Hồi hộp mùa Đông châu Âu

Thanh Đức 25/10/2021 06:05

Latvia - một trong những quốc gia châu Âu được coi là phòng, chống dịch Covid-19 thành công, thì nay cũng lại là nước đầu tiên của “cựu lục địa” phải tái áp đặt các biện pháp cứng rắn, kéo dài 1 tháng.

Cụ thể, các quán bar, cửa hàng đóng cửa. Giới nghiêm ban đêm và học sinh quay lại học trực tuyến. Ngay cả Tổng thống Egils Levits cũng mắc Covid-19, khiến Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto dự họp chung phải tự cách ly.

Tiến sĩ dịch tễ học Mark Jannett nói với Blooberg, tới thời điểm này “châu Âu lại như chia thành hai nửa, khi mà các nước Đông Âu có số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng mạnh. Trong khi đó, các nước Tây Âu tình hình có dịu hơn, tất nhiên là không thể nói trước điều gì khi mà mùa Đông năm nay được dự báo lạnh sâu và kéo dài. Châu Âu đang hồi hộp với mùa Đông”.

Gia tăng các ca nhiễm mới tại Đông Âu

Cùng với Latvia, Nga, Estonia, Romania, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan... đang hết sức vất vả khi phải đương đầu với làn sóng gia tăng dịch bệnh. TS Mike Ryan - Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc đang tăng và đã tăng liên tiếp trong gần 1 tháng qua. Con số ước tính mỗi tuần tăng 7%. Mùa đông đã tới càng khiến thách thức gia tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế”.

Cùng với tác động của mùa Đông khiến virus dễ bề nhân lên thì một nguyên nhân khác, theo tờ Guardian, chính là do sự chênh lệch trong tiêm chủng vaccine giữa Đông và Tây Âu. Latvia chỉ có 1,9 triệu dân song mới 57% dân số tiêm chủng đầy đủ, quá thấp so với mức trung bình 74% của Liên minh châu Âu (EU). Tương tự, chưa tới 1/3 trong số 19 triệu dân Romania được tiêm chủng, còn Bulgaria là thành viên có tỉ lệ tiêm vaccine thấp nhất EU với 1/5 dân số được tiêm. Thực trạng này là do tâm lý hoài nghi vaccine.

Tại Nga, quốc gia đã chủ động được vaccine nhưng số người mắc SARS-CoV-2 và số ca tử vong do Covid-19 vẫn gia tăng. Nguyên nhân chính vẫn là do một bộ phận không nhỏ người dân từ chối tiêm chủng. Tới nay mới có 1/3 trong tổng dân số hơn 144 triệu người Nga tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó AY.4.2 (còn gọi là Delta Plus), biến thể phụ được cho là lây nhiễm mạnh hơn của biến thể Delta, đã được ghi nhận ở Nga, theo hãng tin RIA.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu người lao động làm việc tại nhà trong 1 tuần, bắt đầu từ đầu tháng 11/2021. Nếu số ca mắc tiếp tục tăng, thủ đô Moscow sẽ phong tỏa toàn diện từ ngày 28/10 đến 7/11.

Thị trưởng Sergey Sobyanin thông báo, trong những ngày này, hoạt động của mọi doanh nghiệp và tổ chức tại Moscow sẽ phải tạm ngưng. Các phòng tập gym, rạp chiếu phim, cơ sở giải trí, trường học và hầu hết cửa hàng phải đóng cửa. Nhà hàng, quán cà phê chỉ được bán mang đi hoặc giao hàng. Riêng cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc được phép mở cửa.

Tây Âu hồi hộp khi mùa Đông đến

Vương quốc Anh như thể “tách biệt” khỏi châu Âu, nhất là sau khi Brexit có hiệu lực, nhưng rồi cũng đang lo lắng vì số ca nhiễm mới. Reuters dẫn số liệu của chính phủ Anh cho biết quốc gia này ghi nhận thêm hơn 50.000 ca mắc Covid-19 vào ngày 21/10, mức tăng hằng ngày cao chưa từng thấy kể từ ngày 17/7 - ngày nước Anh mở cửa sống chung với Covid-19.

Trong tuần thứ 3 của tháng 10, số ca nhiễm tăng thêm 18% so với tuần trước đó. Trong cùng giai đoạn, số ca tử vong cũng tăng thêm 11%.

Tuy nhiên, London vẫn từ chối áp dụng các biện pháp y tế cứng rắn, đặc biệt là kiên quyết không phong tỏa. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid từ chối lời kêu gọi của các bác sĩ về việc tái phong tỏa để làm chậm tốc độ lây lan của virus. Dù vậy, ông Javid cảnh báo các biện pháp hạn chế có thể trở lại nếu người dân không chịu tiêm chủng.

Với 67,7% dân số đã được tiêm đầy đủ, Anh là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở Anh là do tụ tập đông đúc trong các không gian kín và quy định đeo khẩu trang “nửa vời”.

Các nước khác như Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha... cũng đã bày tỏ quan ngại khi “xung quanh” dịch Covid-19 cho thấy đang dần trở thành một làn sóng. Đặc biệt, mùa Đông đã đến, virus “sinh sôi nảy nở” mạnh hơn, trong khi các biện pháp phòng chống đã được nới lỏng.

“Chúng ta không quá lo ngại Covid-19, cho dù đó có là biến thể Delta Plus. Nhưng không thể không nhận thấy nguy cơ khi mà không thể tái áp dụng các biện pháp phong tỏa. Rất nhiều nỗ lực để có dược cuộc sống “bình thường mới” thì nay không thể vì sự đe dọa của một đợt dịch mà vội vã lui về cố thủ” - chuyên gia dịch tễ học Mark Jannett nói.

“Hồi hộp” - đó là từ xuất hiện nhiều trên truyền thông châu Âu những ngày này. Marie Duar, một cư dân Paris nói: “Thật là lo ngại khi lũ trẻ lại không được đến trường. Chúng lại phải ở nhà và học trên máy tính. Mong sao điều đó không xảy ra. Tôi nghĩ rằng tất cả các bà mẹ ở nước Pháp này đều hồi hộp về điều đó”.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng (khoảng 7%). Cụ thể, có tới hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc tăng trong vòng 15 ngày trở lại đây. Trong khi đó, châu Phi dù đang rất khó khăn trong việc bao phủ vaccine thì lại là khu vực có số ca mắc mới giảm mạnh nhất (18%), kế đó là Tây Thái Bình dương (giảm 16%). Châu Phi cũng là khu vực ghi nhận số ca tử vong giảm nhiều nhất trong tuần (giảm 25%), kế đến là Đông Nam Á (19%) và Đông Địa Trung Hải (8%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi hộp mùa Đông châu Âu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO