Khi đồng bào dân tộc cùng làm hợp tác xã

Quỳnh Anh 05/12/2022 10:00

Vốn quen phương thức làm ăn tự phát, nhỏ lẻ, nhưng thời gian qua bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chuyển sang mô hình hợp tác xã. Nhờ đó nơi vốn là vùng đất khó đã vươn lên mạnh mẽ.

Hợp tác xã đang góp phần giúp tỉnh Điện Biên xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Tú Lâm.

Vì sao bà con vẫn làm ăn manh mún?

Điện Biên vốn là tỉnh nghèo. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Điện Biên là 44,6%. Việc giảm nghèo luôn là vấn đề cấp thiết và cần các giải pháp tổng lực. Bà con các dân tộc Điện Biên vốn có thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Điều đó khiến cho sản phẩm không có thương hiệu, khó tiêu thụ, khó tiếp cận khoa học, kỹ thuật. Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong điều kiện dân trí còn thấp, thiếu các nhà đầu tư lớn là liên kết trong những mô hình làm ăn tập thể, như các mô hình Tổ hợp tác, HTX. Ban đầu bà con còn e ngại khi phải liên kết nhưng dần dần, bà con đã hiểu, muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu thì phải hỗ trợ lẫn nhau.

Huyện Tuần Giáo là một điển hình của phát triển HTX. Năm 2015, ông Quàng Văn Trịnh, dân tộc Thái, bản Minh Thắng, xã Quài Nưa cùng một số người dân trong xã đã thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ giống nông - lâm nghiệp. Mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống bò sinh sản, trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp... Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã thu hút trên 20 thành viên tham gia mô hình dịch vụ giống nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hình thức nuôi nhốt, trồng cà phê, mắc ca... Hiện các hộ gia đình trong HTX đã trồng 17ha cà phê, 5.000m2 mắc ca.

Để duy trì và phát huy hiệu quả, hàng năm HTX đã cử các xã viên tham gia tập huấn, học nghề do huyện, xã tổ chức; định kỳ hàng tháng HTX tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, phương thức sản xuất mới, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, tìm đầu ra cho sản phẩm... Đến nay, trung bình mỗi xã viên thu về từ 80 - 300 triệu đồng/năm HTX tạo việc làm cho hơn 30 lao động.

Lợi ích khi tham gia hợp tác xã

Anh Quàng Văn Lợi, xã viên HTX cho biết: “Từ khi tham gia HTX, tôi đã được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, lựa chọn cách thức sản xuất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Tại các buổi sinh hoạt, mọi người cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi, trồng và chế biến thức ăn nên đàn vật nuôi phát triển rất tốt, ít dịch bệnh hơn. Nhất là xã viên hoàn toàn yên tâm sản xuất vì đầu ra đã được bảo đảm, xuất bán với giá thành cao”. Toàn huyện hiện có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt trên 1,1 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 130 triệu đồng/năm.

Còn tại huyện Mường Chà, các HTX lựa chọn chăn nuôi đại gia súc, trồng dứa... Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, bà con bắt đầu tham gia vào hợp tác. HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên là một thí dụ. HTX liên kết với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Ðiện Biên chất lượng cao. Khi gia nhập mô hình, HTX hướng dẫn người dân cách xử lý đất đai trước khi gieo trồng theo đúng kỹ thuật. Sau đó, HTX sẽ phân vùng sản xuất cho phù hợp với điều kiện đất và nước ở từng khu vực và tiến hành cấp giống. Người dân đăng ký tham gia sản xuất theo mô hình HTX phải sử dụng giống lúa do HTX cung cấp. Các bước gieo trồng và chăm sóc cũng tuân thủ đúng quy trình. Khi lúa chín, HTX sẽ đưa máy móc tới thu hoạch và cân mua thóc của người dân ngay tại cánh đồng. Nhờ vậy, HTX kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đảm bảo chất lượng trên từng hạt gạo còn người dân hết sức phấn khởi, đua nhau đăng ký tham gia...

Từ những thành quả này, tỉnh Điện Biên phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm bình quân 20 tổ hợp tác, 22 HTX, trong đó số HTX nông nghiệp chiếm khoảng 75%. Quy mô vốn của HTX bình quân đạt 2.440 triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 1.766 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 192 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên và lao động thường xuyên trong HTX đạt 58 triệu đồng/người/năm...

Hoạt động của HTX đang góp phần giúp Điện Biên đổi mới. Trong năm 2021, tỉnh Điện Biên có 6.680 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76%. Điện Biên đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 18,9% năm 2025.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Điện Biên có 284 HTX với 10.570 thành viên. Trong đó, có 197 HTX nông nghiệp, 41 Hợp tác xã công thương, còn lại là các HTX sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi đồng bào dân tộc cùng làm hợp tác xã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO