Học sinh, sinh viên trở lại trường: Tự tin thích ứng an toàn

Hàn Minh 15/02/2022 08:10

Hàng loạt trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã đón học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp từ giữa tháng 2. Đây là phương án phù hợp và cần thiết, góp phần đảm bảo việc phát triển hài hòa, cân bằng về tâm lý, thể lực cũng như thuận lợi cho việc tiếp thu kiến thức của người học.

Các trường Cao đẳng, Đại học thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch khi học sinh, sinh viên trở lại trường. Ảnh: Quang Vinh

Bồi hồi ngày đầu tiên đi học trực tiếp

Đó là cảm xúc của Minh Thư (sinh viên năm nhất Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) sau một học kỳ đầu tiên ở bậc ĐH và học hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. Từ thứ 6 tuần trước, Thư đã đến Trung tâm y tế quận Đống Đa, Hà Nội để thực hiện xét nghiệm và nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 để được đi học ở trường từ 14/2.

“Không chỉ là vui mà hơn thế, trải nghiệm những ngày tháng sinh viên đích thực tại ngôi trường em đã miệt mài phấn đấu suốt những năm tháng phổ thông để đỗ vào trường là niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời. Em tin rằng khi đi học trực tiếp, chúng em sẽ không chỉ được học với đầy đủ sự hào hứng mà còn được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, làm quen với cuộc sống sinh viên đầy màu sắc” - Thư nói và chia sẻ thêm, về dịch bệnh, em khá yên tâm vì nhà trường yêu cầu sinh viên tất cả các khóa phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có hiệu lực 3 ngày kể từ ngày xét nghiệm nên môi trường học đường khá an toàn. Khi đến lớp, 100% sinh viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tại trường nên nguy cơ lây bệnh cũng thấp.

Toàn bộ 1,7 triệu học sinh ở TP Hồ Chí Minh tới trường

Ngày 14/2, khoảng hơn 1 triệu học sinh từ bậc mầm non tới lớp 6 trên địa bàn TPHCM đã chính thức tới trường học trực tiếp. Cùng với khối 7-12 đã tới trường trước đó, toàn bộ 1,7 triệu học sinh đã chính thức đi học trực tiếp.

Ghi nhận tại nhiều mầm non và tiểu học trên địa bàn, học sinh tới trường học trong niềm hân hoan, vui vẻ. Nhiều học sinh bậc mầm non, tiểu học cũng thành thạo các quy định về thực hiện quy định 5K như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang... Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ phụ huynh cũng cảm thấy an tâm khi nhà trường đã có nhiều biện pháp phòng, chống dịch, đưa ra nhiều kịch bản khi xuất hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe, có F0 trong lớp học...

Thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, ngày 14/2 trên địa bàn có khoảng 700.000 học sinh từ lớp 1 tới lớp 6 và gần 360.000 trẻ mầm non đến trường. Cùng với khối 7-12 đã tới trường trước đó 2 tháng, gần như toàn bộ 1,7 triệu học sinh ở địa bàn TPHCM đã tới trường học trực tiếp. Tuy nhiên Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho biết việc học trực tiếp dựa trên sự đồng thuận tự nguyện của phụ huynh. Các gia đình không đồng ý cho con em tới trường vẫn tiếp tục học trực tuyến...

Đoàn Xá

Trong khi đó, em Phạm Thúy Hà (Học viện múa Việt Nam) cho biết từ 13/2, các em đã trở lại trường học buổi đầu tiên sau kỳ nghỉ dài lịch sử suốt 9 tháng vì dịch Covid-19. “Cảm giác đứng trên sàn tập với các bạn dưới sự hướng dẫn của thầy cô thật tuyệt vời, người em như bay bổng, nhẹ nhàng hơn hẳn. Mặc dù học trực tuyến chúng em vẫn tập đều đặn nhưng đây là bộ môn đề cao tính tập thể nên khi luyện tập cùng nhau, chúng em đều nhận thấy những năng lượng tích cực hơn so với luyện đơn lẻ ở nhà. Em hy vọng quá trình học trực tiếp sẽ không còn bị gián đoạn nữa vì tất cả chúng em đều ý thức tự phòng dịch để hạn chế đến mức thấp nhất việc lây bệnh cho mình và mọi người xung quanh” - Hà phấn khởi chia sẻ. Trong ngày 14/2, các em đã đến trường để khám sức khỏe đầu năm học, đảm bảo ở trạng thái sức khỏe, tinh thần tốt nhất cho giai đoạn này.

Ghi nhận tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng 14/2, đã có nhiều sinh viên đến trường để học trực tiếp. Trần Nhật Minh, sinh viên năm cuối khoa Điện - Điện tử cho biết Minh và các bạn trong lớp bắt đầu trở lại trường để hoàn thành nốt các nội dung thực hành, thí nghiệm và chuẩn bị cho việc bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Từ hôm qua, em đã tự test nhanh ở nhà theo khuyến cáo của nhà trường để đảm bảo an toàn cho chính mình và các bạn học, thầy cô. Khi đến trường, tuân thủ đeo khẩu trang toàn thời gian, thường xuyên sát khuẩn, thực hiện nghiêm 5K với hi vọng thuận lợi hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp đúng thời hạn.

Đối với khối phổ thông, chỉ còn hơn 3 tháng là kết thúc năm học 2021-2022. Song với khối ĐH, CĐ, vì học theo tín chỉ nên có điều kiện thuận lợi hơn để linh hoạt đăng ký các môn học lý thuyết trước, thực hành sau. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, trong ngày 14/2, chỉ 1.000 sinh viên năm cuối đi học trực tiếp trước. Các sinh viên khác vẫn còn thi trực tuyến cho đến hết tháng 2. Quyết định không đi học đồng loạt cùng 1 lúc nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả sinh viên. Trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã có thông báo sẽ cho 35.000 sinh viên, học viên toàn trường trở lại học tập bình thường từ khoảng 15/2 và thi hết học kỳ tại trường. Song với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội, nhà trường quyết định giãn cách thời gian trở lại trường của sinh viên được nhiều sinh viên đồng tình ủng hộ.

Nhiều trường đại học, cao đẳng đón học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp từ giữa tháng 2.
Ảnh: Quang Vinh

Không chủ quan trong phòng dịch

Sau một học kỳ hoàn toàn học trực tuyến, lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết từ 21/2, sinh viên toàn trường sẽ chính thức học trực tiếp. Công tác chuẩn bị đón sinh viên đã được nhà trường gấp rút hoàn thành với nhiều kịch bản thích ứng linh hoạt trong đảm bảo an toàn, trang trọng, phấn chấn cho tất cả sinh viên khi đến trường. Cụ thể, ngày 16/2, sinh viên K63 sẽ làm thủ tục nhận phòng ở ký túc xá đối với những sinh viên đã được nhà trường bố trí chỗ ở. Từ 17/2, sinh viên từng khoa sẽ đến trường làm thủ tục nhập học theo lịch phân công. Các hoạt động tập thể trước mắt sẽ vẫn tổ chức theo hình thức trực tuyến, không tập trung đông người.

Trong khi đó, sinh viên của Trường ĐH Thủy lợi tại phân hiệu TPHCM đã trở lại trường học từ sáng 14/2 trong không khí náo nức, phấn khởi của thầy và trò nhưng vẫn không quên tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Theo ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhà trường khuyến nghị sinh viên trở lại trường học trực tiếp đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Đối với những sinh viên chưa tiêm đủ 2 mũi, trường sẽ liên hệ với các cơ sở y tế địa phương hỗ trợ sinh viên được tiêm ngay trong tuần đầu trở lại trường học. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có phương án phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0 sống xa gia đình, ở trọ bên ngoài, ở trong ký túc xá. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch học bù, tổ chức thi cho sinh viên thuộc diện F0, F1; không thu thêm học phí, lệ phí…

Theo thống kê, tại TPHCM, hiện đã có khoảng 30 trường ĐH đã hoạt động lại bình thường. Nhìn chung, tùy điều kiện, học phần, các trường có thể sắp xếp học trực tiếp toàn bộ hoặc học trực tiếp xen kẽ trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Sinh viên trước khi đến trường được yêu cầu khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K.

Ở Hà Nội, ngoài một số trường đào tạo ngành Y như Trường ĐH Y Hà Nội hay các trường thuộc khối quân đội, công an vẫn học hay thực tập bình thường, sinh viên của khoảng 15 trường ĐH hiện đã trở lại trường. Các trường khác cũng đã có kế hoạch chuẩn bị đón sinh viên trở lại từ nay tới cuối tháng 2 như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội…

Một số trường như ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Đại Nam… thông tin sẽ đón sinh viên trở lại vào đầu tháng 3.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh các trường cần quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường, nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Để làm được điều này, các trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là trong việc xử lý một số tình huống mắc Covid-19 nếu có. Ông Sơn cũng đề nghị khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm mũi hai, ba cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.

GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam:

Vẫn nên tận dụng hình thức học trực tuyến

Sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước nên việc mở cửa trường ĐH, CĐ bên cạnh việc tuân thủ những quy định về an toàn phòng dịch tương tự khối phổ thông, theo tôi cần có thêm những điều kiện khác như yêu cầu bắt buộc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi đến trường, tuân thủ 100% đeo khẩu trang tại trường học, lớp học, thực hiện nghiêm 5K… Để làm được điều đó, nhà trường và các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên để các em thực hiện nghiêm. Đặc biệt là có biện pháp hỗ trợ đối với những sinh viên không may trở thành F0, nhất là những em phải ở xa gia đình, trọ tại ký túc xá hoặc nhà trọ… Như vừa rồi, tôi biết một số trường đã có chính sách hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ giá rẻ rất hiệu quả, nên khuyến khích nhân rộng để các em ổn định tâm lý, chỗ ở, tập trung vào việc học tập đạt hiệu quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng vẫn nên tận dụng hình thức học trực tuyến đối với một số bộ môn bởi khác với phổ thông, sinh viên đã có ý thức độc lập, làm chủ hành vi của mình nên việc học trực tuyến với các em cũng hiệu quả hơn. Trong bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục và các lĩnh vực khác đang diễn ra mạnh mẽ thì việc xen kẽ hai hình thức học tập này là hoàn toàn phù hợp.

GS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam:

Cần tuân thủ tuyệt đối 5K tại nơi công cộng

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các phụ huynh và toàn xã hội phải có trách nhiệm tìm mọi cách cho con em mình đi học. Bây giờ không nên nói câu “vì dịch nên cứ nghỉ học” mà bây giờ phải xác định, dù có dịch cũng phải tìm mọi cách tốt nhất, an toàn nhất để học sinh, sinh viên được đến trường học trực tiếp. Ở một đất nước có độ phủ vaccine thuộc hàng cao trên thế giới như ở Việt Nam thì không nên để học sinh, sinh viên tiếp tục học trực tuyến kéo dài.

Tôi chỉ có một số góp ý đó là khi tổ chức xét nghiệm tại trường, cần phải mời được các cơ sở xét nghiệm chuyên nghiệp đến để ký hợp đồng lấy mẫu thật chuẩn, chỉ làm mẫu gộp để các cháu được làm xét nghiệm tốt nhất, rẻ nhất để có thể yên tâm học tập.

Thứ hai, khi đi học trực tiếp, học sinh, sinh viên ngoài học tập ở trường còn sinh hoạt ở nhà và quãng đường từ trường về nhà. Riêng sinh viên còn có thể đi làm thêm, đi thực tập… Vì vậy, cần tuân thủ tuyệt đối 5K ở những nơi công cộng, tránh tiếp xúc với đám đông vì sẽ khó kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hơn. Ngoài ra, với những cháu chưa tiêm vaccine thì địa phương, các nhà trường cần có phương án liên hệ với cơ quan y tế để thực hiện tiêm đủ 2 và tiến tới là 3 mũi vaccine để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Với học sinh ở lứa tuổi 5-12, cần quyết liệt tìm mọi cách để có được vaccine đúng, tốt, hợp lý, sớm nhất để tiêm cho các cháu để bảo đảm học sinh được đi học một cách bền vững.

Lam Nhi(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh, sinh viên trở lại trường: Tự tin thích ứng an toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO