Khi lòng dân đồng thuận

PHƯƠNG NGUYÊN 28/05/2023 08:55

So với nhiều địa phương khác, Hải Dương có không ít hạn chế khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng hiện nay, Hải Dương là tỉnh thứ 5 trên cả nước hoàn thành các tiêu chí xây dựng tỉnh NTM. Một trong những bí quyết của Hải Dương đó là sự đồng thuận trong huy động sức dân vào công cuộc chung, nhằm tạo một cuộc đổi mới trong phát triển nông thôn. Và để có được điều đó, một phần là nhờ hoạt động tích cực của cán bộ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể.

Sản xuất hàng hóa tập trung góp phần đưa xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Hải Dương vừa được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận tỉnh đạt chuẩn NTM. Nhìn lại thời điểm mới bắt tay vào xây dựng NTM, có những điều không ai hình dung là Hải Dương sẽ thực hiện được. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đạt bình quân 6, 7 tiêu chí/xã. Vậy mà chỉ hơn 10 năm, 100% các xã đã đạt chuẩn NTM; 43/178 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong giai đoạn 2011-2021, tổng kinh phí để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh là 58.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách chỉ chiếm 20,1%, còn lại gần 80% là nguồn vốn đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của doanh nghiệp. Sức mạnh của cộng đồng đã thực sự tạo nên một cuộc “cách mạng” ở nông thôn Hải Dương. Trong thành công chung ấy, không thể không nhắc đến vai trò của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” của Mặt trận. Cuộc vận động đã có tác động rất lớn để gắn kết, huy động sức mạnh của cộng đồng.

Triển khai xây dựng NTM, MTTQ tỉnh Hải Dương xác định rất rõ nhiệm vụ xây dựng NTM bắt đầu từ cơ sở nên đã tập trung triển khai vận động, tuyên truyền ngay từ cấp cơ sở, nhấn mạnh vai trò Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư. Ngoài ra, MTTQ còn phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM cùng cấp ở các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để giúp cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng NTM. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân và trong cộng đồng thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Giang cho biết: “Để thực hiện tốt cuộc vận động này, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương cũng như mục đích của chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Trong đó, người dân là chủ thể tham gia trực tiếp và cùng là người hưởng thụ. Từ đó, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng NTM”.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như để nhân dân thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của mình, các Ban Công tác Mặt trận trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp dân ở các khu dân cư để nhân dân bàn bạc, góp ý kiến vào dự thảo các đề án quy hoạch NTM, tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng…

Cùng với đó, MTTQ tỉnh cũng chỉ đạo MTTQ các cấp thành lập các mô hình tự quản ở khu dân cư như mô hình tự quản về an ninh trật tự, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang… Qua triển khai thực hiện cho thấy các mô hình tự quản này đã phát huy hiệu quả. Tại các thôn, khu dân cư khi thực hiện mô hình tự quản, tình hình an ninh, chính trị được giữ vững, đời sống được nâng lên. Các địa phương, đơn vị đều được giữ vững danh hiệu làng văn hóa, làng an toàn, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Vạn, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ cho biết: “Thôn Vạn chúng tôi có vị trí địa lý phức tạp, nhiều người ở địa phương khác thường xuyên đến gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, chúng tôi đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và báo cáo lên xã để thành lập tổ tự quản an ninh trật tự và có tiếng kẻng an ninh để duy trì, giữ vững an ninh tại địa phương. Đây cũng là cầu nối để mọi người dân trong thôn cùng làm tốt an ninh trật tự tại địa phương".

Huyện Nam Sách vốn là địa bàn kinh tế còn khó khăn của Hải Dương nhưng huyện đã nhanh chóng trở thành điểm sáng xây dựng NTM. Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM, MTTQ các cấp trong huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, vận động được huyện triển khai sâu rộng, được tổ chức ở tất cả địa bàn dân cư, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia.

Ông Nguyễn Đình Dũng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Sách cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống MTTQ trên địa bàn huyện đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân đồng tình ủng hộ tham gia xây dựng NTM. Cùng với đó, Mặt trận đã phát động các mô hình, các phong trào thi đua để xây dựng NTM. Với những kết quả đã đạt được thì vai trò của MTTQ trong giám sát và phản biện xã hội cũng được nâng lên. Qua giám sát, Mặt trận đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những đề nghị, kiến nghị của người dân và qua việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân cũng đã được bà con đồng tình, ủng hộ rất cao.

Hoàn thành tiêu chí tỉnh NTM không có nghĩa việc xây dựng NTM kết thúc. Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, có 107 xã, chiếm 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 36 xã, chiếm 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chặng đường mới, với những thách thức mới vẫn sẽ luôn đòi hỏi những nỗ lực mới của những người làm Mặt trận trong tập hợp, vận động nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi lòng dân đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO