Học nghề không lo thất nghiệp

Thu Hương 08/10/2022 07:00

Với chủ trương đào tạo gắn với doanh nghiệp thay vì đào tạo theo hướng nhà trường sẵn có, hiện nay 85% học viên tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm. Thậm chí, một số ngành nghề, học sinh tốt nghiệp không đủ cung ứng cho doanh nghiệp.

Trường nghề là một lựa chọn cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Ảnh:Quang Vinh.

Rõ công việc, không mông lung

TS Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, trong số gần 13.000 tân học sinh, sinh viên (HSSV) vừa trúng tuyển vào trường năm học này, có nhiều em đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT rất cao, trên 25 điểm nhưng vẫn lựa chọn học nghề thay vì học ĐH. “Điều này không chỉ cho thấy sự thay đổi trong định hướng nghề nghiệp của học sinh mà bản thân các cơ sở đào tạo Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngày càng hấp dẫn với học sinh” - bà Hà cho biết.

Em Lê Bá Nhật (Tiên Trang, Quảng Xương, Thanh Hóa), tân sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm lớp 12 đã định hướng không theo học đại học mà theo học nghề. Dù có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao (đạt 27,25 điểm khối C19) nhưng Nhật vẫn quyết định theo học nghề để theo đuổi đam mê của mình trong sự ủng hộ của gia đình, thầy cô bởi chỉ khi làm điều mình thích mới có thể đem lại thành công.

Em Khúc Tuấn Linh - Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội là 1 trong 100 sinh viên tiêu biểu được tuyên dương nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10. Tốt nghiệp THPT, điều kiện gia đình em rất khó khăn, bố mẹ em chỉ là lao động tự do nên Linh quyết định chọn học nghề để sớm ra trường có việc làm, chi phí học tập cũng phù hợp với khả năng của gia đình. Nhờ ý thức học nghiêm túc ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào trường, được sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, Linh đã rèn luyện tay nghề thành kỹ năng chuyên nghiệp và giành được Huy chương Vàng ngành Quản trị hệ thống mạng Công nghệ thông tin trong kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2022. “Mục tiêu lớn hơn của em là có thể chinh phục ở giải quốc tế. Em sẽ tiếp tục rèn luyện mỗi ngày để đạt được trình độ kỹ năng nghề cao hơn” - Linh nói.

Trong nhiều ngã rẽ sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, học nghề đang là một hướng đi được nhiều học sinh và gia đình lựa chọn bởi chi phí đào tạo hợp lý, thời gian đào tạo ngắn, quá trình học chỉ 30% lý thuyết, 70% thực hành nên không cần chờ đến khi tốt nghiệp mà ngay trong khi học, các em đã rõ mình sẽ làm công việc gì, mức lương bao nhiêu sau ra trường. Đặc biệt những em đã có sẵn sở thích, đam mê với ngành mình học thì việc thành công là hoàn toàn nằm trong khả năng.

Học nghề đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Ảnh: TL.

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Nhìn từ thực tế đào tạo cho thấy, sức hút của các trường nghề hiện nay chính là ưu thế đào tạo chú trọng thực hành và sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo từ thiết bị, chương trình, giáo trình… Đào tạo cái thị trường cần thay vì đào tạo cho có khiến học viên học xong xếp bằng để đó là một sự lãng phí lớn. Nói cách khác, để giảng dạy trong nhà trường phù hợp, sát thực tiễn chính là ở việc gắn kết với các DN cùng tham gia vào quá trình đào tạo, đặt hàng nhà trường cái họ cần để cơ sở GDNN điều chỉnh giảng dạy.

Mới đây, Trường CĐ Du lịch Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với 46 DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn về phát triển, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ngành du lịch. Đây đều là những DN có thương hiệu trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, lữ hành như: Khách sạn InterContinental Landmark Hà Nội, Grand Plaza Hà Nội, Daewoo Hà Nội, Novotel Suites Hà Nội, Tập đoàn AFG, Sen Tây Hồ... Điều này cho thấy nhu cầu cần lao động qua đào tạo rất lớn, cũng như việc DN cần lao động thuộc lĩnh vực họ đang có nhu cầu. Đặc biệt, đối với mảng du lịch, một thời gian dài bị ngưng trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nay các DN đang phải trải qua giai đoạn phát triển “nóng” về dịch vụ lữ hành, lưu trú và dịch vụ ăn uống nên có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động có kỹ năng để lấp đầy khoảng trống về nhân sự nghỉ việc. HSSV được đào tạo theo sát yêu cầu của DN và thực hành tại DN, rèn luyện kỹ năng, tay nghề nên tới đây, khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm rộng mở là điều không phải dự đoán.

TS Trần Xuân Ngọc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 100% sinh viên CĐ khóa 10 và các khóa trước đây đều được nhà trường giới thiệu việc làm, nhiều em có được những lựa chọn công việc với mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhưng đến nay vẫn có hơn 80% sinh viên đã có việc làm trước khi tốt nghiệp. Trong đó, nhiều ngành nghề 100% sinh viên có việc làm như: Công nghệ hàn, Chế tạo thiết bị cơ khí, Thiết kế đồ họa. Sửa chữa máy tính, Chăm sóc sắc đẹp, Thiết kế tóc.

“Thông qua thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa lãnh đạo nhà trường và Hiệp hội HANSIBA cùng nhiều hoạt động kết nối cung cầu nguồn nhân lực, đào tạo đặt hàng, hỗ trợ, định hướng lập nghiệp, khởi nghiệp, nhiều học viên sau tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại DN trong nước và quốc tế” - ông Ngọc cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh cho biết, đào tạo của hệ thống GDNN hiện nay không chỉ là thực tập, thực hành tại DN mà chúng tôi khuyến khích HSSV đi xuống DN làm và coi như đó là thời gian kết hợp thực tập sau đó quay về làm tốt nghiệp luôn, thậm chí là thi tại chỗ. Làm sao để trình độ, năng lực của HS gắn với thực tế đã đành, cách làm cũng không khuôn mẫu trong trường lớp mà gắn với DN để ra trường, các em tiếp cận được ngay với công nghệ mới nhất của thị trường.

“Khi đào tạo gắn với DN, bản thân mỗi thầy cô giáo đều phải đổi mới, dạy cái thị trường cần, kỹ năng, công nghệ mới. Chúng tôi đang dần tiến tới yêu cầu bắt buộc với thầy cô giáo không chỉ giỏi lý thuyết mà phải giỏi cả thực hành, cập nhật tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng thị trường lao động. Đây là con đường dài bao gồm nhiều yếu tố từ thiết bị, năng lực, chương trình, giáo trình… với mục tiêu cuối cùng là đào tạo nhân lực đáp ứng được thị trường lao động”- ông Khánh nói.

Chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Đỗ Năng Khánh, việc kết nối DN với trường đào tạo dạy nghề ở nhiều nơi rất hiệu quả, nhưng có những trường chưa được như mong muốn. Đây là thực tế. Có nhiều lý do dẫn đến việc này. Đối với 1 số ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao cũng không đơn giản họ chấp nhận hay là những DN sản xuất theo dây chuyền, nếu HSSV vào làm chưa qua đào tạo có thể ảnh hưởng đến dây chuyền chất lượng sản phẩm. Về nguyên nhân chủ quan có thể do nhà trường chưa chủ động, chưa thể hiện được việc tôi vào làm là giúp cho DN chứ không phải làm khó cho DN. Nếu họ chứng minh được điều đó thì DN cũng sẽ sẵn sàng. Đặc biệt về phía DN họ cũng nhận thức rằng ngoài trách nhiệm về lợi nhuận ra thì họ cũng cần có trách nhiệm xã hội. Đó là DN cần có trách nhiệm trong việc phát triển nguồn nhân lực. Nhiều nước trên thế giới hiện đã yêu cầu trách nhiệm của DN trong việc tham gia đào tạo, chúng ta cũng có yêu cầu này nhưng có chế tài chưa cụ thể.

Hiện bản thân DN cũng đã thay đổi nhận thức, thấy cần các cơ sở GDNN vì họ cần nhân lực có chất lượng và ngược lại, nhà trường cũng cần DN để đào tạo đúng, trúng. Nhìn chung, gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Cơ sở GDNN và DN đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú; gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nhiều DN đã tự thành lập các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho xã hội. Sự tham gia của DN vào đào tạo nghề còn thể hiện ở nhiều hình thức khác như trao đổi, cung cấp nguồn lực, trao đổi thông tin giữa cơ sở GDNN và DN.

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH):

Nâng chất lượng lao động qua đào tạo nghề

Sau dịch Covid-19, thị trường lao động trong nước đã có những thay đổi khi nhiều vị trí việc làm yêu cầu trình độ cao hơn trước. Thị trường lao động đang dần chuyển sang phân khúc cao hơn về chất lượng và trình độ của lao động, đòi hỏi người lao động phải tích hợp thêm nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. Cụ thể, các DN đã hoạt động trở lại và có nhu cầu tuyển dụng cao song cũng đặt ra những yêu cầu phù hợp hơn với giai đoạn mới như, lao động trẻ, có trình độ, kiến thức tốt, tay nghề phù hợp hơn. Điều này đặt ra thách thức với người lao động là cần có thêm kinh nghiệm, trình độ theo yêu cầu của DN.

Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, tay nghề, người lao động cần tận dụng cơ hội để bổ sung kỹ năng và kiến thức như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc đa nhiệm… Từ trước đến nay, luôn có sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Ở những nhóm lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, công nhân có trình độ và tay nghề tỷ lệ diễn ra mất cân đối về cung, cầu lao động càng cao. Điều này nằm ở chất lượng lao động, khi mà những thứ người lao động có lại chưa đáp ứng được yêu cầu của DN và ngược lại.

Vì vậy, vấn đề đặt ra đó là việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và DN là rất cần thiết, thậm chí là yếu tố quan trọng để việc đào tạo bám sát yêu cầu thực tiễn thay đổi mỗi ngày.

Hàn Minh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học nghề không lo thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO