Kháng thuốc kháng sinh: SOS

Ngọc Kha 25/06/2015 18:17

Ngày 24-6, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường và các đối tác phát triển ký kết Văn bản thoả thuận với nhau về phòng chống kháng thuốc. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế là WHO, FAO, USAIDS, CDC, OUCRU, JICA… và một số Đại sứ quán các nước ở Việt Nam như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y dược, nông nghiệp.

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh (Ảnh: Lâm Phúc)

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 - 2009 cho thấy: Năm 2009, 30 - 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40 - 60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem. Bình quân sử dụng kháng sinh trung bình là 274,7 DDD/100 ngày, giường. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với báo cáo của Hà Lan cùng kỳ là 58,1 DDD/100 ngày-giường và báo cáo từ 139 bệnh viện của 30 nước châu Âu năm 2001 là 49,6 DDD/100 ngày-giường. Sự tương quan thể hiện rõ hơn khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn gram âm đối với cephalosporin thế hệ 4 cao ở những nơi việc tiêu thụ kháng sinh lớn.

Thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, 4 chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp. Tần xuất nhiễm Acinetobacter spp. hay Pseudomonas spp. chiếm tỷ lệ ưu thế (>50%) trong viêm phổi bệnh viện (thở máy hay không thở máy). 4 chủng này đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (khoảng từ 66-83%) tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%. Sự kháng thuốc cao còn được phản ánh qua việc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu không phù hợp với kết quả kháng sinh đồ là 74%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kháng thuốc kháng sinh: SOS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO