Kê khai tài sản: 'Dân biết cả đấy'

Tú Anh 29/05/2020 07:30

Hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra dù có mở rộng biên chế gấp vài chục lần cũng không thể kiểm soát tài sản của cán bộ công chức. Trong vấn đề này, bài học “tin dân, hỏi dân” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chưa bao giờ là cũ.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.

Theo quy định, nếu cán bộ, công chức không kê khai tài sản một cách trung thực thì hình thức xử phạt cao nhất bị áp dụng là buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Thống kê từ năm 1996 đã có hơn một triệu bản kê khai tài sản, đa số đúng mẫu mã, đúng thời hạn, vào sổ sách đầy đủ...

Nhưng thực tế đôi khi lại khác bản khai. Những câu chuyện kiểu “cơ ngơi gỗ ngàn tỷ” của con gái Giám đốc Công an tỉnh, “biệt phủ” của con trai Bí thư Tỉnh ủy, hay khu đất của Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh miền núi được báo chí, dư luận xới xáo lên nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Vậy nên, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho hay, trong năm 2018, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8%. Số lượng bản kê khai là rất lớn nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm cho thấy biện pháp này chưa phát huy hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng. 6/1.136.902 là một tỉ lệ quá nhỏ mà tôi xin phép không dùng số % vì sẽ tốn nhiều số 0 trên mặt báo.

Như vậy, những cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản cơ bản luôn gương mẫu, trong sạch cho đến khi cơ quan kiểm tra đảng hay cơ quan điều tra vào cuộc. Hẳn là khi còn tại vị, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son chưa bao giờ kê khai về khoản 3 triệu USD mà ông được “lót tay”. Tương tự đối với khoản tiền lót tay 2,5 triệu USD từ doanh nghiệp của cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.

Với một nền kinh tế tiền mặt, những khoản hoa hồng thường chứa đựng trong một vali du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite hay túi nilon màu đen thì việc kê khai, kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức là quá khó nếu chỉ dựa trên tính tự giác, sự trung thực. Rất ít người có thể bỏ qua khoản tiền lên đến hàng triệu, hàng trăm nghìn USD được nhận một cách dễ dàng chỉ vì lòng tự trọng. Mức lương thấp, việc biến hóa tài sản không quá khó khăn khiến cho nhiều cán bộ không dừng được lòng tham.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc xây dựng hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, vận hành nền kinh tế không dùng tiền mặt, vấn đề quan trọng nhất là dựa vào dân. Những cán bộ giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất có người thân sống xa hoa, đi du học tại các nước tư bản… có thể qua mặt hệ thống cơ quan kiểm tra, giám sát nhưng không thể thoát khỏi con mắt người dân. “Các chú mỗi người có hai cái tai, hai con mắt nhưng nhân dân thì hàng triệu tai, hàng triệu mắt”, Bác Hồ từng dạy như vậy.

Muốn thực hiện lời dạy của Người, các cơ quan Đảng, Nhà nước phải trọng dân, gần dân, tin dân hay nói cách khác là phát động sự tham gia của nhân dân trong công tác giám sát tài sản của cán bộ. Phải làm sao để dân có thể phát biểu trực tiếp hoặc thông qua hệ thống MTTQ và các đoàn thể phản ánh về tài sản cán bộ và người thân. “Dân biết cả đấy” nhưng làm sao để họ nói ra mới là điều quan trọng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai tài sản: 'Dân biết cả đấy'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO