Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là rất cấp bách

Việt Thắng 11/07/2022 19:34

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, trong 1 năm ban hành văn bản sai thẩm quyền, không đúng nội dung mà chưa bị xử lý thì liệu có nghiêm?

Ngày 11/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

Trình bày tờ trình, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện.

Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBTVQH14 ngày 26/3/2020 về giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết kỳ họp thứ 8. Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBTVQH15 ngày 18/8/2021 để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị giám sát của năm 2020 và giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Cường, qua hoạt động giám sát cho thấy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đưa vào Chương trình công tác hàng năm về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ rằng, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc các cá nhân, cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, chưa thống nhất từ kỳ báo cáo kết quả giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Việc giám sát chủ yếu tập trung vào thời hạn ban hành, tính đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tuân thủ các quy định về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản.

Đáng chú ý, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, việc phát hiện và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa chủ động, chưa kịp thời, kém hiệu quả. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật đã được chỉ ra và kết luận, nhưng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới để khắc phục còn chậm.

Việc gửi văn bản đã ban hành đến các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế, chủ yếu là văn bản do Chính phủ ban hành, văn bản do cấp Bộ trưởng ban hành ít được gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Từ thực trạng nêu trên, để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, ông Cường nhấn mạnh: “Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “cơ quan thường trực của Quốc hội”, “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội” theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý rằng, “giám sát xong phải có kết luận giám sát”. Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, qua giám sát cần chỉ rõ có bao nhiêu nơi làm được?, bao nhiêu nơi đúng thời gian?, bao nhiêu nơi ban hành đúng?, nơi nào chưa đúng?, nơi nào ban hành chậm thì phải rõ để báo cáo Quốc hội.

"Thực tế có việc luật ra đời luật rồi mà chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn, vì vây, chúng ta cần chấm dứt việc Nghị định “không đầu”, ông Phương cho hay.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Tư pháp hàng năm đều có báo cáo về việc kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm toán Nhà nước hàng năm cũng phát hiện nhiều văn bản không phù hợp. Qua đó kiến nghị ban hành văn bản cho kịp thời, rồi cái nào bỏ bãi, cái nào nên ban hành bổ sung.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc xử lý văn bản vi phạm đang có nhiều ý kiến băn khoăn. Nhất là năm ngoái, Bộ Tư pháp đã kiểm tra phát hiện 64 văn bản không phù hợp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, một công dân làm sai chịu trách nhiệm dân sự, chịu trách nhiệm hành chính. Còn nếu vi phạm pháp luật thì bị xử lý hình sự. Trong 1 năm ban hành văn bản sai thẩm quyền, không đúng nội dung mà chưa bị xử lý thì liệu có nghiêm không?, nhất là chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tính thượng tôn pháp luật rất là quan trọng.

“Người ban hành mà không nghiêm thì làm sao đòi hỏi người dân, doanh nghiệp nghiêm được. Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội là rất cấp bách”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sau đó, với 100% ý kiến tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung của dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là rất cấp bách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO