Khi trẻ tăng động

Thanh Thảo 02/07/2017 08:05

Phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường bị cho rằng nghịch ngợm quá mức chứ không được hiểu rằng các em bị bệnh. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn cảm thấy vui mừng khi con mình hiếu động và cho đó là biểu hiện của sự lanh lợi. Thế nhưng, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo với các biểu hiện như vậy có thể trẻ đang mắc chứng rối loạn tăng động. Trẻ mắc bệnh này dễ gây ra các hành vi phạm tội trong tương lai.

Tranh minh họa.

Khác với lanh lợi, hiếu động

Một buổi đến trường đón con tập thể thao, thấy con và mấy bạn gái đang bị một bạn trại cùng lớp trêu ghẹo. Bạn này lúc thì giật túi trên lưng các bạn xuống, lúc lại lấy vợt cầu lông gõ lên đầu bạn. Một lúc lại thấy cu cậu nhảy chân sáo loanh quanh, chọc phá các bạn khác…

Tóm lại là luôn chân, luôn tay, không ngưng nghỉ. Khi mẹ đến đón, leo lên xe mẹ rồi mà vẫn còn quờ tay cấu véo bạn này, bạn kia. Vài lần sau, vẫn thấy bạn trai này có biểu hiện nghịch quá mức như vậy.

Chia sẻ với một vài phụ huynh cùng đón con, mẹ bạn này cho biết: Trước thấy cháu hoạt động chân tay liên tục thì mình nghĩ là cháu nó hoạt bát, khỏe mạnh. Giờ đến lớp 5 rồi vẫn thấy cháu như vậy. Tuy nhiên, càng ngày cháu càng có những biểu hiện quá khích như nổi giận vô cớ, hay đánh bạn, thỉnh thoảng thấy thái độ căng thẳng. Đi khám các bác sĩ nhận định cháu thuộc dạng tăng động, giảm chú ý.

Theo TS.BS Lê Thị Khánh Vân- Phó trưởng Khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 2 (TP HCM) hiện có khoảng 100 trường hợp trẻ mắc các rối loạn tăng động giảm chú ý đang được điều trị tại khoa này. BS Lê Thị Khánh Vân cũng cho biết, đây là một bệnh lý tâm thần kinh gây ra rối loạn về giao tiếp, hành vi, cảm xúc. Tăng động giảm chú ý thường gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này cũng như các tác hại của nó, dễ lầm tưởng với sự hiếu động nên không có biện pháp can thiệp kịp thời. Trẻ mắc hội chứng này cần được can thiệp điều trị lúc 4 - 5 tuổi, trước khi trẻ đến trường, để không ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Theo thống kê của BV Nhi đồng 2, số trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý hiện chiếm khoảng 20% trong tổng số trẻ mắc các bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh khám tại BV. Còn tại BV Nhi đồng 1, mỗi tháng cũng tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến điều trị căn bệnh này.

Theo một số nghiên cứu riêng lẻ tại các địa phương, có khoảng 6%-7% trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý trong tổng số trẻ em trên cả nước. “Nếu so sánh với 10 năm trước thì số lượng trẻ mắc bệnh đang gia tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự gia tăng này một phần là do sự hiểu biết, kiến thức khoa học của các bác sĩ ngày càng cao hơn, phụ huynh cũng nhận thức rõ hơn về bệnh nên đưa trẻ đi khám nhiều hơn trước”- bác sĩ Khánh Vân cho hay.

Theo BS Lê Thị Khánh Vân, bệnh tăng động khiến trẻ có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển lòng tự trọng, thành tích học tập ở trường kém và gặp rắc rối trong các mối quan hệ khiến cuộc sống của trẻ gặp khó khăn. Ví dụ, trong lớp, có thể dẫn đến thành tích học tập kém và chịu sự chế giễu hay trách mắng từ bạn học và người lớn. Chính vì sự tăng động nên trẻ dễ bị tai nạn và thương tích nhiều hơn so với trẻ khác.

Do tổn thương bẩm sinh về di truyền và cấu trúc

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) là một rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ và thường tồn tại đến tận tuổi trưởng thành. Theo Tổ chức Y tế thế giới, 3-10% các cháu tuổi học đường mắc ADHD. Hiện, ở Việt Nam chưa có con số thống kê trên toàn quốc. Riêng ở Hà Nội, qua kết quả điều tra của BV Tâm thần Hà Hội tại 8 trường thì 6,5% các cháu tuổi học đường mắc ADHD, trong đó tập trung nhiều ở cấp 1 và tỉ lệ nam gấp 2-3 lần nữ.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, BS cao cấp Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội cho biết: Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường có những biểu hiện như: Chạy lăng xăng suốt ngày, không tập trung, di chuyển sự chú ý liên tục, tay chân loáy hoáy liên tục, nói không ngừng, vận động như có gắn động cơ mà không biết mệt. Bên cạnh đó, trẻ thường nói quá nhiều, cắt ngang hoặc xen vào cuộc nói chuyện hoặc trò chơi của người khác; gặp khó khăn trong việc chờ đợi.

ADHD thường gặp ở nam giới hơn ở nữ giới, các biểu hiện hành vi cũng có thể khác nhau giữa nam và nữ. Ví dụ, các bé trai có thể có hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý một cách lặng lẽ. Vì vậy, trẻ gần như khó tham gia vào các trò chơi, hoạt động nhóm và khó hòa nhập trong môi trường tập thể. Quá trình tiến triển của ADHD rất phong phú. Các triệu chứng biểu hiện dai dẳng, có thể kéo dài tới tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành chiếm khoảng 50% các trường hợp. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng.

Còn các chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là do những tổn thương nguyên phát bẩm sinh về di truyền và cấu trúc. Bên cạnh đó, do tác động của môi trường, hoàn cảnh như: chấn động tâm lý, xung đột, căng thẳng quá mức trong gia đình, học tập… khiến trẻ bị tổn thương và gây ra rối loạn hành vi. Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường trở thành những đứa trẻ cá biệt, ảnh hưởng đến thành tích học tập.

Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nguy hiểm hơn là trẻ tăng động có thể đi kèm với xung động, dễ dẫn đến hành vi tấn công, gây hấn với bạn bè, với những người xung quanh một cách vô cớ. “Một số trẻ có biểu hiện xung động, dễ nổi nóng, gây hấn với người xung quanh, những biểu hiện đó có thể bùng phát lên hành vi xung đột, chống đối căng thẳng và có thể gây ra những hậu quả khôn lường”- BS Khánh Vân cảnh báo.

BS Phạm Minh Triết- Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1 cũng cho rằng, trẻ tăng động thường có xu hướng chống đối, có hành vi bạo lực với những gì trẻ không thích. Người lớn thường la mắng trẻ tăng động, do vậy trẻ dễ có xu hướng tìm đến các bạn bè cá biệt như mình và có hành vi xấu. Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao trở nên lạm dụng rượu và ma túy cũng như các hành vi phạm pháp khác.

Do vậy, các BS khuyến cáo, khi phụ huynh thấy trẻ có những biểu hiện mắc chứng rối loạn tăng động, nên đưa đến BV để được can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc, gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Bởi đây là một căn bệnh rối loạn mãn tính, cần thời gian điều trị lâu dài nên rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường. Phụ huynh tuyệt đối không nên phạt, la mắng, dùng bạo lực với trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động, mà cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn uốn nắn, giúp trẻ điều chỉnh hành vi.

Theo BS cao cấp Lý Trần Tình, việc phòng bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) không đơn giản vì nguyên nhân chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền nhưng chúng ta cũng có thể phòng ngừa bằng cách tránh những yếu tố nguy cơ như đảm bảo an toàn sinh nở, phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc uống rượu khi mang thai, tránh tiếp xúc với các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, không sử dụng các phẩm màu thực phẩm gây độc hại. Hạn chế trẻ tiếp xúc nhiều với màn ảnh. Không cho trẻ em xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá nhiều trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi trẻ tăng động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO