Khó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Khanh Lê 22/10/2022 08:00

Mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, từ thí điểm tới việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn do chủ đầu tư không mặn mà.

75% thực phẩm hiện nay đi qua các chợ truyền thống, từ đầu mối đến chợ dân sinh.

Triển khai chương trình nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình thí điểm, nhân rộng bằng nguồn vốn từ tài trợ quốc tế hay từ ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa huy động từ tiểu thương, hoặc từ hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhờ đó, trên cả nước hiện nay đã có hàng trăm mô hình chợ an toàn thực phẩm theo mô hình thí điểm. Tuy nhiên, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm không dễ, nhất là ở khu chợ ở vùng nông thôn.

“Phần lớn tiểu thương tại chợ lấy nguồn hàng từ chợ đầu mối hoặc là từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương, vì vậy công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm hàng này không đơn giản”, bà Nga nói.

Tại tọa đàm tìm giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm mới đây, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho biết, hiện nhiều người dân trên địa bàn vẫn chưa quan tâm nhiều tới an toàn thực phẩm. Chính vì vậy việc thay đổi nhận thức của họ là một trong những vấn đề khó nhất. Ngoài ra, một số cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa chợ hạn hẹp. Đặc biệt, các tiểu thương và những người được giao nhiệm vụ quản lý chợ chưa mặn mà trong việc nhân rộng mô hình quản lý chợ này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Luân - Phó Tổng giám đốc Hợp tác xã Hải An, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Phát triển chợ Việt Nam cho rằng, những chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là do các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, vì vậy, chưa nhìn thấy được sự thống nhất, chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, phát triển chợ.

Việt Nam hiện có 8.549 chợ truyền thống (số liệu cập nhật đến cuối tháng 12/2021). Trong số đó có đến 80% chợ ở khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng ba, tức là chợ dân sinh quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất còn rất kém và nguồn vốn để đầu tư cho chợ truyền thống thì cũng rất khó thu hút. Trong khi đó có tới 75% thực phẩm vẫn đi qua các chợ truyền thống, từ đầu mối cho đến chợ dân sinh. Vì vậy, xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm được nhìn nhận là việc vô cùng quan trọng.

“Để thúc đẩy phát triển mô hình này, cần có đầu tư cơ sở vật chất, chợ phải có các hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải và thiết kế đầy đủ vệ sinh. Vấn đề thứ hai là yếu tố về công tác kiểm soát nguồn hàng, xây dựng vùng trồng nguyên liệu, vùng chăn nuôi hay là giết mổ theo chuỗi” - ông Luân đề xuất.

Còn theo bà Lê Việt Nga, các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm. Theo đó, có 40 địa phương sẽ được nhận nguồn ngân sách từ Trung ương cho việc đầu tư hạ tầng chợ. Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn về nội dung, địa phương nào được nhận bao nhiêu chợ xây dựng mới, bao nhiêu chợ được cải tạo theo đúng nhu cầu…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO