Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

Anh Tuấn 03/06/2019 08:00

Ngày 15/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hà Trung kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác đá trên địa bàn, song tình hình đến nay chưa được cải thiện.

Trên địa bàn xã Hà Tân, huyện Hà Trung, việc khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác vách đứng gây bụi bặm mịt mù, phương tiện chở vật liệu xây dựng không che bạt ngang nhiên đi lại trong khu vực dân cư… diễn ra một cách công khai khiến người dân bức xúc.

Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

Hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đường sá mịt mù bụi

Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn xã Hà Tân, huyện Hà Trung hiện có 12 doanh nghiệp tham gia khai thác, sản xuất đá tại 14 điểm mỏ. Hoạt động khai thác đá, chủ yếu là mỏ đá vôi, trữ lượng, diện tích mỏ tương đối lớn. Nhiều mỏ đá gần khu dân cư, khi khai thác gây ô nhiễm môi trường, bụi đá mù mịt diễn ra trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên nổ mìn để khai thác đá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nhiều người dân xã Hà Tân khi được hỏi đều khẳng định: Các mỏ đá để lại nhiều hệ lụy, bất cập ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, tiếng ồn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng… của cư dân địa phương. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, ở các điểm mỏ, nhiều phương tiện trọng tải lớn mặc sức tung hoành ra vào. Tiếng máy nghiền, xẻ đá “đinh tai nhức óc”. Nhiều điểm mỏ xảy ra tình trạng khai thác vách đứng, không đúng thiết kế mỏ, công nhân làm việc tại mỏ không sử dụng bảo hộ lao động…

Trước đó, ngày 15/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký Công văn số 616/UBND-CN yêu cầu UBND huyện Hà Trung kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. UBND huyện Hà Trung cũng đã chỉ đạo dừng hoạt động khai thác đá đối với 4 doanh nghiệp hoạt động tại vùng mỏ xã Hà Tân, gồm: HTX công nghiệp Đông Đình (HTX Đông Đình), HTX công nghiệp Thạch Bền (HTX Thạch Bền), Doanh nghiệp tư nhân Tân Hải (DN Tân Hải), Doanh nghiệp tư nhân Thành Đồng (DN Thành Đồng). Nguyên nhân dẫn tới việc cho dừng hoạt động là bởi 4 doanh nghiệp nói trên khai thác không đúng hệ thống khai thác mỏ đã được thẩm định, phê duyệt. Ngoài ra, UBND huyện Hà Trung cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xử lý các vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc các moong khai thác theo đúng thiết kế mỏ.

Đến ngày 29/3/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 1108/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với DN Tân Hải có trụ sở chính tại thôn Tam Quy, xã Hà Tân với số tiền xử phạt là 60 triệu đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hoá tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 6 tháng đối với hành vi vi phạm thực hiện việc khai thác không đúng phương pháp khai thác, khai thác không đúng trình tự khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt đối với DN Tân Hải. Yêu cầu doanh nghiệp này khẩn trương xử lý các vách đá treo; bạt mái, tạo độ dốc các mỏ khai thác theo đúng thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, HTX Đông Đình, HTX Thạch Bền, DN Thành Đồng cũng vi phạm tại điểm C khoản 3 Điều 37 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…

Khó khăn trong quản lý?

Nói về hoạt động khai thác mỏ trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch UBND xã Hà Tân thừa nhận: Hoạt động khai thác đá ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân. Ngoài việc bụi đá gây ô nhiễm môi trường, một số phương tiện chở vật liệu xây dựng không che chắn, giằng buộc đá nguyên khối, tự do đi trong khu vực dân cư, tạo ra sự bức xúc đối với nhân dân. “Chúng tôi cũng thường xuyên gửi văn bản yêu cầu các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy định trong khai thác, vận chuyển khoáng sản. Tuy nhiên, do có nhiều mỏ, nằm rải rác, trong khi lực lượng an ninh mỏng, chức năng xử phạt đối với cấp xã có hạn, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát”- ông Chung nói.

Theo thống kê, toàn huyện Hà Trung có trên 30 mỏ khai thác đất, đá các loại. Cơ bản, các chủ mỏ đều xem nhẹ vấn đề an toàn lao động; một số máy, thiết bị về an toàn lao động hết hiệu lực, chưa huấn luyện hoặc đã huấn luyện an toàn lao động đối với lao động nhưng hết hiệu lực; thiếu hồ sơ hoàn thiện thủ tục theo quy định; khai thác không đúng thiết kế mỏ như đã thẩm định, phê duyệt…Về việc này, ông Đặng Văn Thiện -Trưởng phòng TN&MT huyện Hà Trung, cho biết: Huyện đã thành lập ban giám sát liên ngành, khảo sát tại một số điểm mỏ, sắp tới sẽ lắp đặt thêm các hệ thống camera giám sát, theo dõi.

Ông Thiện nói: “Đối với một số đơn vị sai phạm tại xã Hà Tân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chấp thuận phương án xử lý vách đá treo, bạt mái, tạo độ dốc từ đề nghị của Sở Xây dựng cho các đơn vị trên. Sau thời gian thực hiện từ 10 - 12 tháng, UBND huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác khắc phục sai phạm và sẽ báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan…”. Như vậy, có thể thấy tình trạng khai thác đá không đúng quy định, việc gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn xã Hà Tân có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO