Hợp đồng xây dựng giao kết bằng miệng có giá trị pháp lý?

Ngọc Quang 28/04/2023 07:53

Đó là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Vì rằng, trong thực tiễn, hợp đồng xây dựng được giao kết bằng miệng không ít.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 6 Nghị định 37/2015/NĐ-CP có quy định về hiệu lực và tính pháp lý của hợp đồng xây dựng như sau:

1. Hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a/Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; b/Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định này; c/Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).

3. Tính pháp lý của hợp đồng xây dựng: a/Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện; b/Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các tranh chấp chưa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan; c/Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng.

Còn tại Điều 138 Luật Xây dựng 2014 quy định chung về hợp đồng xây dựng như sau:

1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

2. Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng gồm: a/Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; b/Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng; c/Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng; d/Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật Xây dựng năm 2014 cũng quy định rõ nguyên tắc thực hiện hợp đồng xây dựng. Theo đó, các bên hợp đồng phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng về phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác; Trung thực, hợp tác và đúng pháp luật; Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, một trong các điều kiện để hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý là hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền. Vì thế, trường hợp giao kết hợp đồng xây dựng bằng miệng là không có giá trị pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp đồng xây dựng giao kết bằng miệng có giá trị pháp lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO