Khó thu thuế thương mại điện tử?

H.Hương-M.Sang 30/09/2022 07:28

Thời gian qua, thương mại điện tử ở Việt Nam bùng nổ, đạt khoảng 13,7 tỷ USD năm 2021, tăng 15% so với năm 2020 và được dự báo có thể đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế của loại hình thương mại này còn nhiều việc phải bàn.

Một trong những rào cản đối với thu thuế thương mại điện tử chính là khó xác định được căn cứ tính thuế. Ảnh: Quang Vinh.

Việt Nam hiện có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT); trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Thuế thương mại điện tử khó nhưng không thể thả nổi. Nguồn: TCT online.

Tiki, Shopee, Lazada… sẽ phải kê khai nộp thuế cho người bán hàng

Tại Tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã nêu cụ thể những sàn TMĐT nào sẽ phải khai thay, nộp thay thuế người bán hàng.

Dựa vào 4 hình thức đang phổ biến: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ và mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó. Trên các website của từng hình thức sàn giao dịch TMĐT nêu trên có hoặc không có “chức năng đặt hàng trực tuyến”. Bộ Tài chính giữ quan điểm những sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (như Tiki, Shopee, Lazada…) sẽ phải kê khai, nộp thuế thay người bán hàng.

Ngoài ra, tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về TMĐT đã bổ sung quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có quy định chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT; là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.

Với quy định này, thay vì hàng trăm nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong số đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế…

Có vượt qua được các rào cản?

Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các hoạt động giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên, với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế. Thực tế thì không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng đã tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế không chuẩn xác và rất khó kiểm soát. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam đã gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chỉ ra 5 khó khăn khi thu thuế TMĐT. Thứ nhất, trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống, theo đó, các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website hiện diện trên môi trường số cho một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể. Hay nói cách khác, “sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà đang căn cứ chủ yếu vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế. Điển hình cho hoạt động này là quảng cáo trực tuyến và các hoạt động tương tác thông qua nền tảng các mạng xã hội.

Thứ ba, khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế cũng là một khó khăn lớn. Trong nền kinh tế số, rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường. Ngoài ra, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều câu hỏi trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh làm căn cứ tính thuế giá trị gia tăng, nghĩa vụ khai thuế.

Thứ tư, khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Thứ năm, khó trong việc kiểm soát dòng tiền. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng. Ở Việt Nam, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT trong nước khó khăn hơn khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dung tiền mặt.

Thống nhất một đầu mối

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ doanh nghiệp nhỏ cá nhân (Tổng cục Thuế), xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, tránh trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cũng theo bà Lan Anh, quy định này không trái quy định hiện hành tại các luật thuế, bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ..., đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi.

Việc quy định sàn TMĐT khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân tương tự quy định tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân có trách nhiệm khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mà hiện nay đã được quy định tại Nghị định 126.

Ngoài ra, tại một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đã quy định các nội dung về tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch.

Bàn về việc thu thuế TMĐT, ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia quản trị công cao cấp của Worldbank (WB) tại Việt Nam cho rằng đối với thuế GTGT, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Ngoài ra, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế GTGT đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đối với thuế trực thu, cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số, đồng thời rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính:

Phát triển hệ thống tính thuế tự động

Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu:

Quản lý dòng tiền thanh toán

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế là do hành lang pháp lý về quản lý hoạt động TMĐT chưa hoàn thiện, quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế, quản lý các nguồn thu, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, kiểm soát dòng tiền thanh toán. Cách để không thất thu thuế khu vực kinh doanh tiềm năng này là quản lý dòng tiền.

T.Hằng (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó thu thuế thương mại điện tử?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO