Khèn lên man điệu…

NGUYỄN TRỌNG VĂN 14/03/2022 10:20

Thú thực khi đọc câu thơ “Khèn lên man điệu nàng e ấp” trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, tôi chưa hiểu gì nhưng khi được nghe nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà - người dân tộc Mông, cất lên tiếng khèn thì tôi giật mình: Đúng là man điệu thật.

Múa khèn ngày xuân.

Vật bất ly thân

Tôi gặp nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà lần đầu cỡ cách đây hơn chục năm. Dịp đó tôi lên Sa Pa (Lào Cai) để làm một phóng sự truyền hình về “Xứ ngàn sương” và được các anh ở Phòng Văn hóa huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) giới thiệu. Các anh đó nói: “Các nhà báo sang Trung tâm Văn hóa huyện, gặp “ông Khèn” Giàng Seo Gà là có tất tần tật những gì các nhà báo muốn”. Vậy là quen, rồi cảm mến tiếng khèn của người đàn ông Mông vẻ ngoài ít nói Giàng Seo Gà. Và từ đó tới nay hễ có dịp lên Sa Pa thì kiểu gì tôi cũng tìm đến ông. Tìm đến để được “nghe chuyện khèn” và tìm đến để được “nghe khèn”.

Nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà năm nay vẫn thế. Nghĩa là khi chúng tôi gặp nhau thăm hỏi sức khỏe xong là ông với tay lấy chiếc khèn treo trên tường xuống. Ông vuốt vuốt, lau lau, động tác y như một người đang chăm chút cho một người vậy. Chừng như xong xuôi, nghệ nhân Giàng Seo Gà cẩn thận bập môi vào ống thổi. Sau vài phút “khai vị” bằng tiếng khèn, nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà chậm rãi nói: “Cây khèn là vật bất ly thân của đàn ông con trai Mông. Lên nương cũng mang khèn. Vào rừng cũng mang khèn. Đặc biệt là đi chơi thì cây khèn chính là người bạn gắn bó”.

Theo nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà, cây khèn không chỉ là nhạc cụ “riêng biệt” của người dân tộc Mông mà còn là “vật bất ly thân” của những người đàn ông Mông. Những người con trai Mông khi sinh ra và lớn lên đều ao ước có cho mình một cây khèn. Do vậy những người đàn ông nào tự tay làm được cho mình một cây khèn thì đó là những người được các cô gái để ý. Tôi vội chen ngang: “Thế hóa ra cây khèn là để đàn ông con trai Mông lấy lòng con gái à?”. Nghệ nhân Giàng Seo Gà gật gật đầu rồi ông nhìn thẳng vào tôi quả quyết: “Trong cuộc sống của người Mông chúng tôi cây khèn là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của người Mông”.

Vậy đó, giờ tôi mới hiểu giá trị thực của cây khèn chứ không phải cách hiểu “cây khèn chỉ để tán gái” của tôi trước đó ít phút. Tôi gãi đầu ngường ngượng và cảm thấy có lỗi với suy nghĩ của mình. Nghệ nhân Giàng Seo Gà chợt cười: “Cũng có cái đúng ông ạ. Vào những dịp lễ Tết thì cây khèn được đàn ông con trai Mông đem ra trình diễn để góp vui và cũng để tìm bạn tình. Tiếng khèn khi đó không chỉ là âm thanh mà cao hơn đó là sự tài hoa, tinh tế và tấm lòng của người đàn ông con trai Mông trước những cô gái”. Ông im lặng chiêu một ngụm nước chè rồi nói tiếp “Khèn không chỉ để thổi lên mà người đàn ông con trai Mông nào giỏi là những người múa khèn hay, hát đàn hay. Cánh con gái Mông qua đó sẽ cảm mến những người tài giỏi”.

Múa khèn

Múa khèn là yêu cầu bắt buộc đối với người biểu diễn khèn Mông. Trước một người con gái hay trước một đám đông, khi đó người đàn ông con trai Mông phải bộc lộ sự tự tin, bộc lộ thái độ chân thành và bộc lộ sự khéo léo của mình. Và “múa khèn” chính là điều cần thiết. Khi thổi khèn người đàn ông con trai Mông đem cả sự say sưa của mình vào từng động tác đung đưa cùng cây khèn. Múa khèn làm tăng thêm tính sinh động, sự tinh tế của người đang biểu diễn cùng cây khèn. Động tác múa khèn không khó nhưng cái khó là người biểu diễn phải biết dựa vào giai điệu mà mình đang thổi hòa điệu cùng với không khí xung quanh tạo nên sự cuốn hút cộng đồng. Múa khèn cũng là cách lôi cuốn, rủ rê những cô gái còn đang e lệ, e ấp giấu mặt dưới vành ô sẽ “bừng đỏ đôi gò má” để rồi chính các cô sẽ chủ động vừa xoay xoay ô và nhún nhẩy chân bước vào hòa nhịp cùng người múa khèn.

Múa khèn nói riêng hay cây khèn nói chung là “đặc quyền” của người đàn ông con trai Mông. Biểu diễn khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo bởi cây khèn không chỉ để thổi mà còn để nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động mà không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn đòi hỏi cả sức khỏe vì có cả những động tác nhào lộn hay trồng chuối. Người múa khèn trong khi biểu diễn luôn có cách sáng tạo những động tác riêng của mình. Do đó múa khèn còn cho thấy người đàn ông con trai Mông đó đã cảm nhận từ thái độ tình cảm của người đang theo dõi mình mà có những động tác thể hiện bản tính của mình, thể hiện sự khéo léo của mình và thể hiện tâm tư nguyện vọng của mình.

Chính điều đó đã làm điệu múa khèn trở nên đa dạng, phong phú và mỗi người mỗi vẻ. Động tác múa khèn về cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc. Nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà cho biết thêm: “Nói như thế tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản chút nào. Vào những khi nhàn nhã hay chuẩn bị đi chơi hội thì những người đàn ông con trai Mông phải tự mình luyện tập động tác cơ bản sao cho nhuần nhuyễn. Hơn nữa phải luôn có ý thức tìm tòi để khi biểu diễn sẽ có được những sáng tạo “tại chỗ”, vừa là nhịp nối với động tác cơ bản lại vừa hòa quện với những gì đang xảy ra xung quanh. Cái quan trọng nhất là khi biểu diễn múa khèn thì người biểu diễn bao giờ cũng phải đem đến những nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi, bởi múa khèn của người Mông còn thể hiện tính gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông”.

Tác giả trao đổi với nghệ nhân Giàng Seo Gà.

Hát khèn

Tiếng khèn Mông cất lên thì đó là tâm tình, là tiếng lòng và là cả sự hun đúc từ trong tâm khảm của người biểu diễn khèn Mông. Do vậy khi ta nghe tiếng khèn dường như sẽ thấy trong từng âm thanh là những giai điệu của câu hát. Câu hát của người đàn ông con trai Mông đang ca ngợi cảnh đẹp quê hương, ta nghe trong đó có tiếng suối chảy róc rách, thấy trong đó núi rừng hùng vĩ, bầu trời bao la. Dường như tất cả những gì hiện hữu trên mảnh đất Tây Bắc đã dồn nén lại và để rồi trở thành những giai điệu ngân nga.

Khi nghe tiếng khèn vui thì người nghe sẽ có cảm giác đang được nghe một câu hát vui, cảm giác sẽ trở nên hưng phấn, trong lòng thấy rạo rực. Trái lại khi nghe tiếng khèn buồn buồn thì người nghe như đang nghe một câu hát bày tỏ nỗi lòng, bày tỏ niềm đau đáu, bày tỏ những điều chưa biết tỏ cùng ai: “Gọi em bằng tiếng khèn, sao em mải mê hát mà chẳng nghe khèn anh gọi. Trập trùng đồi núi cao, tiếng lòng anh gọi bạn, sao em mải mê hát chẳng nghe tiếng khèn anh”…

Nghệ nhân Giàng Seo Gà cho biết: “Vì là câu hát nên người điều khiển cây khèn khi cất tiếng khèn lên phải đưa ra lời hát hoàn chỉnh cho một bài hát từ chính sự ứng tác của mình. Ca từ cũng như giai điệu của bài hát ngoài yếu tố người điều khiển khèn làm chủ kỹ thuật thổi khèn ra còn phải biểu đạt được sự thông hiểu về các bài dân ca của dân tộc Mông, phải bày tỏ được trình độ cảm thụ âm nhạc của người đó. Bài hát phải phù hợp với khung cảnh, tâm trạng và được đặt vào một bối cảnh cụ thể. Có như thế thì người nghe mới có sự đồng điệu về tâm hồn mà từ đó sẽ đưa đến những tình cảm chân thật. Và quan trọng nhất là câu hát không bị yếu đi hay bị ngắt quãng khi người điều khiển cây khèn vừa hát và vừa múa. Kể cả những động tác múa phức tạp nhất thì câu hát vẫn trọn vẹn”.

Những “hình ảnh” trong lời hát mộc mạc nhưng cũng phản ánh sâu sắc tâm tư, ước nguyện vươn tới hạnh phúc vẹn tròn. Qua lời hát, tiếng khèn, họ tìm hiểu nhau và nên vợ nên chồng. Và rồi người nghe cảm thấy xúc động, cảm thấy nao nao, cảm thấy muốn được sẻ chia hay tìm cách lựa lời ủi an thông cảm. Để sau đó lòng người sẽ bao dung hơn, sẽ đồng điệu hơn. Như câu hát:“Ăn Tết xong không muốn ở chơi nữa, không muốn ăn nữa, muốn đi làm nương thế này, đưa vợ đi làm nương cùng. Mình phải đi làm nương thì mới có ăn, mình phải làm thế này thì mới được ăn”.

Ngoài kia, trời đã tan sương, thấp thoáng trên nương là những nụ đào còn sót lại. Nghệ nhân Giáng Seo Gà đứng dậy, ông vươn vai hít một hơi dài: “Tiếng khèn, câu hát chính là món ăn tinh thần luôn song hành và không bao giờ thiếu vắng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của người Mông chúng tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khèn lên man điệu…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO