Khi nào Covid-19 được coi là 'bệnh lưu hành'?

H.Vũ (thực hiện) 14/03/2022 07:00

Từ 15/3, Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch. Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, bao giờ có thể coi Covid-19 là bệnh thông thường? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, cần vài tháng nữa mới có thể chuyển đổi sang trạng thái bình thường và coi Covid-19 như là bệnh thông thường.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Đang trong giai đoạn chuyển đổi

PV: Thưa ông, hiện nhiều nước đã chuyển sang trạng thái bình thường và coi Covid - 19 là bệnh thông thường. Với tình hình thực tế hiện nay, theo ông, đã đến lúc Việt Nam coi Covid-19 như bệnh thông thường chưa?

PGS.TS Lê Huy Nga: Hiện nay, ở nước ta số ca mắc Covid-19 hàng ngày vẫn lớn, mỗi ngày hơn 100 nghìn ca, nhiều người phải điều trị ở bệnh viện và vẫn có khá nhiều ca tử vong. Hiện chúng ta vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi. Do đó một thời gian nữa Việt Nam mới có thể coi Covid -19 là bệnh thông thường. Một số nước đã coi Covid - 19 như cúm mùa là bởi độ “bao phủ” đã lớn, gần như tất cả người dân đã mắc bệnh và như vậy là đã có miễn dịch cộng đồng. Khi đã đạt miễn dịch cao thì việc mở cửa hoàn toàn và coi là “bệnh lưu hành” cũng là điều tất yếu.

Ở Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều đối tượng chưa tiêm và chưa tiêm đủ đó là trẻ em và người cao tuổi. Vì vậy có lẽ phải cần vài tháng nữa mới có thể chuyển đổi. Và việc chuyển đổi cũng phải từng bước một. Vì thế người dân vẫn phải thực hiện nghiêm túc 5K. Hiện tại một số nước, người dân đã bắt đầu loại bỏ khẩu trang. Nhưng với Việt Nam, chúng ta chưa thể thực hiện được điều này khi mà số ca mắc mới vẫn cao, vẫn còn ca tử vong và ca bệnh nặng…

Với những diễn biến thời gian qua, theo ông, thay vì việc thông báo số ca mắc trong ngày, chúng ta có nên tập trung vào những ca chuyển nặng để tập trung cứu chữa?

- Điều này là hợp lý. Thứ nhất số ca mắc mới như thông báo chỉ là tương đối, không chính xác. Trước đây mỗi ca mắc mới là chúng ta tập trung truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm PCR. Đó là lúc dịch đang còn ít, hiện tại dịch đã lây lan trong cộng đồng thì ngành y tế chỉ nên theo dõi trong ngành, chứ không nên công bố nữa. Thay vào đó, cần dồn sức để tập trung chữa những ca bệnh nặng. Nhân dân tập trung vào cuộc sống bình thường, tập trung vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Đừng ngày ngày chỉ lên mạng “đếm số ca”.

F0 có thể đi làm, nếu đáp ứng đủ điều kiện chống dịch

Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid - 19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Hiện đã có một số địa phương cho F0 đi làm. Vậy giải pháp để F0, F1 đi làm trực tiếp có khả thi?

- Thực tế hiện nay có nhiều người mắc Covid-19 nhưng cũng không biết mình mắc vì họ không có triệu chứng. Và hàng ngày họ vẫn đi làm bình thường. Nhiều người là F0 nhưng họ có nguyện vọng đi làm để duy trì thu nhập, mưu sinh. Chủng Omicron là thể nhẹ, nhiều người có triệu chứng nhẹ nên cũng không hề biết mình đã mắc Covid -19. Cho nên nếu người dân biết mình là F0, F1 thì cần phải chủ động trong phòng, chống dịch, như vậy việc F0, F1 đi làm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cũng là hợp lý.

Bởi vậy, quan điểm của tôi là F0, F1 vẫn có thể đi làm nếu chỗ làm đáp ứng được việc phòng, chống dịch bệnh.

Số ca mắc tăng cao nhưng chủ yếu là thể nhẹ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đầu tư mạnh hơn cho y tế cơ sở để có thể chữa bệnh tại cơ sở, ông nghĩ sao?

- Dịch bệnh bùng phát càng cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở. Chúng ta nên chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở hơn nữa, và cần có kế hoạch từ nhân lực cho đến trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần có chế độ làm việc, lương hợp lý cho cán bộ y tế tại cơ sở. Chứ máy móc không có, điều kiện làm việc không có, lương thấp thì sao phát huy được y tế cơ sở.

Hiện số lượng tái nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng rất nhanh tại TP Hồ Chí Minh, làm dấy lên trong dư luận lo ngại về sự bùng phát mạnh, điều này liệu có thể xảy ra không thưa ông?

- Trước kia nhiều người ở TP Hồ Chí Minh bị nhiễm chủng Delta. Giờ xuất hiện thêm chủng Omicron thì có thể bị tái nhiễm trở lại. Tuy nhiên mức độ nhẹ hơn trước rất nhiều. Thậm chí có người bị rồi còn không hề biết. Nếu trung bình mỗi ngày ở Hà Nội có hơn 30.000 ca mắc mới, thì trong vòng chỉ hơn một tháng tới, gần như tất cả người dân sẽ mắc F0, như vậy sẽ tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc tái nhiễm là có, do đó người dân vẫn cần thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, 5K. Tuyệt đối không nên chủ quan.

Không phải ai cũng bị hậu Covid-19

Vừa qua xảy ra tình trạng người dân ồ ạt thực hiện xét nghiệm nhanh và xét nghiệp PCR. Việc này có nên không thưa ông?

- Đây là vấn đề báo chí cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Nếu không có triệu chứng thì không nên xét nghiệm. Như thế sẽ rất tốn kém, lãng phí và tạo cơ hội cho một số đối tượng trục lợi, cố tình đẩy giá kit test (xét nghiệm nhanh) lên cao. Chúng ta chỉ nên xét nghiệm khi có triệu chứng hay tiếp xúc với người là F0, tuyệt đối không nên xét nghiệm tràn lan, vừa lãng phí vừa không mang lại hiệu quả gì. Đó còn chưa kể nhiều người tìm mua thuốc kháng virus từ nước ngoài với giá cao. Như vậy là hoàn toàn sai lầm, bởi uống thuốc cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Trong khi đa phần người dân đã được tiêm và nếu chẳng may có mắc thì cũng ở thể nhẹ. Việc uống thuốc “theo phong trào” chỉ bộc lộ sự kém hiểu biết. Từ đó tạo điều kiện cho đối tượng trục lợi đẩy giá.

Ông có khuyến cáo gì với người dân, nhất là những người lo ngại bị hậu Covid-19, thưa ông?

- Thực tế hậu Covid-19 không quá đáng sợ. Hiện có một số phòng khám mở ra để “chữa bệnh hậu Covid-19”. Rõ ràng đây là một kiểu trục lợi. Thời điểm này, chúng ta cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về sức khỏe, những việc cần làm cho sức khỏe của mình. Hiện tôi thấy cái gì cũng hậu Covid như: mở phòng khám hậu Covid-19, tư vấn hậu Covid-19. Thực tế không phải ai cũng bị hậu Covid-19. Người dân nên bình tĩnh lắng nghe cơ thể mình, chỉ khi nào có triệu chứng bất thường như: khó thở, ho kéo dài thì mới đi khám, không phải hơi đau đầu, hơi húng hắng ho là đã nghĩ mình bị hậu Covid-19 rồi cấp tập đi khám.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nào Covid-19 được coi là 'bệnh lưu hành'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO