Kết nối quá khứ với hiện tại

Vũ Mạnh 29/12/2021 12:52

Ngày 29/12, tại thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Lễ khánh thành Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, tự hào. Tấm bia là lời gợi nhắc cho thế hệ những người làm Báo Đại Đoàn Kết về truyền thống cách mạng hào hùng của những người đi trước, cũng như là điểm tựa vững chắc cho những bước tiến lớn của tờ báo trong tương lai.

Các đại biểu khánh thành Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Việc hoàn thành Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong việc tri ân, ghi công và tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tiền bối cách mạng của Ban Biên tập Báo Cứu quốc năm xưa, cũng không chỉ là điểm nhấn trên chặng đường lịch sử rất dài của cách mạng Việt Nam tại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng xã Hợp Thành mà còn thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày Báo Cứu quốc ra số báo đầu tiên (25/1/1942 - 25/1/2022).

Trong tiết trời giá rét ở mảnh đất từng là chiến khu, những cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đều cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm của mỗi người dân nơi đây.

Vào năm 1947, gia đình cụ Ma Văn Hạ đã nhường lại căn nhà sàn trên mảnh đất này cho Ban Biên tập Báo Cứu quốc ở, còn gia đình cụ lui vào trong chân núi cắm cờ.

Tại đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, tờ Cứu quốc đã tuyên truyền kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật. Đặc biệt là tuyên truyền tư tưởng quyết tâm kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng của toàn dân, tố cáo tội ác của giặc Pháp và bè lũ tay sai, lan truyền tin chiến thắng ngoài mặt trận, cổ vũ gương chiến đấu, sản xuất của nhân dân.

Tờ báo ngày ấy dù rất thiếu thốn, khó khăn nhưng đã được bà con dân bản thôn Cây Mơ bao bọc, che chở và hết lòng giúp đỡ.

Bà con nhân dân thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành chung vui tại buổi lễ khánh thành. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày ấy tờ báo chỉ in có 4 trang và là tờ nhật báo duy nhất, với số lượng xuất bản từ 2.000 đến 5.000 tờ/ngày.

Tờ báo không có một giây phút ngơi nghỉ, mang theo sứ mệnh tuyên truyền Cứu quốc, hiệu triệu nhân dân đi theo cách mạng, đoàn kết để kháng chiến đến thành công.

Bên tấm bia được đặt trang trọng trong khuôn viên gia đình ông Ma Văn Bằng, cụ Nông Thị Chí (98 tuổi) xúc động kể lại những ngày tháng gia đình được đồng hành với Ban Biên tập Báo Cứu quốc.

Hồi đó, căn nhà của gia đình cụ Chí có 5 gian nhưng đã sẵn sàng nhường lại 3 gian cho Ban Biên tập Báo Cứu quốc sinh hoạt và làm việc.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, gia đình ông Ma Văn Bằng cũng tự nguyện dành tặng Báo Đại Đoàn Kết 12m2 đất trong khuôn viên nhà mình, đóng góp công sức để xây dựng công trình Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hưng Vượng phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: Quang Vinh.

Bày tỏ xúc động khi tham dự lễ khánh thành, ông Nguyễn Hưng Vượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, nơi đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã làm việc và quyết định những vấn đề trọng đại, mang tính lịch sử của đất nước.

Trong thời kỳ khó khăn ấy, Báo Cứu quốc là tờ nhật báo duy nhất, đưa thông tin kịp thời về kháng chiến, sản xuất để nhân dân yên tâm, vững tin đi theo Đảng.

Phát huy truyền thống lịch sử 80 năm qua, Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục khẳng định được vị thế, uy tín của mình trong nền báo chí cách mạng nước nhà.

Ông Nguyễn Hưng Vượng mong muốn, Báo Đại Đoàn Kết sẽ có những bước tiến lớn vững mạnh hơn, có thêm nhiều hoạt động về nguồn ý nghĩa, gắn bó thêm với địa phương nơi đặt dấu mốc lịch sử của tờ báo, để các thế hệ mai sau sẽ hiểu thêm về truyền thống cao đẹp của Báo Cứu quốc.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, tờ báo Cứu quốc là một trong những tờ báo hiếm hoi ra đời trước khi cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra, đến nay tờ báo vẫn phát huy truyền thống cao quý đó.

Việc tôn tạo, xây dựng Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết là hoạt động ghi nhớ lại giai đoạn hào hùng của dân tộc, tờ báo được chở che, hoạt động trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, để góp phần đưa cách mạng đến thành công.

Đây cũng chính là hoạt động về nguồn có ý nghĩa để ghi nhớ, tri ân những công ơn của những người đi trước, kết nối quá khứ với hiện tại.

Năng lượng tích cực ấy sẽ giúp những người làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay tiếp nối truyền thống cao đẹp của Cứu quốc - Giải Phóng.

“Tấm bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết được đặt trang trọng, vững vàng ở nơi đây sẽ giúp tờ báo vững tâm hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã giao phó”, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương đã khánh thành công trình Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết.

Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết đã trao tặng những phần quà ý nghĩa tới các gia đình gắn bó với tờ báo Cứu quốc tại thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt thăm hỏi, tặng quà cụ Nông Thị Chí. Ảnh: Quang Vinh.
Quyền Tổng Biên tập Lê Anh Đạt tặng quà gia đình ông Ma Văn Bằng. Ảnh: Quang Vinh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hưng Vượng, lãnh đạo huyện Sơn Dương tặng quà gia đình ông Ma Văn Bằng. Ảnh: Quang Vinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối quá khứ với hiện tại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO