Hội phụ huynh: Dẹp bỏ hay giữ lại?

Thu Hương 23/09/2017 08:10

Khẳng định sự cần thiết của Hội phụ huynh học sinh trong việc kết nối giữa nhà trường và gia đình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng cần xem xét lại cách hoạt động của hội cũng như trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu có thể sẽ bỏ quy định Hội phụ huynh được phép thu tiền hội phí để tránh hiện tượng lách luật.

Tranh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn.

Cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các trường

Trước nạn lạm thu đầu năm học xảy ra ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay, câu hỏi đặt ra là những khoản tiền “tự nguyện” do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra thực chất không hề nhận được sự tự nguyện đóng góp của tất cả các phụ huynh khác, thậm chí còn gây bức xúc vì có cảm giác như đây là “cánh tay nối dài” của lạm thu và có chỗ để “đá bóng” trách nhiệm khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.

Nói như TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải hoạt động vì quyền lợi của học sinh chứ không phải là vì quyền lợi của hiệu trưởng. Nhưng khi những đề xuất của Ban đại diện không vì số đông học sinh, không phù hợp với điều kiện sống của đại đa số các gia đình khác trong cùng một tập thể lớp, tập thể trường sẽ gây bất mãn cho những phụ huynh khác là đương nhiên.

Nhìn nhận vấn đề lạm thu, TS Lâm cho rằng trước khi đổ lỗi cho Ban đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên, cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, cụ thể hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra lạm thu. Tiếng nói của Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải được tôn trọng chứ không phải chỉ được bầu lên cho có, tệ hơn là Ban đại diện được hiệu trưởng chỉ định với toàn “người quen” khiến hoạt động thực chất chỉ là phụ họa với các quyết định của lãnh đạo nhà trường.

Cũng chung quan điểm không thể vì Ban đại diện cha mẹ học sinh một số nơi hoạt động không hiệu quả mà kiến nghị dẹp bỏ hoàn toàn hội này, TS Khuất Thu Hồng- viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, để Ban đại diện hoạt động hiệu quả, tập thể phụ huynh của lớp, của trường cần có trách nhiệm lên tiếng góp ý, không thể khoán trắng để họ muốn thu gì thì thu, nói gì thì nói mà ngay từ đầu năm học, cần họp bàn thống nhất cụ thể. Tránh để khi mọi việc “sự đã rồi” mới kêu than không hài lòng.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, Ban đại diện không phải và không nên có chức năng thu hộ nhà trường khoản nọ, khoản kia để tránh gây ra những hiểu lầm. Nếu có kêu gọi đóng góp phải là tự nguyện theo nhu cầu, khả năng của mỗi gia đình, tuyệt đối không thể chia bình quân vì điều kiện mỗi nhà mỗi khác.

Có thể xóa bỏ quy định cho hội phụ huynh thu tiền

Như vậy, có thể thấy dẹp bỏ hay giữ lại ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất không phải là vấn đề cần được tranh cãi bởi nói gì thì nói, không thể phủ nhận vai trò của ban đại diện với tư cách là đại diện cho số đông phụ huynh học sinh cùng chia sẻ trách nhiệm với thầy cô, nhà trường trong việc giáo dục con trẻ. Không phải là những ý kiến đơn lẻ mà là sự kết nối, trao đổi, kiểm soát có ý nghĩa tập thể sẽ mang tính hiệu quả, trên diện rộng hơn.

Vấn đề là làm sao để Hội này hoạt động có hiệu quả, đúng như mục đích ban đầu lập ra thì tất cả các bậc phụ huynh, đặc biệt là Ban đại diện cần hiểu và chấp hành đúng theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư 55. Để xảy ra hiện tượng các trường thông qua ban đại diện để thu các khoản thu không đúng quy định, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh ngay với các hành vi không đúng.

Về lâu dài, Bộ sẽ xem xét lại điều lệ, các vấn đề chưa thực sự phù hợp hoặc có việc lợi dụng điều lệ để lạm thu thì sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn thực tế hiện nay.

“Có thể sẽ bỏ quy định Hội phụ huynh được phép thu hội phí để tránh hiện tượng lách luật. Phụ huynh nào muốn đóng góp thì phải trên tinh thần tự nguyện, sẽ không còn quy định”- thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết.

Không thể cứ thấy khó lại bỏ. Càng không thể vì con sâu làm rầu nồi canh. Cần trả Ban đại diện cha mẹ học sinh về đúng với chức năng của mình là đại diện cho quyền lợi của học sinh để không ai phải ngán ngẩm than lời Hội phụ huynh hay hội phụ thu?

Thậm chí, nếu làm được như góp ý của một phụ huynh là ai đó được tin tưởng giao trọng trách Hội trưởng hội phụ huynh, hãy mạnh dạn giơ tay bác bỏ những gợi ý, những đề xuất “trên trời” do nhà trường vẽ ra ngay từ khi còn là dự kiến thì không chỉ họ mà hàng trăm gia đình khác cũng được nhờ! Môi trường giáo dục sẽ vì thế mà bớt đi bao chuyện đáng buồn cứ đúng hẹn (sau khai giảng) lại lên!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội phụ huynh: Dẹp bỏ hay giữ lại?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO