Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 15/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngày 4/2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng bầu cử Quốc gia; ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; các vị Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; lãnh đạo đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Ngày 5/2, gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đến Hội đồng bầu cử Quốc gia
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và hướng dẫn tại Nghị quyết Liên tịch 09/2021/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCT UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 5/2.
Sau khi nhận được văn bản điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có văn bản thông báo gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương để tiến hành giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử. Thời gian các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương tiến hành giới thiệu từ ngày 24/2 đến ngày 11/3.
Để việc giới thiệu người ứng cử được thực hiện theo đúng quy định tại điều 41 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, dự kiến ngày 22/2, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị với đại diện lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương có người được giới thiệu ứng cử để hướng dẫn thủ tục, trình tự tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, cách tiến hành giới thiệu người ứng cử, thời hạn gửi biên bản…
Sau khi có biên bản điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu của cơ quan, tổ chức đơn vị ở Trung ương, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 25/2 đến ngày 11/3, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành họp mở rộng để giới thiệu người của UBTƯ MTTQ Việt Nam ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Dự kiến, ngày 18/3, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Số lượng ĐBQH ở cơ quan Trung ương là 207 người
Theo Nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV tổng số là 500 người.
Số lượng đại biểu ở cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%). Cụ thể, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương được phân bổ cho các cơ quan, tổ chức đơn vị như sau: Cơ quan Đảng: 10 đại biểu (2,0%), Cơ quan Chủ tịch nước: 3 đại biểu (0,6%), Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan chuyên trách của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương): 133 đại biểu (26,6%); Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an): 15 đại biểu (3,0%); quân đội 12 đại biểu (2,4%), công an 2 đại biểu (0,4%); MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (5,8%).
Số lượng đại biểu ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%); trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam là 9 đại biểu (1,8%); Công đoàn 6 đại biểu (1,2%); Đoàn TNCSHCM 5 đại biểu (1,0%); Hội LHPNVN 7 đại biểu (1,4%); Hội Nông dân VN 5 đại biểu (1,0%); Hội CCBVN 3 đại biểu (0,6%), đại biểu tôn giáo 6 đại biểu (1,2%)…