Hương cốm - gói chút tình mùa Thu Hà Nội

Hoàng Vân 10/08/2021 10:11

Nhắc đến cốm, người xa quê nhớ ngay đến mùa thu đặc trưng ở Hà Nội. Cốm từ ngàn đời nay được người Hà Nội ví như người con gái đất Hà Thành.

Mùa thu Hà Nội có vô vàn cảnh sắc, hương vị đặc trưng. Dễ thấy những vạt nắng chiếu rọi lung linh những ngày chiều, hàng sấu rung rinh trên cây chờ người tới hái. Thế nhưng, đối với mỗi người dân xa xứ, hương cốm vẫn là nét đặc trưng của đất Hà Thành mỗi độ Thu về.

Những ngày này, hương Cốm len lỏi qua từng ngõ ngách, trên từng gánh hàng rong quyện cả trong lòng mỗi người dân Thủ đô. (Ảnh chụp trước ngày 23/7).

Hà Nội đang bước sang Thu, mấy nay đi đường, không khó để bắt gặp hương cốm hòa quyện trong từng đợt gió. “À, thì ra Thu đã về”.

Trước đây, cốm được xem là vật phẩm quý giá để tiến vua. Tại các tỉnh miền Trung hay vùng núi Tây Bắc cốm được làm từ thóc lúa nếp. Nhưng ngon và đặc biệt nhất vẫn là cốm Hà Nội. Chỉ có cốm Hà Nội mới có màu xanh ngát như ngọc và cũng chỉ có cốm Hà Nội mới có độ dẻo dai lại thơm đến lạ kỳ.

Cốm làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) là nơi có nghề làm cốm nổi tiếng nhất tại Hà Nội. Hơn 1.000 năm qua, các công đoạn làm cốm xưa vẫn được lưu truyền và giữ nguyên bản sắc.

Cốm, thức ăn dân dã của người dân đất Hà Thành, từ hạt cốm nhỏ nhắn mà làm được biết bao món ngon. Xôi cốm là một trong những món ngon đó. (Ảnh chụp trước ngày 23/7).

Theo từng gánh hàng rong của các mẹ, các chị, cốm đến với từng con phố nhỏ, nằm gọn trong tay người yêu cốm như một phần tinh túy của ẩm thực Việt Nam.

Để làm nên những hạt cốm thơm ngon, những người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bà Nguyễn Thị Minh, nghệ nhân có 10 năm làm cốm tại Miếu Đầm, Nam Từ Liêm cho biết: “Để làm nên những hạt cốm thơm ngon, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, từ sàng lọc thóc, rang thóc, giã cốm và cuối cùng là công đoạn gói cốm”.

“Trong 5 công đoạn để làm nên cốm, công đoạn rang thóc là công đoạn khó nhất. Người rang phải vừa giữ lửa làm sao để hạt thóc khi cho vào không bị chín quá và cũng không được để sống. Muốn hạt cốm được mềm và dẻo cũng phụ thuộc hết vào công đoạn này, thông thường khi vừa mới cho thóc vào lửa sẽ để lớn hơn, đun độ 15 phút thì rút bớt củi ra để lửa nhỏ liu riu”.

Cốm thường được gói trong lá sen hoặc lá chuối để giữ đúng hương thơm, vị mềm dẻo. (Ảnh chụp trước ngày 23/7).

Cô Minh cho biết, người Hà Nội đi xa về chỉ thích ăn một chút cốm với một trái chuối là đủ để thỏa lòng nỗi nhớ xa quê. Bởi chính lẽ đó, người dân đất Đông Kinh từ già trẻ, lớn bé đều không quên sà vào gánh hàng cốm bên đường để tranh thủ gửi chút tình thương, nỗi nhớ với hương cốm đặc trưng.

Thứ cốm dẻo thơm được gói trong lá sen phảng phất hương thơm thoát tục. Những hạt cốm màu xanh ngọc, hơi dẹt, dẻo thơm hương trời, khí đất, chẳng dám ăn nhiều vì sợ hết, chỉ nhón một nhúm rồi bỏ vào miệng, nhẩn nha nhai để thưởng thức.

Người Hà Nội xem cốm như món ăn không thể thiếu mỗi độ thu về. (Ảnh chụp trước ngày 23/7).

Không phải ngẫu nhiên mùa thu Hà Nội làm lòng người xao xuyến, cũng không phải ngẫu nhiên mùa thu Hà Nội được du khách biết tới như một trong những mùa đẹp, lãng mạn nhất trong năm. Hà Nội có phố nhỏ, ngõ nhỏ, quán nhỏ… mỗi độ thu về lại mang vẻ đẹp rất riêng, hiếm có ở bất kỳ nơi nào khác.

Dân bản xứ đến Hà Nội thường tìm mua cốm như một thức quà. Cốm cũng là lễ vật thường sử dụng làm quà trong tình yêu, mùa cưới. Họ trao cho nhau thức quà cao quý như gửi chút tình vào trong gói cốm trao nhau. Hương cốm cứ vậy mà quyện vào trong gió, quyện vào cả trái tim mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương cốm - gói chút tình mùa Thu Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO