Năm học mới cận kề đi kèm với các khoản thu tiền sách giáo khoa, tiền quần áo đồng phục và các loại quỹ. Với không ít phụ huynh, đây là gánh nặng đáng kể, nhất là khi nhà có nhiều con cùng đi học. Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng điều đáng nói là lâu nay chuyện “lạm thu” luôn khó giải quyết dứt điểm.
Theo quy định hiện hành, những khoản nhà trường được phép thu bao gồm: Học phí bảo hiểm y tế (BHYT). Ngoài ra, các nhà trường còn được phép thu tiền quần áo đồng phục; tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; nước uống học sinh; học phẩm cho học sinh mầm non... Các khoản thu này được thực hiện tùy theo quyết định của từng tỉnh, thành.
Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, nhiều địa phương đã công khai các khoản thu - chi trong nhà trường. Mới đây nhất, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 13/2024 quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2024-2025. Theo đó tại TPHCM có 9 khoản thu dịch vụ trường công lập được phép thu được quy, có định rõ ràng mức thu.
Cùng đó, công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định của Bộ GDĐT. Cụ thể, có 5 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh. Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường. Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục. Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Nếu cứ chiểu đúng những quy định của Bộ GDĐT, Sở GDĐT các địa phương, sẽ không có ồn ào quanh chuyện tiền trường đầu năm. Nhưng những năm học qua, không những tiền trường không giảm, mà ở nhiều trường điểm, lớp “VIP”, các khoản quỹ thu dưới danh nghĩa hội phụ huynh đang ngày một nhiều. Đã có những hội trưởng hội phụ huynh chia sẻ họ phải giữ số tiền quỹ lớp, tiền phục vụ ăn liên hoan, tham quan cho các cháu lên tới hàng trăm triệu đồng…
Còn nữa, trong thực tế, ở mỗi cuộc họp phụ huynh, các bậc cha mẹ đi họp gần như rất ít có ý kiến - dù bản thân họ thấy những nội dung đóng góp nhà trường vừa triển khai không hợp lý hoặc chưa phù hợp. Dẫu thế, không phải ai cũng mạnh dạn lên tiếng, để rồi đành mang những ấm ức đó về nhà. Khi được hỏi, đa phần đều cho rằng sợ con bị giáo viên và bạn bè cô lập vì đi ngược lại với chủ trương chung. Thành thử sự im lặng, sự đồng ý miễn cưỡng của nhiều phụ huynh là "tấm bình phong" chắc chắn để nhiều trường học/nhiều hội phụ huynh thoải mái đưa ra các mức thu.
Qua tìm hiểu, đôi khi nguyên nhân cơ bản khiến phụ huynh học sinh bức xúc không hẳn vì thu nhiều, mà là sự thiếu minh bạch trong việc tổ chức các khoản thu và chi; có nơi làm tắt quy trình để đạt được sự tự nguyện hoặc có khoản thu núp dưới danh nghĩa “tự nguyện”...
Việc giám sát các khoản thu trường học rất cần tới vai trò của cả phụ huynh/giáo viên. Đơn cử như khi Ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai hoạt động, cùng các khoản thu - chi, giáo viên chủ nhiệm lớp và những phụ huynh khác cần được có ý kiến tham gia/phản biện để đi đến thống nhất cao, chứ không phải là sự gượng ép. Từ đó, mới tránh được việc cha mẹ học sinh chọn mạng xã hội để phản ánh những điều không hài lòng mà không phải trong buổi họp, hoặc qua các kênh chính thống khác.
Như đã nói, mọi quy định về thu/chi; xã hội hóa của ngành giáo dục cũng đã rất rõ ràng. Trong đó có quy định ràng buộc trách nhiệm của hiệu trưởng trong vấn đề lạm thu. Vì thế, hiệu trưởng các nhà trường sẽ không thể vô can nếu hội phụ huynh thu sai, trường thực hiện xã hội hóa sai. Thậm chí, hành vi lạm thu nếu có, cần phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ, xử lý.