Khác lên trong mắt nhìn

NGUYỄN QUANG HƯNG 28/05/2022 09:16

Chiều trở về Hà Nội, chúng tôi qua chợ mua khâu nhục. Khu chợ lớn lâu năm miền Phủ Lạng Thương nơi tỉnh lỵ Bắc Giang này, như là một nơi tập kết, hội tụ về những xuôi ngược miền núi, trung du, đồng bằng. Vải vóc, áo quần, giày dép, đồ gia dụng, hàng điện tử, đủ các thức đồ ăn, đồ làm sẵn… Phố lấp lánh đèn cuối chiều.

Hình bóng quê hương. Ảnh: ITN.

Trong nhập nhoạng, cửa hàng, shop, quầy quán lớn nhỏ bắt đầu sáng bóng. Trong nhịp hối hả đang lên của phố xá tỉnh lỵ, mạch sống nhìn rõ nét sung túc. Tôi cảm thấy đang có những suy nghĩ dần khác đi, rằng hồi trước, hồi tách lại từ tỉnh Hà Bắc, người ta thấy những gì khởi sắc dần, bề thế hơn đều bắt đầu từ những địa bàn gần Thủ đô, còn xa xa, như từ phía bên này sông Cầu trở lên miền trung du, thì… khá chậm. Những hình ảnh dễ gợi ra so sánh một thời ấy, nay đang thực sự khác, từ những rộng rãi, mới mẻ, sầm uất hơn trên nền xa cũ của phố xá bé nhỏ thị xã Phủ Lạng Thương, những phố vắng thị xã Bắc Giang một thời.

Tôi không được trải nghiệm quá khứ miền đất này, chỉ nghe kể vài chuyện các con phố nhỏ, những ngả phố dẫn về ga, về kho hàng bụi bặm, lam lũ một thời, về ngôi nhà thờ từng bị bom Mỹ đánh sập. Bây giờ, thành phố đan xen những cũ, mới đang mọc lên vẻ tươi tốt cây cối, cửa nhà và những mặt người.

Một hôm mới vãn giãn cách xã hội đợt dịch Covid-19 lần đầu, hồi tháng năm, các con tổ chức bữa tiệc nhỏ ngoài nhà hàng, mời cả gia đình liên hoan mừng các cháu, đứa thì vào đại học, đứa lên trường chuyên cấp ba của tỉnh, ông bác vợ tôi cười phấn khởi: Được đi ăn chiêu đãi đây! Cái từ chiêu đãi trước hay được dùng để chỉ những cuộc liên hoan, những bữa ăn quy mô lớn hơn thông thường của gia đình, bè bạn, do các cơ quan chính quyền, sở ngành, đơn vị sản xuất như nhà máy, xí nghiệp tổ chức, mời khách.

Nhắc đến từ ấy, như gợi lại một thời dài cần lao và thu vén của bao nhiêu người, bao nhiêu nhà, mà khi có được sự chiêu đãi thì đó là một dịp hiếm hoi, quan trọng và hân hạnh lắm, thường khi phải liên quan đến công tác, đến một dịp kỷ niệm hay lễ mừng công nào đó. Bây giờ thì sự chiêu đãi đã thành phổ biến rồi, từ chiêu đãi cũng ít dùng hơn, người ta hay nói dự tiệc, mời cơm thân mật - cả cái từ mời cơm thân mật này cũng đang bắt đầu thưa đi. Ngẫm một chút như thế để thấy nhiều điều đã thay đổi quanh một từ ngữ nó liên quan đến một cách thức tổ chức hoạt động xã hội.

Ông bác vợ tôi đã ngoài tám mươi rồi, xưa làm nhiệm vụ trông coi kho hàng, thuộc “típ” người thế hệ trước, suốt tuổi thanh niên và gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất Bắc Giang cũng lam lũ, cũng đạm bạc như con người vậy. Bây giờ thì trong nhà có con cháu vững vàng, công tác, học hành tấn tới, không có gì phấn khởi hơn thế.

Chúng tôi vào một nhà hàng mới nhìn thuộc hàng sang trọng. Nhưng nhìn ra, đi trên những đường phố mới đang mở về phía Bắc thành phố, tôi đã thấy những dãy dài nhiều nhà hàng như thế nối tiếp nhau rồi. Vài ví dụ nhỏ từ cái nhìn phố xá, nhiều người dân thường đã cảm nhận được những đổi thay, có lẽ là rất cụ thể, rất rõ ràng, chứ chưa hẳn phải nhìn những bản quy hoạch phát triển thành phố, đi thăm các khu đô thị mới xen với các khu công nghiệp gần khu vực tiếp giáp thành phố Bắc Giang với huyện Việt Yên, nơi mà chiều tối khi hết giờ làm, và công nhân trở về, mua sắm, giải trí…, cả khu vực bỗng đông đúc lạ thường.

Dông dài chuyện liên hoan, mua sắm, tôi nhớ đến siêu thị Big C mở bề thế bên khu mới phía Đông thành phố, bên phải quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Giang. Năm ngoái, tôi đã đi “vòng vèo” vào những con đường nhánh từ phía siêu thị này lên phía giáp thành phố với huyện Yên Dũng, để thấy từng đoạn đường nhựa mới giao nhau chia các khu đất lớn, chờ những khu đô thị, những cụm dân cư mọc lên, mở rộng thành phố về phía Đông Bắc.

Mở ra các khu vực mới, và làm mới hơn, rộng rãi hơn các khu đã cũ, đấy là hai hình ảnh mà tôi nhận thấy. Ngồi trong khu cơ quan mới của đồng nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh, liền với các sở ngành, phòng ốc rộng rãi, hành lang sáng loáng thả chân đi, mới liên tưởng về những cơ quan văn nghệ thấp nhỏ, đơn sơ và có phần hẻo lánh một thời.

Tất nhiên, quyết định cho những gì sẽ làm trên đường đi xa, không phải ở câu chuyện cơ ngơi bề thế. Nhưng thử liên tưởng và ngẫm từ sự phát triển những vùng đất, phải có hệ thống hạ tầng cơ sở vững vàng thì mới thuận tiện cho giao thương, vận hành, xây dựng đời sống. Cũng như lớp người mới, lớp người chuyển giao thế hệ, có không gian làm việc trang trọng, văn minh và đảm bảo sự tiện nghi cho thấy tinh thần tôn trọng con người, phục vụ con người, thì mới vững tâm và tự tin mà cống hiến bằng niềm yêu và gắn bó với nơi mình sống, mình làm việc.

Tôi đã nghe những chia sẻ dự định về các chuyến đi, chương trình hợp tác văn nghệ giữa nghệ sĩ trong với ngoài tỉnh, với hội nghề nghiệp trung ương, và lời mời gọi từ Bắc Giang cho những hợp tác văn học mới của người bạn nhà văn là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Còn nhớ một đêm diễn chèo đã lâu lâu hơn mười năm trước. NSƯT Quốc Trượng (bây giờ là NSND, Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội) làm vở tốt nghiệp tại Đoàn nghệ thuật chèo Bắc Giang (nay đã lên nhà hát rồi), có mời tôi đi cùng để viết bài.

Tuy đường cao tốc từ Hà Nội lên Bắc Giang lúc ấy đã rất tiện, nhưng tôi nhớ, khi đó ở trên này khu đoàn chèo vẫn cũ, nhà hát cũng cũ càng bao nhiêu chục năm rồi. Sân khấu quy mô nhỏ, khán phòng mái thấp, những hàng ghế gỗ cũ, nhất là thiết bị ánh sáng thì thật khiêm tốn. Đó cũng là địa chỉ văn hóa nghệ thuật trung tâm suốt nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng ở địa phương đấy! Quả là điều kiện mỗi thời mỗi khác. Giờ nhà hát đã to đẹp, sáng sủa và trang bị đủ đầy rồi.

Lại nhớ hôm báo cáo tốt nghiệp đó, anh Quốc Trượng cùng họa sĩ thể hiện lên từ sáng để chỉnh vở cùng diễn viên, họa sĩ của đoàn chèo, còn nhạc sĩ và một số nghệ sĩ thân thiết khác thì chiều lên, tham dự, làm việc xong là tối lại mải mốt cả đoàn rong xe về Hà Nội luôn, về đến đường Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên) vào quán ăn đêm bồi dưỡng cho lại sức. Lại ngẫm đến bây giờ, thì điều kiện đã sẵn sàng lắm rồi. Có ở lại, nghỉ lại cho đỡ cập rập thì cũng khỏi phải vất vả đêm hôm đường xa.

Nói đường xa, bây giờ thì Bắc Giang đã gần lắm! Tôi thỉnh thoảng có việc đi về Bắc Giang, ngoài những công tác cụ thể, tính đếm, sắp xếp, triển khai này kia thì trong con mắt quan sát đời thường, đang nhận ra và mừng với cái gần, cái mới, cái vui ấy của thành phố trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khác lên trong mắt nhìn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO