Khi cán bộ Mặt trận tham gia giải phóng mặt bằng các siêu dự án - Bài 2: Đối mặt với những khó khăn

HẠNH NGUYÊN - HÀ VY - ĐẶNG SƠN 18/12/2022 07:00

Những cán bộ Mặt trận kỳ cựu ở “cửa ngõ” phía Nam Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận định, tuyên truyền, vận động đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất trong những nhiệm vụ cán bộ Mặt trận gánh vác. Và bài toán khó tìm lời giải nhất trong công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng là tạo sự đồng thuận.

Cán bộ Mặt trận ở thị xã Kỳ Anh tham gia tích cực tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng.

Tìm cách hóa giải bức xúc

Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, cán bộ Mặt trận các cấp ở thị xã Kỳ Anh lắng nghe người dân nói, thấu hiểu nỗi lòng người dân, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để giải quyết thấu đáo, hóa giải mâu thuẫn của người dân.

Từ chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Bẹ - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Kỳ Anh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” là sáng kiến kinh nghiệm được ông Bẹ đúc rút từ quá trình tuyên truyền, vận động GPMB dự án của Formosa.

Ông Bẹ kể, thời điểm ông đang làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện (năm 2010) rồi chuyển sang Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh (năm 2011), khi được phân công về “nằm vùng” để tuyên truyền, vận động GPMB dự án Formosa, vợ ông đã rất lo lắng. “Vợ tôi biết về đó khó khăn, phức tạp nên lo lắng lắm”, ông Bẹ nói.

Ông Võ Xuân Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Lợi tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh nhận định, đây là dự án chưa có tiền lệ. Trước đó, người dân Kỳ Anh chưa bao giờ phải di dời, tái định cư nên rất hoang mang. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải tập trung tuyên truyền, vận động, thành lập ra ban tuyên truyền, vận động riêng. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, giáo viên… từ huyện đến xã, thôn đều được huy động tham gia vận động.

Làm công tác tuyên truyền, vận động đền bù GPMB cũng có những cám dỗ về vật chất nhưng với bản lĩnh vững vàng, cán bộ Mặt trận ở thị xã Kỳ Anh đều vượt qua.

“Chiến lược khi đó là yêu cầu cán bộ, đảng viên nhận đền bù trước. Thậm chí cán bộ, đảng viên phải đăng ký, nhận tiền trộm vì nếu đăng ký, nhận tiền công khai sẽ bị cô lập. Thời kỳ tôi về vận động mới có 53 hộ nhận tiền đền bù (chủ yếu là cán bộ, đảng viên) trên tổng số hơn 2.500 hộ”, ông Bẹ nhớ lại.

Vướng mắc lớn nhất của GPMB, hỗ trợ tái định cư dự án Formosa nằm ở xã Kỳ Lợi. Dân ở đây thiệt thòi hơn cả so với 3 xã khác. Để có phương án di dời tốt nhất, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh tổ chức “cuộc họp Diên Hồng” để ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân Kỳ Lợi. Từ kết quả cuộc họp và với sự giúp sức của cộng sự, ông Hoàng Văn Bẹ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Anh ban hành nghị quyết chuyên đề về việc đền bù, GPMB, đưa ra giải pháp để giúp dân an cư ở các khu tái định cư. Nghị quyết 28 ra đời đã hóa giải tất cả khó khăn, bất cập trong việc đền bù, GPMB, hỗ trợ tái định cư cho người dân vùng dự án, trọng tâm là nhân dân Kỳ Lợi.

Với việc tuyên truyền, vận động thần tốc, ngày 1/10/2010, Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đó là kết quả của 2 năm bền bỉ tuyên truyền, vận động với những cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh.

Nghị quyết 28 là một trong những “quyết sách" được lòng dân việc nhất mà cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Anh lúc đó ban hành đã hóa giải được những bức xúc của người dân.

Ông Dương Xuân Liệu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Kỳ Thịnh cho rằng, nhờ “dân vận khéo” nên người dân phường Kỳ Thịnh rất đồng thuận khi dự án đường dẫn 500kv đi qua khu dân cư.

Biến nguy thành an

Thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng, là nơi hội tụ của những dự án trọng điểm của tỉnh, quốc gia, vận động GPMB, tổ chức tái định ở đây diễn ra thường xuyên, liên tục. Công việc của những người “vác tù và hàng tổng” - cán bộ Mặt trận - cũng phải xoay quanh nhiệm vụ khó khăn đó.

Nhớ lại những ngày “nằm vùng” ở các điểm nóng để vận động GPMB dự án của Formosa, ông Võ Xuân Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) từng đối mặt với những vụ việc người dân bị kích động. “Có thời điểm chúng tôi đến nhiều quá nên dân có những phản ứng tiêu cực”, ông Thành kể.

Khó khăn, phức tạp là vậy nhưng cán bộ Mặt trận chưa bao giờ chùn bước. “Cái khó ló cái khôn”, những lúc lăn lộn ở cơ sở, đối mặt với những hiểm nguy đã trang bị cho cán bộ Mặt trận nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ Mặt trận biến nguy thành an.

Theo ông Võ Xuân Thành, vận động GPMB phải linh hoạt, trang bị đầy đủ kiến thức, “nói có sách, mách có chứng”, trong tay lúc nào cũng chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết để khi dân hỏi, dân thắc mắc thì trưng ra cho người dân xem. Kỹ năng tuyên truyền, vận động phải nhuần nhuyễn, không chỉ thực hiện “mưa dầm thấm lâu” mà phải biết “mềm nắn, rắn buông”.

Ông Hoàng Văn Bẹ - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Kỳ Anh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Anh.

Đối với “ông Mặt trận” Dương Xuân Liệu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, điều cần nhất là thời gian. Nhiều lúc ông đi vận động GPMB mà quên mất vợ, con ở nhà vẫn chờ cơm. Ông chỉ ước mỗi ngày không chỉ có 24 tiếng. “Vợ con tôi quen với cảnh tôi về muộn giờ cơm rồi”, ông Liệu nói.

Trưởng thành từ cơ sở, từ “đại công trường Formosa”, các cán bộ Mặt trận như ông Võ Xuân Thành, ông Dương Xuân Liệu nói riêng và đội ngũ cán bộ Mặt trận ở thị xã Kỳ Anh nói chung đã “dắt lưng” nhiều kinh nghiệm để từng bước “chinh phục” các thử thách trong tuyên truyền, vận động, giám sát công tác đền bù, GPMB, tái định cư các dự án trọng điểm quốc gia khác như: Nhà máy Nhiệt điện 2, cao tốc Bắc - Nam, Đường dây 500 KV…

Theo ông Võ Xuân Thành, gần đây, việc vận động nhận đền bù, GPMB của xã Kỳ Lợi tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện 2 và Đường dây 500 khá căng thẳng. Toàn xã có 7 hộ phải di dời tái định cư, 257 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, di dời hơn 3.000 ngôi mộ… Tuy nhiên, nhờ dân vận khéo, hiện nay xã Kỳ Lợi đã bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, 2 dự án “khủng” này đã và đang triển khai đảm bảo tiến độ, người dân yên tâm lao động, sản xuất.

(Còn nữa)

Từ khi thành lập thị xã Kỳ Anh (năm 2015) đến nay, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh đã triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB 158 dự án (trong đó có 43 dự án chuyển tiếp từ huyện Kỳ Anh), với tổng diện tích phải thu hồi 968 ha. Tổng số lượt hộ bị ảnh hưởng 9.986 hộ; phải cấp tái định cư cho 1.012 hộ; có 3.415 ngôi mộ, 20 nhà thờ họ, 5 đền chùa, 2 nhà thờ tôn giáo bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ cách tuyên truyền, vận động, dân vận khéo huyện Kỳ Anh đã bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đảm bảo tiến độ dự án, đồng thời hỗ trợ tái định cư, để người dân ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cán bộ Mặt trận tham gia giải phóng mặt bằng các siêu dự án - Bài 2: Đối mặt với những khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO