Hoàn cảnh

TRẦN HỮU THĂNG 02/12/2022 07:16

Hoàn cảnh là gì? Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Hoàn cảnh là toàn thể nói chung những nhân tố khách quan bên ngoài có tác động đến sự sinh sống, sự hoạt động của con người, sự việc xảy ra hoặc diễn biến của sự việc nào đó. Thí dụ: Hoàn cảnh xã hội. Thích nghi với hoàn cảnh. Hoàn cảnh riêng của gia đình”.

Tranh mang tính trang trí.

Theo “Từ điển tiếng Pháp Larousse”, xuất bản năm 2022, trang 147: “Hoàn cảnh là: 1/Những đặc tính đi kèm theo sự hoạt động. Thí dụ: Một hoàn cảnh khó khăn. 2/Tình trạng, tình thế của hoạt động. Thí dụ: Trong tình thế hiện tại. Phải theo hoàn cảnh mà hành động (tức là phải biết thích nghi với hoàn cảnh). 3/Điều không mong đợi sắp xảy ra”.

Nói chung, cả hai loại từ điển đều gợi ý cho chúng ta đến mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh dưới hai góc nhìn: 1/Con người tạo ra hoàn cảnh hay hoàn cảnh tạo ra con người. 2/Phải biết lựa chọn để thích nghi với hoàn cảnh mới mong tồn tại và phát triển được.

Nhà triết học Benjamin Disrali (1804 – 1881) đã gợi ý về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh khi ông viết: “Con người đâu có tạo được ra hoàn cảnh mà chính hoàn cảnh mới tạo nên con người”. Ca dao Việt Nam có câu: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Lại có câu ca ngợi sự cao quý của loài sen: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Chỉ với một vài dẫn chứng như thế, những ai muốn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ tội cho hoàn cảnh mà không biết tự giữ mình, tự tu tâm sửa tính để vượt qua mọi hoàn cảnh cám dỗ, mua chuộc thì thật là đáng trách, đáng xấu hổ.

Trong các tác phẩm kinh điển của nhân loại, người ta thường ca ngợi các bậc anh hùng có nhiều công lao mở mang bờ cõi hay chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những người anh hùng này thường xuất thân từ những tầng lớp cần lao, nhưng nặng lòng yêu nước thương dân mà trở thành những người đi tiên phong. Đó chính là “Thời thế tạo anh hùng” hay “Hoàn cảnh tạo anh hùng”, “Hoàn cảnh tạo nên con người”, “Những anh hùng áo vải dựng nên cơ nghiệp”.

Ngạn ngữ cổ của Đức có câu: “Hoàn cảnh là sức nặng đè bẹp kẻ nhu nhược, nhưng lại là thời cơ đối với người can đảm”. Trải qua kinh nghiệm sống tùy theo các lứa tuổi, tùy theo điều kiện xã hội nhưng ai ai cũng nhận thấy có hai cách ứng xử khi gặp khó khăn.

Cách thứ nhất là “Cái khó bó cái khôn”. Rất đáng tiếc, đây lại là số không nhỏ trường hợp gặp trong cuộc sống hàng ngày. Từ cái khó khăn ban đầu là làm ăn buôn bán thì ít vốn, học hành dù là học chữ hay học nghề đều không tập trung tư tưởng nên bao giờ cũng thua kém mọi người. Đối với những người này, nếu gia đình, bạn bè, cộng đồng không nhiệt tình giúp đỡ sẽ rất khó khăn tìm công ăn, việc làm và mưu sinh hàng ngày.

Cách thứ hai là “Cái khó ló cái khôn”. Đây là con đường duy nhất đúng đắn để con người thắng hoàn cảnh, thắng khó khăn khách quan như thời tiết không thuận lợi, đất cát trồng trọt lâu ngày đã bạc màu không còn thích hợp để trồng lúa nữa...

Nếu không “ló cái khôn” sẽ bế tắc. May mắn thay thực tế cuộc sống đã có nhiều “cái khôn” hé rạng và phát triển. Đó là sự kết hợp giữa các “nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước cụ thể là các ngân hàng chính sách đã cho vay vốn để phát triển sản xuất.

Kết quả là nhiều giống cây trồng ở miền Nam đã phát triển rất tốt ở các vùng cao miền Bắc, nhiều nhà máy chế biến nông sản tại chỗ mọc lên khắp các vùng trồng trọt khác nhau... nên xuất khẩu tăng mạnh, nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ngay trên chính những mảnh đất khô cằn mà nếu không nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sẽ mãi nghèo đói như trước đây.

Dưới một góc nhìn khác, sự “ló cái khôn” là những suy nghĩ của từng cá nhân, từng cá thể con người hay từng nhóm các cộng đồng. Chính họ phải thấm thía cái khó khăn mà cá nhân, mà địa phương ấy gặp phải, mắc phải mà tự đào sâu suy nghĩ và bàn bạc để có những giải pháp mới. Nhà văn vĩ đại Tây Ban Nha, ông Miguel Cervantes (1547 – 1616) đã phân tích rất đúng: “Chỉ có chính người đi giày mới biết rõ chân mình bị giày nghiến vào chỗ nào”.

Qua thực tế cuộc sống đã cho thấy: Hàng trăm năm nay Đồng bằng sông Cửu Long thì mưa lũ năm nào cũng xảy ra, nhưng chỉ đến khi người nông dân tuy vẫn phải sống chung với lũ nhưng dần dần đã biết lợi dụng, cải tạo lũ để làm các việc khác trong trồng trọt, chăn nuôi nên đã sản xuất ra được những loại gạo ngon nhất thế giới, những loại cá, tôm, thủy sản chất lượng cao để xuất khẩu.

Trên đây chỉ là vài thí dụ về con người và hoàn cảnh. Các triết gia cũng có những lời khuyên đầy chất triết học, tâm lý học trong việc thích nghi và cải tạo hoàn cảnh của con người.

Triết gia cổ đại Cicero (năm 106 đến 43 trước Công nguyên) đã từng viết: “Giữa những cái tồi tệ hãy chọn cái ít tồi tệ hơn” cũng gợi ý cho ta trong việc thích nghi hoàn cảnh để vươn lên và phát triển. Có tác giả nêu ra cái được và cái mất trong phương án A và phương án B nếu ta thực thi và triển khai. Trong tình thế bắt buộc, có khi vẫn phải chấp nhận thất bại, chấp nhận thiệt hại nhưng ít hơn phương án kia. Có tác giả đã viết: “Chẳng có cái gì là mất mát hay thắng lợi cuối cùng cả”, cái gì cũng có hai mặt.

Cervantès lại dạy rất cụ thể là: “Khi ở La Mã hãy làm như người La Mã” tức là “Ở bầu phải tròn, ở ống phải dài” như một câu ca dao Việt Nam đã khuyên. Có người lại nêu ra chữ “tùy” như: “Thôi thì cứ tùy theo tình hình mà làm”, “Thôi thì tùy đa số anh em thống nhất thế nào thì mình cứ theo thế mà làm” ...

Còn đại văn hào Anh, ông Shakespeare lại nêu ra một hoàn cảnh khá bi quan là: “Trước một thùng táo đã bị thối thì làm gì còn sự lựa chọn nào nữa”. Thôi đành bỏ đi dù rất tiếc.

Nói về con người và hoàn cảnh thì còn nhiều nội dung cần nói, nhiều góc nhìn cần bàn. Nhưng ngay từ thời cổ đại, triết gia Horace (thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên) đã dạy bảo con người rất cụ thể: “Phải cố gắng phấn đấu để điều khiển được hoàn cảnh chứ đừng bao giờ chịu để hoàn cảnh điều khiển mình”.

Hơn 2.000 năm đã trôi qua nhưng định đề triết học này của Horace vẫn đúng đắn, sáng chói và hướng dẫn con người trên mỗi chặng đường gian khó của cuộc đời. Con người phải tự mình rèn luyện, tự mình trưởng thành, tự mình chịu thiệt, chịu khó, chịu khổ mới mong có ngày “thoát khổ, được sướng”, hay “Qua cơn bĩ cực tới tuần thái lai” (qua được những ngày khó nhọc để có được những ngày ấm êm, hạnh phúc).

Đại thi hào Machievel trong một tác phẩm triết học viết năm 1514 cũng đã khẳng định: “Chính nhờ có hoàn cảnh nên mới biết được ai tốt, ai xấu”. Như thế “hoàn cảnh” dưới con mắt của Machievel như là một phép thử, nó đóng vai một trọng tài, một giám khảo để đánh giá năng lực, đạo đức, bản lĩnh của một con người.

Theo những truyền thuyết trong các chuyện dân gian của Ả Rập, Ba Tư cổ đại thì người ta thường dùng các phép thử của hoàn cảnh sau đây để thử thách lòng người, đó là: “Dùng tiền bạc để thử lòng đàn bà, dùng đàn bà để thử lòng đàn ông”. Sự thật có nhiều đàn bà bỏ chồng nghèo để chạy theo các đại gia không? Sự thật có nhiều đàn ông chán vợ già, vợ xấu để chạy theo “chân dài” không? Tất nhiên thời nào cũng có, nhưng cũng tùy vào phẩm chất và bản lĩnh của từng người trước những hoàn cảnh đầy cám dỗ và nguy hiểm có thật ấy.

Trong cắt nghĩa từ “hoàn cảnh”, “Từ điển tiếng Pháp Larousse” còn có một gợi ý rất đáng lưu tâm là: “Hoàn cảnh là những điều không mong đợi, nghĩa là nó có thể thuận lợi, cũng có thể là một nghịch cảnh, không ai biết trước được”. Vì thế lúc nào cũng nên thận trọng, sâu sát, tỉ mỉ trước những ngày mới sắp đến, trước một cơ quan mới mà mình sẽ công tác. Như thế, ở mối liên quan giữa con người và hoàn cảnh cần nêu thêm cụm từ: “Thận trọng, tỉ mỉ, can đảm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoàn cảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO