An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là yếu tố quan trọng để các sản phẩm sản xuất trong nước giữ vững “sân nhà”. Giới chuyên gia nhận định, việc nâng cao ATVSTP ngay tại thị trường trong nước sẽ tạo dựng được lòng tin cho người tiêu dùng, từ đó tạo uy tín, nâng sức cạnh tranh ở thị trường thế giới.
Vẫn nóng tình trạng thực phẩm bẩn
Người mua không rõ được chất lượng, ATVSTP, người bán thì mù mờ, nhập nhằng trong việc cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đó câu chuyện thường nhật trong mối quan hệ giữa người cung ứng sản phẩm và người mua sản phẩm hiện nay.
Một số cửa hàng ăn uống thường mua những thực phẩm rẻ tiền, thậm chí đã quá hạn sử dụng, đôi khi cả các nguyên liệu loại 3, loại 4.
“Người tiêu dùng muốn mua hàng giá bình dân thì nguyên liệu chúng tôi lấy chỉ ở thứ hạng thấp thôi. Tiền nào của đấy” - chủ một quán bán hàng ăn ở trên phố Lương Định Của (Hà Nội) phân trần.
Đây là một thực tế mà hiện nay, bản thân người mua hàng sẽ không thể biết được sản phẩm mình mua về chất lượng đến đâu, vấn đề ATVSTP ra sao vì không thể kiểm chứng được bằng mắt thường.
Trao đổi về vấn đề ATVSTP, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông tin, theo chủ trương của Nhà nước thực hiện tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng có những bất cập, đó là khi phát hiện các hành vi vi phạm về ATVSTP, sản phẩm đã đưa ra thị trường với số lượng lớn, việc thu hồi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.
Theo ông Lê, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về ATVSTP rất nghiêm trọng gây nguy hại trực tiếp cho người tiêu dùng.
“Đặc biệt trong những thời điểm gián đoạn cung ứng, nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng hay thực phẩm giả mạo đã gia tăng. Hơn nữa, khi thương mại điện tử phát triển, người mua bán không gặp nhau khiến nhiều người tiêu dùng ít nhiều đã mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng” - ông Lê chỉ rõ.
Hành vi vi phạm ATVSTP như phân tích của ông Lê là do các tổ chức, cá nhân tìm kiếm lợi nhuận bất chính từ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Theo ông Lê, ở đây, vấn đề về trách nhiệm không phải chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn về cả phía các DN, người tiêu dùng.
Nếu tất cả đều làm tốt trách nhiệm của mình, thì chắc chắn các tổ chức, cá nhân muốn thu lợi bất chính từ việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn... sẽ không thể tồn tại.
Thời gian qua, những sự vụ liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được vận chuyển, bày bán trên thị trường đã được báo chí phát hiện. Hay hàng loạt các vụ việc về các lô hàng thực phẩm bẩn như: chân gà, cánh gà nhập lậu, gà chết, thịt lợn đã nấm mốc, bốc mùi hôi thối bị cơ quan quản lý bắt giữ tiếp tục là minh chứng cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Dư luận chưa quên trong năm 2021, những khiếu nại tập trung về ATVSTP liên đến các sản phẩm về sữa, khi người tiêu dùng mua hàng về sử dụng sản phẩm sữa đã bị phồng hay quá hạn sử dụng, bị ẩm mốc…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã hướng dẫn người tiêu dùng ghi lại thông tin bằng chứng chứng, đồng thời chủ đồng liên hệ DN rà soát, thu hồi sản phẩm đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, Cục thường xuyên tiếp nhận xử lý các sự việc khiếu nại liên quan đến chất lượng, ATVSTP đối với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực thực phẩm.
“Một mặt chúng tôi yêu cầu DN rà soát lô hàng bị khiếu nại và buộc thu hồi, đồng thời Cục sẽ giám sát và kiểm soát chặt chẽ quá trình thu hồi những sản phẩm liên quan đến ATVSTP” - ông Tuấn khẳng định.
Có thể thấy, còn tồn tại những vi phạm ATVSTP trong thời gian qua cũng xuất phát từ việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún, nhiều hộ kinh doanh cá thể thiếu hiểu biết cũng như chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý ATVSTP, ngoài các cơ chế chính sách của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc có giải quyết tận gốc vấn đề?
Có thể thấy, xã hội càng phát triển, các kênh bán hàng hiện đại càng xuất hiện nhiều, thì vấn đề về chất lượng sản phẩm, ATVSTP lại càng nóng. Khi sàn thương mại điện tử phát triển, nhu cầu mua hàng tăng cao, nhiều đối tượng lợi dụng tính chất “không tiếp xúc” của thương mại điện tử, đã tuồn hàng bẩn, hàng kém chất lượng vào kênh này hòng kiếm lợi nhuận lớn.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra đối với nhà quản lý đó là, cần phải kiểm soát chặt hơn về vấn đề ATVSTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng uy tín của hàng hóa nước nhà trên thị trường quốc tế từ đó nâng sức cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc Công ty CP iCheck, để tăng hiệu quả kiểm soát an ATVSTP, yếu tố quan trọng nhất vẫn là truy xuất nguồn gốc.
Ông Chính nêu rõ, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho DN, đó là tính minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất; quản lý các rủi ro. Đặc biệt, phương thức này giúp các DN tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khi đó có cơ hội để sản phẩm tiếp cận tốt thị trường; khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ... đảm bảo uy tín trên thị trường.
Thực hiện chiến lược về phát triển thương mại, trong đó có liên quan đến ATVSTP hướng tới phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, hiện đại, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã và đang thực hiện các chương trình hành động, nhằm tạo đột phá về kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Vụ sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu; xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, cung cấp thực phẩm an toàn cũng như giới thiệu nguồn hàng đa dạng, các đặc sản địa phương, vùng miền; thường xuyên lồng ghép các vấn đề an toàn thực phẩm trong các chương trình trọng tâm của Vụ về hàng Việt, sản phẩm OCOP cũng như phát triển chợ truyền thống.
Đối với môi trường thương mại điện tử - một kênh giao thương cũng không kém phần quan trọng khi ngày càng xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm không sạch, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Cục đang triển khai các giải pháp đồng bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý ATVSTP trên môi trường thương mại điện tử.
“Cục tăng cường công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai các gian hàng trực tuyến quốc gia để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm. Đồng thời, Cục tăng cường tuyên truyền phổ biến, tích cực tham gia các chương trình hội thảo, tọa đàm để kêu gọi, khuyến khích DN, người tiêu dùng chung tay sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn” - bà Huyền nói.