Hướng về nguồn cội

Quốc Định 28/01/2017 08:00

Một mùa Xuân mới lại về, dù bận rộn mưu sinh nhưng kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới vẫn sắp xếp thời gian sum họp đón Tết cổ truyền. Đây là dịp đặc biệt để bà con quây quần bên gia đình, bạn bè, quay về với truyền thống cùng hòa vào sự đổi mới của đất nước.

Tết là dịp để kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới trở về nước sum họp.

Giữ hương vị Tết trên đất người

Năm 1974, ông Phan Thành (quê Trà Vinh) rời Việt Nam đi Canada. Đến xứ người, ông phải lăn lộn làm đủ nghề kiếm sống để gây dựng cho tương lai. Ngoài 30 tuổi, ông xây dựng gia đình.

Ông cho biết: “Cộng đồng người Việt ở Canada khá đông, khoảng 150 vạn người, hàng năm ông cùng phối hợp với bà con bên này tổ chức đón Tết. Tết xứ người cũng có nhiều hương vị quê nhà như bánh chưng, hột vịt lộn, nấu chè, mở hội trại, cùng hát cho nhau nghe những bài hát về quê hương Việt Nam. Chúng tôi cùng sẻ chia những tình cảm, kinh nghiệm làm ăn. Tất cả những điều đó đã làm vơi nỗi nhớ nhà”.

Theo ông Trần Văn Đôn, hiện là giảng viên một trường Đại học tại Paris: “Tết tại Pháp được các ông, bà trong Ban Liên lạc người Việt tại đây chuẩn bị trước cả tháng, bao gồm các chương trình văn nghệ và ẩm thực truyền thống với đầy đủ các món đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, chả cuốn, giò lụa... Ai cũng háo hức, mong cho đến ngày Tết để anh em bạn bè người Việt tụ họp, quây quần, được chia sẻ những thành quả làm việc với nhau trong một năm, được thấy niềm vui trong nỗi buồn xa xứ và cũng là dịp để quảng bá về văn hóa Việt cho bạn bè nước Pháp".

Bà Bùi Thị Hòa, 55 tuổi một Việt kiều tại Nga, tâm sự: “Tết nào chúng tôi cũng tổ chức tặng quà, thăm hỏi cộng đồng kiều bào. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng luôn đề cao việc gìn giữ và dạy cho con cháu về những nét đẹp truyền thống. Mỗi dịp Tết cổ truyền, gia đình vẫn nấu mâm cỗ đầy đủ các món ăn Việt để cúng gia tiên và quây quần bên nhau”.

Ông Ngô Văn Hòa, Việt kiều Ucraina, chia sẻ: Đối với những kiều bào không có điều kiện trở về quê hương, để vơi đi nỗi nhớ quê trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, họ lại cùng tham dự buổi lễ mừng xuân mới do Đại sứ quán và Hội người Việt tổ chức, với nhiều hoạt động như: gói bánh chưng, cúng ông bà tổ tiên lúc giao thừa, tổ chức các trò chơi dân gian, gọi điện về Việt Nam chúc Tết… với mong muốn giữ hương vị Tết truyền thống.

Anh Đỗ Trường Giang, đang làm việc cho một tập đoàn lớn của người Việt tại Thủ đô Moscow, nói : “Năm nay là Tết thứ 12 tôi ở nước Nga xa xôi, lạnh lẽo. Nhớ ngày đầu tiên đón Tết nơi đất khách quê người cảm giác thật trống trải, buồn lắm. Nhưng được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ cùng cộng đồng người Việt tại đây, được cùng chuẩn bị những món ăn cổ truyền của dân tộc và đón giao thừa với anh chị em sinh viên, khiến cho nỗi nhớ nhà, nỗi xa quê trong tôi vơi bớt. Mọi người đều học tập và đón tết xa gia đình nên dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau những nỗi niềm.”

Ông Trần Nhật Khánh, một kiều bào ở Áo, cho hay: 28 năm trước, tôi cùng gia đình chính thức ra nước ngoài định cư, về cơ bản, đời sống vật chất của người Việt ở nước ngoài hiện đã khá lên rất nhiều so với trước đây nên đời sống tinh thần càng được chăm chút. Ở nơi xa xứ, cộng đồng người Việt rất gắn bó và tình cảm. Có khi chúng tôi đi mấy trăm cây số để đến thăm nhau.

Càng xa quê, càng nhớ Tổ quốc mình

Là người vài chục năm đón Tết tại đất Mỹ, ông Nguyễn Văn Cường, cho rằng: Chỉ có ở Việt Nam, mới cảm nhận được hết không khí và ý nghĩa của Tết, bởi những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc vẫn được thể hiện đầy đủ. Hơn nữa, thời gian nghỉ Tết ở Việt Nam dài hơn, mọi người có thời gian nhiều để đi thăm, chúc Tết người thân, bạn bè, nghỉ ngơi thư giãn. Riêng tôi, thường chọn cách đón Tết bằng các chuyến đi về quê hương Nam Định, hoặc đi Hà Nội, Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây...để cùng đón Tết với bà con họ hàng, bạn bè…

Ông Phan Thành, tâm sự: “Mặc dù có một cuộc sống ổn định, với căn biệt thự ở vùng ngoại ô, với công việc và thu nhập ổn định nhưng tôi vẫn cảm thấy nỗi nhớ quê hương da diết. Không phải riêng tôi mà hầu người Việt, họ đều có cảm giác “Càng xa quê, càng nhớ Tổ quốc mình”.

Vì lẽ đó, năm 1984, khi về thăm quê, tôi có cơ hội tốt làm ăn ở Việt Nam, công việc khá thuận lợi nên tôi quyết định ở lại Sài Gòn sinh sống. Mặc dù công việc kinh doanh khá bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời giờ tham gia công tác xã hội.

Hiện ông Thành là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Người Việt Nam ở Nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh. Ông cùng các cộng sự của tập hợp những doanh nhân, doanh nghiệp Việt kiều, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.

Ông Thành cảm nhận, “Tết tại Việt Nam mới đậm đà bản sắc dân tộc, ở đây chúng tôi được tìm về cội nguồn, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, thăm người thân, chúc nhau những lời chúc Tốt đẹp nhất của năm mới. Phong tục, tập quán cũng làm cho tâm hồn chúng ta phong phú hơn, thoải mái hơn, làm cho mình trở nên cân bằng hơn”.

Bà Huỳnh Thị Lan, Việt kiều Italia, trải lòng: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới thu xếp công việc trở về Việt Nam đón Tết. Ở nơi đâu cũng thấy không khí của ngày Tết, nhìn các cháu nhỏ đi sắm Tết cùng với bố mẹ, tôi lại chợt nhớ đến tuổi thơ của mình. Đúng là chẳng nơi đâu bằng Tết Việt Nam.

Ông Nguyễn Phúc Hảo ra nước ngoài định cư được hơn 20 năm và khoảng hơn nửa số Tết không về nước, ông nhớ: “Đến nay tôi đã sinh sống và ăn Tết ở nhiều nước khác nhau nhưng chẳng có Tết nào lại ý nghĩa và đầm ấm như ở Việt Nam. Cứ vào dịp cuối năm, dù nơi đâu, các con cháu đều thu xếp về viếng mộ, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Tôi nhớ nhất là cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Đun lửa nấu bánh, cùng trò chuyện về những điều làm được và chưa làm được trong năm qua. Ở Pháp, vào Tết cổ truyền dân tộc, gia đình tôi cũng làm bánh chưng nhưng chỉ gói bằng giấy bạc và đun bằng lò điện nên hương vị của nếp không được như ở quê mình”.

Ông Hảo cho biết, Tết năm nay cả gia đình cùng về nước, 2 đứa con tôi chưa một lần được đón Tết tại quê hương, lần này tôi muốn đưa chúng về để thăm tổ tiên, cùng đón Tết dân tộc và quan trọng hơn để chúng không quên nguồn cội của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng về nguồn cội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO