Hồi ức nhỏ  về nữ sĩ Xuân Quỳnh

Lưu Tuấn Anh 04/04/2022 19:48

LTS: Đầu tháng 3 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ chính thức công bố việc dàn dựng vở nhạc kịch thuần Việt mang tên “Sóng”. Xuân Quỳnh sinh ngày 6/10/1942, và năm nay, sẽ có nhiều hoạt động để kỷ niệm 80 năm ngày sinh của bà.

Nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Tuấn Anh khi còn bé. Ảnh tư liệu.

Và “Sóng”, có lẽ là một hoạt động khởi đầu để nhớ về một thi sĩ tài hoa bậc nhất của văn học đương đại Việt Nam. Cuộc đời Xuân Quỳnh sẽ được tái hiện trên sân khấu nhạc kịch, chân thực và sinh động đến đâu, điều đó phải chờ xem. Còn chúng tôi, lúc này, chợt nhớ tới một hồi ức của con trai nữ sĩ. Đó là Thạc sĩ Lưu Tuấn Anh, hiện làm trong lĩnh vực truyền thông. Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh với nghệ sĩ violon Lưu Tuấn.

“Hồi ức nhỏ về nữ sĩ Xuân Quỳnh” là tựa đề do Tinh hoa Việt đặt cho hồi ức “Nhớ mẹ” của Thạc sĩ Lưu Tuấn Anh in trong cuốn “Mẹ và con” (NXB Trẻ). Xin lược trích một số đoạn để giới thiệu cùng bạn đọc.

...Sau khi sinh tôi, mẹ tôi viết nhật ký rất nhiều và dường như mối quan tâm chính của bà là đứa con trai đầu lòng. Bà ghi lại mọi thứ về tôi. Không biết trên đời này có bao nhiêu người mẹ viết nhiều về con đắm đuối như vậy. Những bước chân chập chững đầu tiên của tôi khi mới học đi, những lời bi bô đầu tiên khi tôi bắt đầu biết nói, những sự việc nhỏ nhặt liên quan tới tôi như những lần tôi ốm, tất cả đều trong những cuốn nhật ký đó.

Mẹ tôi viết nhiều nhật ký về tôi trong thời chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1966-1972 và thời gian ấy tôi là đứa con đầu và duy nhất của bà. Những cuốn nhật ký gắn liền với ký ức của tôi về mẹ thời sơ tán tránh bom khi tôi mới vài tuổi. Mẹ bế tôi xuống hầm trú ẩn mỗi khi kẻng báo động vang lên. Bà vừa ôm tôi vừa dỗ cho tôi nín khóc trong tiếng gầm của máy bay phản lực và tiếng nổ của đạn pháo cao xạ…

Mẹ tôi được biết tới như một nhà thơ tình. Tôi nghĩ cái chữ “tình” trong thơ của bà nó rộng lớn hơn tình yêu đôi lứa vì nó bao gồm cả tình yêu cuộc sống, tình nhân ái giữa con người với nhau và tình mẫu tử. Trong trái tim của bà các con luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Sau khi mẹ tôi đi bước nữa và lấy dượng tôi, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, tôi không còn là đứa con duy nhất thu hút sự quan tâm của bà nữa.

Bà có thêm hai người con là Quỳnh Thơ, con chung với dượng Lưu Quang Vũ và Minh Vũ, con riêng của dượng. Có thêm con là thêm phần vất vả lo toan. Nhưng tình mẫu tử giúp bà vượt qua tất cả. Các con là động lực và nguồn cảm hứng cho bà. Mẹ tôi viết khá nhiều thơ về các con và cả ba đứa chúng tôi, đứa nào cũng có thơ bà viết cho riêng mình.

Với ba đứa chúng tôi, mẹ vừa là mẹ vừa như một người bạn tâm giao. Bà thường hay trò chuyện với chúng tôi và hay trêu hoặc đùa tếu khiến chúng tôi nhiều phen cười ngất. Ở bên mẹ thật dễ chịu vì bà luôn tạo cho chúng tôi một tâm trạng thoải mái vui vẻ. Bà cho chúng tôi cái cảm giác được là chính mình, được cởi mở nói điều mình nghĩ, được cười đùa và được lắng nghe. Bà chẳng bao giờ áp đặt điều gì lên các con cả. Chúng tôi dẫu nghịch tung trời cũng chẳng đứa nào bị đánh vì đơn giản là mẹ tôi không bao giờ đánh con bằng bất cứ hình thức gì. Khi không hài lòng, cũng như những người mẹ khác, bà mắng chúng tôi. Nhưng bà không bao giờ mày tao hay dùng những lời chua cay nghiệt ngã với con. Lúc giận mẹ vẫn gọi chúng tôi là con với ánh mắt đượm buồn như thể bà không làm tròn bổn phận của một người mẹ.

Có lần, tôi ứng xử không đúng và làm mẹ thất vọng và hẫng hụt vô cùng. Nhưng bà không trách tôi mà bà nói với tôi rằng đó là lỗi của bà do không sống với bố tôi nữa và không ở bên tôi để dạy dỗ và chăm sóc tôi một cách chu đáo. Ánh mắt buồn chất chứa tự vấn ấy của mẹ làm tôi day dứt tới tận bây giờ.

Thời bao cấp khốn khó, lúc nào mẹ cũng lo chúng tôi ăn uống thiếu thốn. Khi có ít tiền là mẹ thường làm bún chả hoặc nấu phở và gọi tất các con về ăn (tôi lúc đó sống với bố ở cùng nhà tập thể nhưng khác tầng với mẹ và dượng, còn Minh Vũ có lúc sống với mẹ tôi có lúc ở với mẹ đẻ). Mẹ nấu ăn không khéo, miếng thịt bà cắt cũng không được gọn gàng như ngoài quán. Nhưng bà nấu gì chúng tôi ăn cũng thấy ngon và bữa ăn thường ngon và vui hơn nữa vì không khí vui vẻ bà tạo ra khi cả nhà quây quần. Quần áo chúng tôi rách mẹ vá hết. Các vết vá của bà rất vụng về với những mũi chỉ rất thô và lớn nhưng chúng tôi cũng chẳng phiền.

Chúng tôi đều biết bà yêu chúng tôi như thế nào nên chuyện đẹp và xấu không còn quan trọng. Tôi và các em học trường nào lớp nào, tay mẹ lo hết. Đứa nào cần học thêm cái gì và học với thầy cô nào cũng lại mẹ. Dép nhựa chúng tôi đi bị đứt quai mẹ chưa có tiền mua dép mới cho chúng tôi thì bà tự vá. Mẹ tôi thường châm cái bếp dầu rồi hơ đầu tuốc nơ vít vào lửa cho nóng đỏ lên. Rồi bà cùng cái đầu tuốc nơ vít nóng đỏ đó để áp các miếng nhựa vá lên vết rách. Đấy là kỹ thuật vá dép mà bà học được từ các hàng vá dép vỉa hè thời đó.

Thấy chúng tôi cắt tóc ngoài đường không đẹp, mẹ tập cắt tóc nam và cắt cho cả ba đứa. Không có kéo cắt tóc chuyên dụng, bà dùng kéo cắt vải để cắt tóc cho con. Bà đặt một cái gương bên cạnh để chúng tôi tự cầm và ngắm xem mẹ cắt vậy đã ưng chưa. Chỗ nào chưa ưng mẹ sẽ sửa tới lúc chúng tôi hài lòng thì thôi. Mỗi lần ngồi cắt tóc, tôi thường nhìn bàn tay mẹ hằn đỏ vết chuôi kéo. Chẳng biết mẹ có thấy đau không nhưng dường như bà chẳng để ý mà chỉ tập trung vào niềm vui được chăm chút cho những đứa con. Bà cắt tóc cho chúng tôi cho tới khi tôi ra trường đi làm và Minh Vũ đã vào đại học.

Tới lúc đó bà vẫn chăm chút cho chúng tôi như thời bé dại và bà chỉ thôi cắt sau khi phát hiện bị bệnh tim và phải nhập viện. Căn phòng bé nhỏ của mẹ và dượng tôi chẳng có mấy đồ đạc nhưng nhìn đâu cũng thấy sách. Các kệ gỗ chứa đầy sách xếp kín mấy mặt tường chỉ còn chừa lại chỗ cho cửa sổ. Mà ngay cả bậu cửa sổ cũng được tận dụng làm nơi để sách. Mẹ tôi thích đọc sách và bà cũng khuyến khích tôi đọc sách, nhất là những tác phẩm văn học giàu giá trị nhân văn.

Hồi tôi còn nhỏ chưa biết đọc thì mẹ đọc những truyện như “Tây du ký” và “Dế Mèn phiêu lưu ký” cho tôi nghe trước khi đi ngủ. Và tôi bắt đầu mê sách từ đó. Khi tôi biết đọc là bà mang những cuốn sách hay về cho tôi tự đọc. Bà đã chọn rất kỹ những cuốn sách phù hợp cho con. Với các em tôi sau này cũng vậy, chúng tôi bước vào thế giới của sách, của văn học Việt Nam và thế giới qua sự dẫn dắt và động viên của mẹ. Bà vui mừng khi thấy chúng tôi mải mê với “Truyện cổ Grimm”, “Những tấm lòng cao cả”, “Không gia đình”…

Cả ba đứa chúng tôi đều được mẹ khuyến khích học các môn nghệ thuật. Tôi và Minh Vũ được mẹ cho đi học đàn guitar và học kịch còn Quỳnh Thơ học guitar và vẽ. Bà muốn chúng tôi hiểu và biết rung cảm với cái hay, cái đẹp của nghệ thuật. Nhưng bà lại không khuyến khích chúng tôi chọn nghệ thuật làm nghề nghiệp. Bà nói rằng con đường làm nghệ thuật là con đường gian khổ và không dễ sống. Nó đòi hỏi tài năng và nhiều quyết tâm mà không phải ai cũng có. Mà bà thì lại không muốn các con phải khổ để theo đuổi các mục tiêu sáng tạo nghệ thuật.

Khi sắp học hết cấp 3, tôi muốn đăng ký thi làm diễn viên kịch câm của Nhà hát Tuổi Trẻ thì bà là người khuyên tôi không nên thi vì bà cho rằng không có tương lai rõ ràng cho kịch câm. Khuyên không được, bà nhờ chú Lê Hùng, khi đó là thầy dạy kịch câm của tôi thuyết phục tôi nên thi vào Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Và thế là tôi nghe. Việc Minh Vũ lựa chọn thi vào khoa quay phim của Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng có sự tác động định hướng của mẹ khá nhiều.

Mẹ tôi yêu tất thảy các con nhưng bà canh cánh một nỗi lo rằng chúng tôi không thương nhau vì chúng tôi chẳng có đứa nào cùng cả cha cả mẹ với nhau. Tôi và Quỳnh Thơ chỉ chung mẹ còn với Minh Vũ thì thậm chí chẳng có liên hệ máu mủ gì cả. Vậy nên mẹ lo cũng là phải thôi và nỗi lo bắt đầu từ tôi vì tôi là đứa lớn nhất và lại bướng. Bà dặn tôi rất nhiều lần rằng tôi là anh cả nên phải làm gương nhường nhịn và yêu thương các em. Khi thấy anh em chúng tôi có biểu hiện bất hòa từ những chuyện lặt vặt như chơi tú lơ khơ cãi nhau là bà can thiệp ngay. Sau đó bà nói chuyện với riêng từng đứa để khuyên giải về cách ứng xử sao cho đúng anh đúng em.

Truyện ngắn “Bến tàu trong thành phố” là câu chuyện dành cho anh em chúng tôi vì nó phần nào dựa trên hoàn cảnh thực của gia đình chúng tôi. Một phần nó là ước vọng của bà mong các con gần gũi nhau hơn nữa. Và một phần nó là lời nhắn cho anh em chúng tôi rằng hãy yêu thương nhau khi đã là anh em trong cùng một gia đình.

Thật ra thì mẹ tôi lo xa thôi vì tự con người bà đã là chất keo dính của tình thương yêu trong nhà, và chúng tôi đều chịu ảnh hưởng của mẹ. Chúng tôi dẫu có khác nhau thế nào chăng nữa cũng đều có chung một điểm - chúng tôi đều yêu mẹ và muốn mẹ vui. Điểm chung ấy đã kéo anh em chúng tôi lại gần nhau và gắn bó bên nhau chẳng khác gì ruột thịt cùng cha cùng mẹ.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày mẹ tôi ra đi cùng em Quỳnh Thơ và dượng Vũ. Cũng ngần ấy thời gian, tôi và Minh Vũ thường tìm về những khoảnh khắc ngọt ngào của hạnh phúc gia đình, của mẹ và các con trong quá khứ. Ký ức của những ngày tháng tươi đẹp và trong trẻo xưa vẫn tươi mới như ngày hôm qua và nó giúp chúng tôi xoa dịu nỗi đau mất mát…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi ức nhỏ  về nữ sĩ Xuân Quỳnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO