Hơi ấm cộng đồng trong đại dịch

ĐOÀN XÁ 04/07/2021 11:00

Hơn một tháng qua, TP HCM thực hiện giãn cách, nhiều chung cư, khu phố, khu dân cư bị phong tỏa cùng hàng loạt hoạt động vận tải công cộng, cá nhân bị tạm dừng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhưng, trong dịch bệnh càng khiến cộng đồng xích lại gần nhau hơn, bằng nhiều cách chỉ để giúp đỡ nhau qua thời gian khó khăn này.

Cầu nối thật trên “mạng ảo”

Từ vài năm qua, các hội nhóm trên mạng xã hội mang tên “Tôi là dân Thủ Đức”, “Tôi là dân Hóc Môn” hay “Quê hương Củ Chi”, “Hội cư dân chung cư A, B, C”... đã khá quen thuộc với người dân, nhất là người trẻ thành thạo intenet.

Các hội nhóm này có số lượng thành viên lên đến cả trăm ngàn tài khoản cá nhân, với rất nhiều thông tin hữu ích và cần thiết. Mặc dù do các cá nhân thành lập và điều hành nhưng với tính năng các hội viên có thể đăng thông tin, những hội nhóm thực sự là kênh thông tin hữu ích trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 ở TP HCM.

Chị Nguyễn Ngọc Hoàng, 32 tuổi, ngụ ở Quận 12 cho biết, từ 2 tuần nay, chị thường xuyên vận chuyển các thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn. “Chỗ mình hiện nay có nhiều hẻm, khu phố, chung cư bị phong tỏa vì các ca nhiễm Covid-19. Cuộc sống của những cư dân bị phong tỏa ít nhiều bị ảnh hưởng, hạn chế, nhất là vấn đề thực phẩm. Trong đó rau xanh là thứ mà nhiều người luôn cảm thấy thiếu thốn. Ngược lại, nhiều người trồng, sản xuất lại dư thừa rau xanh vì chợ, siêu thị bị hạn chế buôn bán, nhu cầu toàn dân cũng giảm.

Vì vậy, trên nhóm “Tôi là dân Gò Vấp” và “Tôi là dân quận 12”, mình làm người vận chuyển giúp người dư thừa tới cho người thiếu thốn. Ban đầu chỉ nhỏ lẻ vài người, vài khu phố nhưng sau người cho, người nhận đều đông, số lượng nhiều nên mình đi thêm cùng mấy người khác, có người ủng hộ cả xe tải nhỏ để chở hàng” - chị Ngọc Hoàng chia sẻ.

Nói thì dễ nhưng để làm được việc như vậy không đơn giản. Theo chị Ngọc Hoàng, sau khi lên mạng đăng thông tin xin hàng thì các bạn sẽ đi lấy hàng ở nhiều địa điểm gồm rau củ quả, gạo, dầu ăn hay trứng gà, trứng vịt... Có hàng, các bạn gói cẩn thận thành từng bịch ni-lông nhỏ, mỗi bịch chừng vài ký lô với nhiều loại thực phẩm khác nhau để thuận tiện cho người lấy.

“Vì phải phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, tạo chút tiện ích đồng đều nên nhóm mình phân chia sẵn thực phẩm thành các túi giống nhau. Trong các túi này có đầy đủ cả rau cải, rau muống, trứng, cà chua, dưa leo, khổ qua, khoai tây hay thậm chí hành ngò cũng có luôn. Những gia đình nào cần có thể lấy từng túi, thay vì chọn lựa gây mất thời gian. Sau đó, nhóm sẽ mang tới các điểm phong tỏa, dừng xe ở khu vực có lực lượng chức năng canh gác để vận chuyển. Người dân trong khu vực phong tỏa cũng biết trước thời gian để tới lấy thực phẩm nếu cần” - chị Ngọc Hoàng chia sẻ thêm.

Có ngày nhóm vận chuyển được khoảng 3-4 tấn thực phẩm từ những người cho tới tay những người nhận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở TP HCM không chỉ có nhóm của chị Ngọc Hoàng mà có hàng chục các nhóm khác đều là “tự phát”, bên cạnh hệ thống các đoàn thể, MTTQ các cấp đang làm công việc của mình. Họ cũng chỉ là những người vận chuyển khi mà người cho hàng không thể tới tận nơi còn người nhận hàng đang bị bắt buộc sống cách ly trong khu vực của mình.

Người dân nơi bị phong tỏa đón nhận những phần thực phẩm miễn phí.

Nghĩa tình không ranh giới

Thực tế, câu chuyện giúp đỡ, sẻ chia đồ dùng, thực phẩm cho nhau giữa lúc khó khăn vì dịch bệnh ở TP HCM không phải bây giờ mới diễn ra. Từ lâu rồi, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện ở thành phố hồi năm 2020. Trong đó, có nhiều cách hỗ trợ, từ việc thông qua các đoàn thể, cơ quan chính quyền hay MTTQ địa phương. Tuy nhiên thông qua hình thức mạng xã hội mới xuất hiện nở rộ gần đây.

Càng đặc biệt hơn, sự lan tỏa đã không chỉ gói gọn trong những cộng đồng dân cư ở TP HCM mà còn lan rộng ra cả những địa phương khác. Dù diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, nhiều tỉnh thành lân cận với TP HCM đã hạn chế các chuyến xe qua lại cũng không thể ngăn được tình cảm mà những người dân dành cho nhau. Họ không phải chỉ hỗ trợ những bao rau củ quả tươi mà còn là cả tấm lòng san sẻ với nhau lúc khó khăn. Điều đáng nói, những hành động này hoàn toàn tự nguyện, không cần phải kêu gọi, động viên gì.

Bà Nguyễn Thị Dư, 67 tuổi, ngụ tại thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) kể, bà có 2 người con đang sinh sống ở TP HCM. “Đứa con gái đầu lấy chồng ở quận 12 còn đứa con trai út mới lập gia đình năm rồi đang ở bên huyện Bình Chánh. Tuần trước khu phố nhà đứa con gái bị phong tỏa, nó kêu má gởi đồ ăn lên cho vì không đi chợ được. Ban đầu mình gửi hơn có hơn chục ký rau củ quả trong vườn, nó đem cho hàng xóm. Rồi hàng xóm kêu gửi lên họ trả tiền nhưng dịch bệnh thế này ai nỡ lấy tiền. Thế là mình nói chuyện với mấy bà bạn trong ấp, nhiều người góp thêm vào".

"Cũng bầu, bí ngô, mướp, bí xanh với đậu que... thôi nhưng phải có xe tải mới chở lên được. Con gái nó chụp hình thấy cả khu phố người ta vui mừng chia nhau mình cũng vui. Dịch bệnh thế này thương lái cũng không mua, ăn cũng không hết nên cho mỗi người một ít. Mai mốt hết dịch lên thăm cháu ngoại người ta cũng nhớ mà mời nhau ly nước” - bà Dư trải lòng chia sẻ.

Dịch bệnh đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, trong đó có hàng ngàn người dân ở TP HCM, nhất là những người sống trong vùng cách ly, phong tỏa với những hạn chế di chuyển. Với nhiều người, thay đổi thói quen sống, sinh hoạt, công việc trong thời gian dài mấy tuần lễ không phải là điều dễ dàng. Không chỉ có những người già, người bệnh tật hay công nhân lao động mới gặp khó khăn mà nhiều người trẻ có nghề nghiệp ổn định cũng đối mặt với vấn đề trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Toàn, 31 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch ở quận Bình Tân (TP HCM) cho biết, chung cư gia đình anh bị phong tỏa đã mấy tuần nhưng vẫn chưa được gỡ. Do đây là chung cư nhà ở xã hội, nằm ở ngoại thành nên nhiều gia đình có cuộc sống còn chật vật, nhất là những gia đình trẻ mới dành dụm tiền để mua chung cư. Thế nên khi bị phong tỏa, nhiều người rơi vào cảnh thiếu thốn, khó khăn.

“Hồi năm ngoài mình mua suất chung cư này hơn một tỷ đồng, vẫn còn vay ngân hàng một nửa nên cuộc sống rất khó khăn. Khi ở nhà không đi làm mới thấy nhiều thứ phát sinh. Ban đầu vợ chồng cũng buộc phải mua hàng qua mạng để nấu ăn nhưng giá cả rất đắt đỏ và giao dịch khó khăn. Từ tuần trước, mình thấy nhiều người ở chung cư nhận được thực phẩm hỗ trợ của người dân nơi khác gửi tới. Mình cũng tới lấy một bịch 5 ký gạo và bịch rau củ trái cây. Thú thực là không biết ai gửi, chỉ biết là do một nhóm bạn trẻ bên Quận 8 kêu gọi trên mạng họ hỗ trợ mang tới. Tính số tiền không nhiều nhưng trong thời gian này thực sự cần thiết. Tuy nhiên, mình chỉ lấy hàng ở đó 1 lần vì mình biết chung cư này còn nhiều gia đình khó khăn hơn mình. Mình ở nhà nhưng dù sao cũng chưa bị mất việc, công ty vẫn duy trì trả tiền lương cứng hàng tháng. Hy vọng những gia đình khó khăn hơn sẽ nhận được số thực phẩm ấy” - anh Toàn chia sẻ.

Những ai sinh sống ở Sài Gòn-TP HCM lâu năm thì nhiều người không lạ lẫm với các biển phát quà, thực phẩm, đồ ăn từ thiện ở ven đường đâu đó trong thành phố. Và, ngày nay chuyện việc giúp đỡ nhau trên mạng xã hội facebook là sự tiếp nối tập quán của cộng đồng tương thân tương ái, còn khá mới mẽ khi mạng xã hội được phổ cập. Công nghệ thông tin đã được đưa vào đời sống, giúp đỡ nhau trong khi phải hạn chế di chuyển đang là cách làm của nhiều người thời gian này. Ở đó, chỉ có người cho và người nhận chứ không có người giàu với người nghèo. Ở đó, chỉ có tình cảm, sự san sẻ giản đơn chứ không có vụ lợi hay mục đích gì.

Lực lượng y tế chuyển thực phẩm tới vùng bị phong tỏa.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơi ấm cộng đồng trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO