Hướng tới trở thành nhà cung ứng toàn cầu

Hải Nhi 16/06/2021 09:48

Việt Nam sẽ cùng thúc đẩy hệ thống lương thực, thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam, mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.

Với chủ đề “Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam: Minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, ngày 15/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh và bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Trưởng đại diện lâm thời Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Đối thoại quốc gia lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến với đại diện các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, hiệp hội và các đối tác quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng nhằm chuẩn bị cho Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9 /2021.

Điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh LTTP, ổn định kinh tế - xã hội cho hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% vào GDP của quốc gia. Mặc dù bị tác động của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai… nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát huy vai trò trụ cột nền kinh tế, duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 2,68% trong năm 2020. Ngoài ra, còn đảm bảo vững chắc an ninh LTTP cho gần 100 triệu dân. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt 41,53 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2019. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt 22,83 tỷ USD. Tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Khung hệ thống LTTP đưa ra các tiếp cận hợp tác đa ngành đa cấp và phù hợp với chính sách hiện hành của Việt Nam như: Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình Hành động quốc gia Không còn nạn đói đến năm 2025; Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

“Việt Nam sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hành động của từng ngành, lĩnh vực trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, sáng kiến cùng hỗ trợ thúc đẩy Hệ thống LTTP thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung cấp LTTP minh bạch, có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Khắc phục điểm yếu

Bà Rana Flower, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Trưởng đại diện lâm thời Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) tại Việt Nam nhận định: Khi hệ thống LTTP vận hành tốt sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn và nếu nó bất ổn thì có thể đe dọa đến mọi lĩnh vực như giáo dục, y tế, kinh tế cũng như hòa bình, an ninh. Có thể thấy, qua mỗi đợt khủng hoảng những người nghèo, yếu thế lại phải gánh chịu những tác động tiêu cực nhất. “Và cuộc đối thoại này sẽ tiếp sức để giúp chúng ta tạo ra hệ thống LTTP toàn diện và lành mạnh hơn, bảo vệ được sức khỏe cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế” - bà Rana Flower nhấn mạnh.

Với góc nhìn chuyên gia, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định: Nông nghiệp Việt Nam phát triển khá ổn định trong thời gian qua, kể cả sản xuất và xuất khẩu. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 thì chúng ta vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu tốt.

Tuy nhiên, ông Đào Thế Anh cũng khuyến cáo: Một số yếu tố đầu ra của hệ thống thực phẩm vẫn chưa thực sự đạt được tính bền vững. Như về mặt dinh dưỡng và sức khỏe thì tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Nhiều vùng xuất khẩu nông sản như Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao. Hay trong sản xuất thì có nhiều yếu tố chưa thực sự bền vững như việc sử dụng hóa chất, thoái hoá đất, ô nhiễm môi trường nước, thoái hóa tài nguyên rừng và đa dạng sinh học… đó là những yếu tố cần khắc phục.

Để đạt được mục tiêu bền vững trong tương lai, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, không chỉ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới trở thành nhà cung ứng toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO