Hơn 44.300 tỷ đồng tiếp sức doanh nghiệp

H.Vũ 13/08/2021 07:49

Hiện cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến nhóm các giải pháp về miễn, giảm thuế và hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 11/8, liên quan đến các chính sách sắp tới theo Nghị quyết cũng như chỉ đạo của Quốc hội đối với việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) và các tổ chức, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: Các chính sách năm 2020 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện là gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm các khoản thuế phí, lệ phí. Dự kiến trong năm 2021, khoản hỗ trợ là 118.000 tỷ đồng.

Chưa hết, ông Chi cho biết theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định một số giải pháp: Tiếp tục giảm thuế thu nhập DN cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm các loại thuế phải nộp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh hàng quán với mọi hình thức khai nộp thuế, dự kiến sẽ giảm 50%.

Đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như giao thông vận tải, kinh doanh lưu trú, du lịch; miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn; giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn.

Ông Chi xác nhận: “Tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ tiếp theo mà Bộ Tài chính đang đề xuất là trên 20.000 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, song hành với gói hỗ trợ trên thì hiện nay để hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ có chính sách giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, trước tình hình dịch còn phức tạp nên NHNN đã chỉ đạo và 16 ngân hàng thương mại giảm số lãi suất cho vay với số tiền khoảng 20.300 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng có vốn nhà nước như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank cũng cam kết giảm lãi suất cho các DN tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng. Tổng giá trị giảm lãi suất từ phía ngân hàng cho các đối tượng bị tác động bởi Covid-19 từ nay tới cuối năm khoảng 24.300 tỷ đồng.

Như vậy nếu tính theo gói hỗ trợ từ phía NHNN cũng như Bộ Tài chính đang đề xuất thì số tiền hỗ trợ cho DN cỡ khoảng hơn 44.300 tỷ đồng. Đây có thể coi là mức hỗ trợ giúp các DN “qua cơn bĩ cực”.

Theo đánh giá của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, mỗi ngày lại có thêm nhiều DN gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, Bộ Tài chính đề xuất đưa ra gói hỗ trợ thứ 2 là chính sách bổ sung cho gói hỗ trợ thứ nhất (năm 2020). Bởi mỗi gói đều có nhiệm vụ riêng của nó do dịch Covid-19 tác động đến nhiều đối tượng DN khác nhau.

Ông Nam phân tích, đối với DN không có doanh thu họ không quan tâm nhiều đến chính sách thuế, mà quan tâm nhiều tới chính sách hỗ trợ người lao động và tiếp cận vốn tín dụng mới để có thể tiếp tục duy trì sản xuất. Còn đối với những DN có doanh thu thì chính sách thuế lại là chính sách rất quan trọng. Do đó Bộ Tài chính đề xuất trong gói hỗ trợ thứ 2 là giảm thuế thu nhập DN cho các hộ kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ có doanh thu dưới 200 tỷ đồng là hợp lý.

“Mỗi chính sách đều mang theo những nhiệm vụ của nó. Thường không thể một chính sách có thể làm được hết mọi thứ. Cho nên việc Bộ Tài chính đang đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 là sự bổ trợ cho nhau do mỗi chính sách đều có những nhiệm vụ riêng tác động vào những nhóm đối tượng riêng” - ông Nam nói.

Đánh giá cao những gói hỗ trợ trên, bởi trong thời điểm này mọi sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đều là quý, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Việc hỗ trợ miễn, hoãn, giãn thuế cho DN là giải pháp giảm bớt phần nào khó khăn cho DN. Còn “gốc” nằm ở giải quyết khó khăn trong vấn đề thị trường; đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh doanh thu trong chuỗi giá trị. Do đó, theo ông Lâm bên cạnh các chính sách trên cần những chính sách song hành về bảo hiểm xã hội, tiền tệ, tín dụng và thị trường.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, các gói chính sách hỗ trợ giãn, hoãn, miễn thuế là cần thiết nhưng đó mới chỉ hỗ trợ một phần. Song hành với nó đòi hỏi rất nhiều các chính sách hỗ trợ khác như chính sách tín dụng, tiền tệ, và thị trường để doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh.

Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, hiện nay đáng lo là các DN sản xuất bị đình đốn nhưng hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng. Điều này đang tạo nên gánh nặng lớn cho DN. Tiền đã vay nhưng không đưa được vào chu trình sản xuất, không tạo ra chuỗi giá trị thì không có tiền để trả lãi ngân hàng. Nếu theo hợp đồng thì đến hạn phải trả, và đó là cái khó khăn rất lớn đối với DN. “Cho nên quan trọng nhất là chính sách tín dụng” - ông Lâm bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn 44.300 tỷ đồng tiếp sức doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO