Hồi sinh không gian văn hóa

Minh Quân 17/06/2020 09:41

Hiện nay, các không gian văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật (VHNT). Tuy nhiên, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, các không gian văn hóa đang rất cần những liều thuốc “tăng lực” để phục hồi trở lại.

Phục hồi các không gian văn hóa thời kỳ hậu Covid-19 đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: Quang Vinh

Theo số liệu thống kê, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian VHNT và một số các không gian sáng tạo khác. Tuy nhiên, hầu hết các không gian văn hóa hiện nay đều là của các đơn vị tư nhân hoặc được hỗ trợ bởi các tổ chức nước ngoài. Chính vì vậy những địa điểm này vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm và chưa khẳng định được vị trí, vai trò. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều không gian văn hóa trong thời gian qua đang rơi vào cảnh “khốn đốn”, từ những địa điểm nhỏ như phòng tranh cho đến sân khấu tư nhân. Nhiều bầu show nổi tiếng năng động cũng than ngắn thở dài vì nguồn kinh phí ngày một cạn kiệt.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam: Trong khó khăn chung hiện nay, trước hết cần có chính sách cứu trợ các không gian văn hóa sáng tạo. Phải cứu họ trước vì họ là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Vì vậy, nếu nó chết là sẽ chết hẳn. Trong khi các không gian sáng tạo chính là lĩnh vực sôi động nhất trong lĩnh vực văn hóa, sôi động hơn các nhà hát, các bảo tàng nhiều, vì là sân chơi gần gũi với người dân. “Nếu để chết yểu sẽ rất đáng tiếc”, PGS Bùi Hoài Sơn nói.

Với các không gian văn hóa hiện nay, thay vì “kêu khổ” và đợi “cứu trợ” cần có sự nỗ lực của từng cá nhân, đơn vị và đặc biệt tìm được sự ủng hộ từ cộng đồng trong việc phát huy các sản phẩm sáng tạo. Đơn cử như các chương trình nghệ thuật tại không gian sáng tạo Hanoi Rock City (số 27/52, phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng yêu nhạc. Trong đó “Chillies Pop-up” hết vé ngay sau 20 phút mở bán. Hay chuỗi dự án “Think play grounds - Nghĩ về sân chơi trong phố” cũng có sự trở lại thành công, sau thời gian dài tạm dừng vì dịch Covid-19, với sự kiện “Vương quốc tái chế” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, các không gian sáng tạo 60s Thổ Quan, Hanoi Doclab, Đom Đóm, Manzi... cũng đang rục rịch quay trở lại với các sự kiện như Hòa nhạc thể nghiệm “Những chân trời bụi đỏ”; Triển lãm nghệ thuật sắp đặt “Ống thở”; Đối thoại “Sự im lặng của mùa hè”...

Theo ông Thierry Vergon- Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội L’Espace: Trong thời gian giãn cách xã hội chúng tôi đã vẫn tiếp tục phục vụ công chúng với nhiều chương trình trên nền tảng kỹ thuật số như các lớp học tiếng Pháp, trình chiếu tuyển tập phim Pháp cùng với đối tác BHD; Giới thiệu sách Chuyên luận nhỏ về những phẩm hạnh lớn trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia, giới thiệu các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ Pháp cho khán giả thưởng thức tại nhà. Đặc biệt công chúng có thể tiếp cận online với nguồn tư liệu phong phú thông qua Thư viện số của L’Espace. Như vậy mối liên hệ giữa L’Espace và công chúng đã không bị đứt đoạn, tuy nhiên chẳng có gì bằng được gặp gỡ trực tiếp, chẳng có gì bằng mối quan hệ con người.

Cũng theo Giám đốc Viện Pháp, các lớp học tiếng Pháp tại L’Espace sắp được mở trở lại. Thư viện đa phương tiện sẽ mở cửa cho độc giả với nhiều hoạt động bổ ích cho trẻ em.

“Để tri ân với những người có thẻ thành viên yêu mến L’Espace, chúng tôi tặng thêm 3 tháng sử dụng thư viện đa phương tiện và miễn phí tất cả các buổi chiếu phim trong tháng 6 tại L’Espace”, ông Thierry Vergon bày tỏ.

Có thể nói, các không gian văn hóa đã và đang dùng những cách “sáng tạo” của riêng mình để phục hồi trở lại. Nhưng nhìn vào thực tế chung ngoài các không gian được sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài hầu hết các địa điểm còn lại vẫn đang sống trong hoàn cảnh thu không đủ bù chi. Về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê bày tỏ: Ở các quốc gia phát triển, người ta lập ra các quỹ văn hóa, mà đóng góp tài chính đều từ các doanh nghiệp, các tỷ phú, triệu phú. Tùy vào mục tiêu của mỗi quỹ mà họ tài trợ cho các hoạt động, chương trình nghệ thuật có giá trị. Đơn cử như Hàn Quốc lập quỹ bảo trợ văn hóa ở cấp quốc gia, với mục tiêu dùng văn hóa để dọn đường cho kinh tế, thương mại và xây dựng thương hiệu chung cho các doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, đã có các doanh nghiệp như Toyota, Sun Group… đầu tư cho các dàn nhạc giao hưởng để mang nghệ thuật tới cộng đồng. Đó là các loại hình nghệ thuật có giá trị cao, nâng tầm thưởng thức văn hóa của công chúng, nhưng khó làm và khó thu lợi nhuận. Đây là những hình thức bảo trợ ban đầu, khá tốt, mà các doanh nghiệp tiên phong này phải rất nỗ lực mới có thể đi được đường dài.

“Các không gian văn hóa muốn có đường dài, thì việc ủng hộ của công chúng và các doanh nghiệp là rất quan trọng”, ông Vinh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh không gian văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO