Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Quốc Định 14/09/2018 07:19

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đầu tháng Tám, bệnh tả heo châu Phi lần đầu tiên lan sang châu Á, xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ở nước ta, trong bối cảnh chăn nuôi heo vừa mới thoát khỏi khủng hoảng, người dân đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thì bệnh dịch tả heo Châu Phi lại trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng.

Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Người chăn nuôi cần thực hiện đúng khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Giới chuyên gia thú y cho biết, bệnh dịch tả heo châu Phi có rất nhiều triệu chứng lâm sàng giống các loại bệnh như circo, tai xanh, dịch tả cổ điển…nên người chăn nuôi rất khó nhận biết. Khi heo bị bệnh, trong vòng 2 - 10 ngày sẽ chết với tỉ lệ lên tới 100%. Điều quan trong là hiện nay không có vaccine điều trị.

Tại Hội thảo về bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa được Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tổ chức, TS. Michel Guillaume - Giám đốc Kỹ Thuật công ty Olmix Asialand Việt Nam cho hay, loại virus dịch tả heo Châu Phi này có 22 chủng loại gen. Để tìm 1 loại vaccine phù hợp thì rất khó, bởi mỗi chủng loại gen phải có 1 loại vaccine. Do đó, các nhà khoa học chưa tìm ra được biện pháp nào điều chế vaccine.

Cũng theo TS. Michel Guillaume, dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Virus này lây nhiễm qua 2 cách, trực tiếp từ heo qua heo và gián tiếp do qua thực phẩm, nước uống, phân heo, con người mang mầm bệnh vào trại nuôi. Đặc biệt, thịt heo nhiễm virus này có thể tồn tại trong môi trường tới 5 năm. Tuy nhiên, dù vô cùng nguy hiểm cho heo nhưng virus này hoàn toàn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600 độ C và không lây nhiễm cho con người.

TS. Đinh Xuân Phát - Bộ môn Công nghệ sinh học Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho rằng, virus này dù chỉ lây bệnh trên heo, nhưng cần phải tiêu hủy con heo bị bệnh, hay miếng thịt heo lấy từ con heo bệnh để tránh lây lan thành dịch.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện nay dịch tả heo Châu Phi chưa nằm trong mục được Nhà nước hỗ trợ đền bù khi xảy ra thiệt hại như các loại dịch hại khác theo Nghị định 02.

Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi -Thú y Đồng Nai, đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu để bổ sung bệnh này vào danh mục bệnh được hỗ trợ thì mới có thể mạnh tay trong việc ngăn chặn việc bán chạy gia súc, tránh lây lan cơ học, khi người chăn nuôi họ thấy thiệt hại sẽ bán gia súc bệnh đi.

“Muốn phòng và tránh bệnh này, điều cần thiết là an toàn sinh hoc, không được để chó mèo tiến gần khu chăn nuôi. Tất cả các yếu tố ra vào trang trại phải được kiểm soát chặt chẽ. Từ xe vận chuyển, con người ra vào trang trại đều phải tắm gội sạch sẽ; trên đôi giày họ đem qua phải được sát trùng trong 40 giây, quần áo trong trang trại không được mang ra ngoài mặc” -TS Michel Guillaume gợi ý.

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường công tác theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Nếu phát hiện triệu chứng bệnh cần lấy mẫu gửi đi xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Tuyên truyền vận động người dân không buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo nhập lậu vào trong nước tiêu thụ để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn cấp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO