Hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành các bước như thế nào?

Vũ Mạnh 22/01/2021 10:58

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng giới thiệu chuyên đề về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử...

Sáng 22/1, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử trong hệ thống Mặt trận.

Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Trưởng ban chỉ đạo bầu cử của UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực; Nguyễn Hữu Dũng; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và hơn 8.000 đại biểu tại các điểm cầu trong cả nước.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Giới thiệu chuyên đề "Công tác hiệp thương của MTTQ Việt Nam", Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 3/2 đến ngày 17/2/2021.

Thành phần Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam triệu trập, chủ trì.

Thành phần Hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự Hội nghị.

Đối với Hội nghị ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh triệu tập, chủ trì.

Thành phần Hội nghị gồm: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, đại diện Ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực HĐND và UBND được mời tham dự Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thảo luận để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

“Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử tổ kiểm phiếu từ 3 -5 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải được đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nói.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hội nghị hiệp thương có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và Chương II của Nghị quyết liên tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành các bước như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO