lầu may Đông Ba sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi đã ám ảnh những người thợ gắn bó cả đời mình ở lầu may này và xem nó như một phần máu thịt của mình. Bởi lẽ, với cuộc sống hiện tại, đối với những người trẻ, công việc may vá tại lầu may này mỗi ngày chỉ đem lại thu nhập trên dưới 100.000 đồng, với nguồn thu nhập ấy rất khó để họ có thể trang trải cuộc sống hằng ngày. Và không lẽ, xưởng may một thời vang bóng của xứ Huế, hồn cốt của mảnh đất xứ kinh kỳ này sẽ mãi mãi mất đi.
Thật may là ở xưởng may Đông Ba vẫn còn những người trẻ tâm huyết muốn tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để lại. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là anh Lê Văn Tuấn (30 tuổi, trú tại phường Thuận Hòa), anh là người thợ trẻ nhất lầu may. Anh Tuấn cho biết anh là thế hệ thứ 3, trước đây, ông nội và bố anh đều là những người thợ giỏi, là người thầy dạy nghề cho nhiều người trong lầu may này.
Bên chiếc máy may cũ kỹ mà theo anh Tuấn đây là bàn may do ông nội anh để lại, nó cũng chính là tuổi thơ của anh khi hằng ngày anh theo bố ra lầu may để “làm bạn” với nó và học nghề. Giờ đây, chính chiếc bàn may lại trở thành “cần câu cơm” để anh tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống của cha ông. “Khi bố tôi già yếu và nghỉ, tôi mới ngồi vào bàn may thế chỗ, kiếm thu nhập nuôi gia đình. Tôi theo nghề của bố mình cũng được hơn chục năm nay và ngồi ở lầu may này được 2 năm. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Với tôi, những giá trị truyền thống bao giờ cũng đẹp và vững bền hơn cả” - anh Tuấn tâm sự.
Khi được hỏi về tấm biển hiệu Tuấn Cư, anh Tuấn cho biết: “Cư là tên của bố tôi, tôi muốn lấy tên của mình ghép với tên của bố để nói với mọi người rằng mình sẽ là người nối nghiệp cha ông tại lầu may Đông Ba”.
Và, khi những tia nắng tắt vội để nhường chỗ cho hoàng hôn buông xuống, những con phố cũng bắt đầu lên đèn cũng là lúc tiếng lạch cạch phát ra từ những chiếc máy may cũ kỹ bắt đầu thưa dần đi. Và như thế, ngày qua ngày, với guồng quay hối hả của cuộc sống, những chiếc bàn may vẫn đều đặn “nhả ra” những bộ trang phục truyền thống làm đẹp cho người.