Huy động nhân dân tham gia giám sát

Lê Na 25/10/2019 18:20

Đó là khẳng định của ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào chiều ngày 25/10. Cùng dự có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Huy động nhân dân tham gia giám sát

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Giám sát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay.

Từ Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội-Chính Phủ-Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp ban hành Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hơn thế nữa, Hoạt động giám sát đã được thể chế hóa thành một Chương của Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi năm 2015).

Trên cơ sở đó, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đã ban hành Thông tri số 23/TT-MTTW-BTT ngày 21/7/2017, Hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Theo đó, hằng năm Ủy banMTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp đã chủ động, triển khai nhiệm vụ giám sát theo trên cơ sở các văn bản hướng dẫn và định hướng công tác giám sát tại địa phương.

Theo ông Thào A Sinh, Trưởng ban Dân vận huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sa Pa, đây là một huyện miền núi vùng cao có 18 đơn vị hành chính gồm 116 thôn, tổ dân phố, với số dân 68 vạn người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 80%.

Dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn quá cao 23,38% nhưng với những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ Mặt trận trong công tác vận động nhân dân đoàn kết sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, đến nay, Sa Pa đã không còn xã có tỉ lệ hộ nghèo chiếm 40%; 100% các xã đã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã, 80% có đường nhựa đến thôn.

Đặc biệt, trong công tác giám sát, Mặt trận huyện Sa Pa đã thực hiện được 20 cuộc giám sát chuyên đề như giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ “ Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số”; giám sát về chế độ bữa ăn cho học sinh bán trú…

Ông Thào A Sinh khẳng định, qua giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đã đánh giá đúng những ưu điểm nổi bật của đối tượng được giám sát đồng thời cũng phát hiện một số tồn tại hạn chế như việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi ở một số đơn vị vẫn còn trùng lặp, làm thẻ chậm, để sót đối tượng; việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức.

Tuy nhiên ở một địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế, ông Thào A Sinh cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều việc chưa đạt hiệu quả trong công tác giám sát.

“Trong khi đó việc tiếp thu, giải quyết và xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị cá nhân, còn có tình trạng đủn đẩy né tránh, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết”, ông Thào A Sinh khẳng định.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giám sát của Mặt trận tại cơ sở, ông Sinh cho rằng, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ Mặt trận huyện Sa Pa cần phải làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt dư luận nhân dân trong việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước. Đặc biệt, vận động nhân dân tích cực tham gia giám sát.

Huy động nhân dân tham gia giám sát - 1

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần phát biểu tại hội nghị.

Trong thời gian qua, Lào Cai là một trong những địa phương có nhiều chương trình giám sát cụ thể, thiết thực. Theo ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai, từ năm 2015 đến tháng 10/ 2019, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đã thực hiện 41 cuộc giám sát bằng đoàn giám sát và phối hợp tham gia 14 cuộc giám sát cùng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Trong đó, cấp huyện, xã đã tổ chức được 138 cuộc giám sát bằng đoàn giám sát.

“Mặt trận không gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình thực hiện giám sát. Khó khăn nếu có chính là quá trình xử lý- hậu giám sát”, ông Giàng Seo Vần khẳng định.

Tuy nhiên, ông Giàng Seo Vần cũng chia sẻ, công tác giám sát là một việc khó, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh được một số sơ xuất trong tổ chức giám sát, chất lượng giám sát, nhất là ở cơ sở còn hạn chế và chưa thực hiện tốt việc vận động nhân dân giám sát.

Tại hội nghị, ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch MTTQ tỉnh Lào Cai kiến nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần quan tâm, tạo điều kiện thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kinh nghiệm, kỹ năng giám sát cho đội ngũ chuyên môn các cấp. Đồng thời có hướng dẫn, quy định cụ thể để phát huy trách nhiệm, vai trò của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc nhận xét, lấy ý kiến hằng năm và đột xuất đối với cán bộ, đảng viên khi cần thiết…

Đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Mặt trận tỉnh Lào Cai trong công tác giám sát, nhất là việc tham mưuTỉnh uỷ Lào Cai về Đề án số 15 về“Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016- 2020, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, đây là cách làm sáng tạo, thể hiện cho quá trình hiệp thương thống nhất từ việc xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện.

Kinh nghiệm thực tiễn của Lào Cai cho thấy, ở đâu tranh thủ được sự quan tâm của cấp uỷ, sự đồng hành của chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức thành viên ở đó sẽ làm tốt công tác giám sát.

Dư luận nhân dân thì vô vàn nhưng mấu chốt là tìm ra được vấn đề để tham mưu, để giám sát, để kiến nghị thì không cấp uỷ, chính quyền nào lại không phối hợp”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.

Hiện nay, một trong những vấn đề mà địa phương nào cũng kiến nghị là công tác “hậu giám sát”. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, đây là một khâu yếu cần phải tổng hợp, đề xuất để có giải pháp thực hiện tốt hơn.

“Quá trình thực hiện giámsát là muôn hình muôn vẻ, mỗi một nơi khác nhau nhưng có những vấn đề thuộc về thể chế thì các Ban chuyên môn của UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tập hợp lại để tới đây đưa ra được giải pháp cho công tác giám sát trong nhiệm kỳ 9”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, việc tổ chức giám sát có thể được triển khai bằng nhiều hình thức, tuy nhiên nên phát huy những hình thức phù hợp, nhất là huy động sự giám sát của nhân dân, qua đó, Mặt trận mới chọn được vấn đề để thành lập giám sát đoàn hay giám sát phối hợp.

Và để có một cơ chế đồng bộ trong hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng cho rằng, cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, trước thềm Đại hội Đảng các cấp, cấp uỷ các cấp nên có nghị quyết chuyên đề về công tác này.

Huy động nhân dân tham gia giám sát - 2

Quang cảnh hội nghị.

Huy động nhân dân tham gia giám sát - 3

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tặng quà cho các đồng chí lãnh đạo Mặt trận tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huy động nhân dân tham gia giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO