'Kênh chết' bủa vây thành phố

Đoàn Xá 18/05/2018 07:00

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa và đã tái diễn tình trạng ngập úng ở nhiều khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này chính là hàng loạt tuyến kênh, rạch ở vùng ngoại ô thành phố đang bị lấn, lấp khiến cho khả năng thoát nước bị giảm, mất đi, được người dân coi là những dòng “kênh chết”.

'Kênh chết' bủa vây thành phố

Nhiều dự án cải tạo kênh, rạch ở TP HCM gặp khó khăn.

Không khó để kể tên những tuyến kênh, rạch đã chết hoặc đang chết, tức là mất đi khả năng thoát nước ở thành phố hiện nay. Chạy qua nhiều quận, huyện như Tân Phú, quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát có vai trò hết sức quan trọng cho việc thoát nước ở khu vực phía Tây thành phố.

Hiện nay, ngoài việc ô nhiễm trầm trọng do các khu công nghiệp, nhà máy xả thải thì tuyến kênh này đang dần “chết” bởi không được cải tạo. Rác thải và bồi đắp hai bên bờ khiến tuyến kênh bị thu hẹp lại rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Mân, 61 tuổi, một người dân ở khu vực cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp), nơi có tuyến kênh đi qua kể, so với khoảng hơn mười năm trước, kênh Tham Lương-Bến Cát hiện nay bị thu hẹp chỉ còn một nửa. Trước kênh rộng tới hơn chục mét, sâu cả hai mét thì nay chỉ còn chừng năm mét, sâu có khi chưa tới một mét.

Theo tìm hiểu, mặc dù thành phố đã có quy hoạch dự án cải tạo tuyến kênh này nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn chỉ dừng lại ở khâu… giải phóng mặt bằng. Tương tự, kênh Nước Đen đi qua địa bàn quận Bình Tân với hàng chục ngàn hộ dân sinh sống nhưng hiện nay đang ở trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Song song với đó là nhà cửa lấn chiếm, rác thải, nước thải đổ ra khiến dòng kênh đi giữa các khu dân cư, các chung cư cao ốc nhưng luôn bốc mùi hôi thối suốt đêm ngày.

Hiện trạng tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát, kênh Nước Đen dài hàng chục cây số cũng là hiện trạng chung của tất cả các tuyến kênh khác. Cách đây hơn một năm, Trung tâm chống ngập thành phố đã đề xuất dự án cải tạo 15 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài 64km cùng số vốn lên đến 200 tỉ đồng để cải thiện khả năng thoát nước của hệ thống kênh này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các dự án trên vẫn chưa thể triển khai trong khi các dòng kênh này tiếp tục bị đe dọa bởi ô nhiễm.

So với dự án cải tạo các tuyến kênh trên, Dự án cải tạo kênh Đôi, kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ… có số vốn cao hơn nhiều lần, lên hàng ngàn tỷ đồng nhưng các dự án cải tạo kênh rạch này nhiều năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Thực tế là việc cải tạo các tuyến kênh ô nhiễm luôn lâu hơn quá trình làm ô nhiễm kênh rạch hiện nay. Hậu quả của nó là đến nay, người dân ở TP.HCM khó mà tìm được dòng kênh nào không bị ô nhiễm trong khoảng hơn 600 tuyến kênh rạch hiện hữu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hiện nay, cải tạo một tuyến kênh ở khu vực TP.HCM tốn kém hơn rất nhiều so với xây dựng các tuyến đường, thậm chí là cả đường cao tốc! Nguyên nhân bởi hệ thống kênh rạch luôn gắn liền với các công trình xây dựng của người dân, là thói quen dựng nhà ven kênh có từ xa xưa trên vùng đất này.

Thực tế, hầu hết các kênh rạch đều đang là đất hoặc nhà của người dân. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng để thi công luôn tốn rất nhiều tiền của. Ngoài ra, sau khi cải tạo, các dòng kênh cũng không thể sử dụng luôn như các tuyến đường mà cần hệ thống duy tu, bảo trì hay thậm chí có thể là hệ thống máy bơm/hút để dòng kênh lưu thông.

Hà Nội: Cưỡng chế vi phạm Dự án Cống hóa mương Nghĩa Đô

Sáng 17/5, các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy đã tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm trật tự đô thị tại Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ. Theo đó, các lực lượng chức năng Quận đã tiến hành cưỡng chế 23 công trình vi phạm. Trong đó, lô số 1 gồm 7 trường hợp; lô số 3, 8 trường hợp; lô số 4, 6 trường hợp. Trước khi tiến hành cưỡng chế, đã có một số chủ công trình vi phạm tự tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm.

A.Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Kênh chết' bủa vây thành phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO