Chương trình giáo dục PT mới: Quan trọng là năng lực người thầy

Huyền Trang (thực hiện) 24/08/2015 08:40

Nói về Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, PGS.TS Lê Kim Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên. Từ các cơ sở đào tạo giáo viên, đến các thầy, cô giáo cần tự ý thức thực hiện tốt vai trò của mình.

Ông Lê Kim Long.

PV: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra những vấn đề về dạy tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…, ông nghĩ đội ngũ giáo viên hiện tại có thể thực hiện tốt được không?

PGS. TS Lê Kim Long: Chúng ta cứ tưởng ngày mai làm ngay, cho nên chúng ta rất sốt ruột tưởng rằng không làm được. Nhưng Bộ GD&ĐT đã tính toán kĩ rồi, có lộ trình cơ mà. Đến 2018 mới bắt đầu thí điểm, cuốn chiếu, đến 2023 mới tổng duyệt tất cả chứ có phải làm ngay ngày mai đâu mà giáo viên lo lắng đến mức như vậy. Tôi cho rằng cái này Bộ đã tính toán sẵn lộ trình và chúng ta tin tưởng Bộ đã thống nhất từ trên xuống. Từ các trường đào tạo sư phạm hay các trường có ngành đào tạo giáo viên.

Các trường phải chuẩn bị lực lượng và phải biết giáo viên thiếu những gì so với yêu cầu về dạy tích hợp để mình bồi dưỡng, chứ còn bây giờ cứ nói “họ còn đang yếu, họ còn đang thiếu” nhưng không biết họ yếu, họ thiếu cái gì. Phải có đánh giá. Đánh giá xem họ thiếu cái gì thì bồi dưỡng cái đó chứ không phải bồi dưỡng theo ý muốn của lãnh đạo. Hoặc là chủ quan của chuyên gia.

Theo ông, CT GDPT mới so với trước đây có ưu điểm như thế nào?

- Thực ra mà nói CT GDPT tổng thể không nên so sánh. Bởi vì nếu so sánh mình phải đánh giá cái cũ. Ít có đánh giá cũ vì thế không nên so sánh, và cũng đừng nói rằng điểm mới xuất phát từ đâu. Thứ nhất, ở chỗ mình hướng tới mục tiêu như thế nào, và bây giờ đặt ra các kế hoạch. Còn so sánh với cái cũ thì rất khó. Tuy nhiên có thể nói như thế này, chương trình cũ trong khung chương trình nêu ra đó cũng là nói về năng lực chứ không phải không. Bây giờ chúng ta nhấn mạnh hơn. Định hướng vào đấy như thế nào? Từ đó định hướng năng lực như thế nào?...

Chúng ta phải có những biện pháp để làm sao từng bước dần dần có thể thực hiện được việc này. Ví dụ ngày xưa khi các thầy đánh giá mình “thằng Long nó được đấy” thì là đánh giá năng lực. Nhưng trên cơ sở nào mà thầy đánh giá như vậy? Trên cơ sở thứ nhất là bài tập về nhà, nghe giảng trên lớp, trao đổi với bạn và các bài thi kiểm tra. Và thầy thấy là được. Đánh giá như vậy thì mới là đúng. Tất cả những giải quyết cụ thể về kiến thức và kĩ năng.

Chuyện phù hợp hay không là do chúng ta đang vẽ ra một kế hoạch mong muốn. Vấn đề bây giờ là toàn thể hệ thống sẽ đưa cái đó thành kế hoạch. Còn bây giờ không thể nói tôi đưa như thế là cứ phải thế. Bởi vì thực tiễn cuộc sống luôn luôn đa dạng.

Mỗi giáo viên cần tự ý thức vai trò, trách nhiệm của mình.

Đề cập đến khả năng dạy học tích hợp liên môn, nhiều giáo viên cho rằng, đó là phải vận dụng tốt lý thuyết vào thực tế. Quan điểm của ông thì sao?

- Thực ra việc đưa kiến thức vào thực tế thì chúng ta nhấn mạnh: học tập. Học và tập là đối với trẻ em bé. Học và hành đối với người lớn hơn. Vậy thì hành cũng là đưa kiến thức vào thực tế, nhưng còn việc đưa kiến thức vào thực tế phải do từng môn học, từng bài học, từng thầy… người ấy có hiểu biết mới đưa vào thực tế được. Còn những người mà không hiểu biết thì khó. Cùng là môn Toán nhưng mà đặt vấn đề toán dạy thế nào?

Tôi nói ví dụ như tính diện tích hình tròn, trong lớp 4 có bài tính chu vi một cái mẹt. Làm thế nào để nó hiểu cái mẹt là hình tròn. Thì lúc đấy thầy cô giáo phải dạy cho các em biết? Cùng tên ở cái mẹt, thì ở thành phố giáo viên phải mất thêm vài phút để mô tả cho các em biết cái mẹt là như thế nào. Nhưng ở nông thôn thì chúng ta không cần. Giống như trường hợp khi mô tả cho các em về UBND chẳng hạn. Hình ảnh UBND của quận, huyện này thì khác UBND ở quận huyện kia ở chỗ nào, với câu hỏi đó thì người giáo viên phải chụp ảnh UBND này so sánh với UBND kia, lúc đó mới đưa vào thực tiễn. Việc đưa vào thực tiễn hay không là do người thầy.

Với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhìn vào thực tế, ông đánh giá chúng ta có thể thực hiện tốt được không?

- Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đây là một vấn đề mới, nội dung mới nhưng có thành môn học mới hay không thì do lãnh đạo. Cũng có người nói hoạt động trải nghiệm sáng tạo là sử dụng tổng hòa kiến thức đưa các em vào thực tiễn. Nhưng nếu giả sử nói rằng môn nào cũng có trải nghiệm sáng tạo, như vậy thì tích hợp vào từng nội dung một. Ví dụ tôi dạy Hóa, bài về “đường” tôi giao cho các em làm các đề tài, ví dụ các em giải thích cho tôi tại sao hiện nay bệnh tiểu đường lại nhiều thế? Thì lúc đó các em phải vận dụng cả kiến thức thực tế, cả kiến thức Sinh học đưa lên tranh luận. Cái đấy tôi đã làm từ những năm 1999 đến 2007 khi tôi còn dạy khối chuyên.

Vậy thì người thầy phải bắt buộc các em làm được những việc như thế là do trình độ của các em, điều kiện của địa phương. Tôi dạy chuyên tôi làm được những lớp thường không có thời gian làm vậy, làm sao thay đổi cho vừa sức. Theo tôi, một bài học đạt trình độ thế giới tiêu chí đầu tiên là phù hợp đối tượng, tiêu chí thứ hai là đo được sự tiến bộ, tiến bộ càng nhiều thì bài học càng thành công. Thứ ba là không có áp lực trong giờ. Mỗi giờ học là một giờ vui. Ai làm được 3 tiêu chí đấy tôi cho đã đạt trình độ giáo viên thế giới rồi.

Vậy thì ở thành phố khác, nông thôn khác mình làm thế nào thì trao quyền cho giáo viên làm hết sức trách nhiệm. Một trong chủ trương của Bộ để giảm sổ sách, cho giáo viên tập trung phát huy năng lực. Bản thân chúng tôi khi đi huấn luyện giáo viên, chúng tôi cũng nói ngay là giáo viên chủ nhiệm đang làm rất nhiều việc không phải việc của mình, ví dụ về tư vấn tâm lý, về tư vấn hướng nghiệp, tư vấn quan hệ xã hội, họ có được học đâu…

Có ý kiến cho rằng dự thảo CT này có gì hơi áp đặt, chưa thật sự nhận được sự đồng tình cao của các nhà khoa học?

- Theo tôi, với Việt Nam thì nên có áp đặt. Bởi vì người Việt ta vốn dĩ thông minh nhanh nhẹn nhưng mà hay sáng tạo quá, dẫn đến trật đường ray. Tôi nói đùa là như ông say rượu ngả bên này ngả bên kia, chệnh choạng… Phải nói thật, quan trọng nhất là lường tính được hết các vấn đề xảy ra, và anh có giải pháp để điều chỉnh nó. Không có một chương trình do ai đề xuất ra mà không bị chê cả. Không có nước nào hài lòng với chương trình giáo dục của nước mình, kể cả nước Anh. Đến bây giờ tôi sang vẫn thấy nói chương trình ngớ ngẩn. Thế thì nói là quan điểm của các nhà khoa học thôi.

Tôi thấy, đã đến lúc Việt Nam phải có sự hơi khác một chút nhưng khác là về chủ trương, còn về hành động thì cho tự do linh hoạt. Như vậy thì mỗi người tự có trách nhiệm với mình, tiêu chí mà tôi cho là quan trọng, đó là quản trị. Chúng ta từ chỗ cai trị sang quản lý. Quản trị cũng đưa ra tiêu chí, hướng như thế, còn anh làm thế nào là do anh chứ không phải anh làm thuê cho tôi. Là hiệu trưởng tôi chẳng có quyền gì cả. Tôi chỉ thay mặt trả lương, vậy thì họ phải làm cho chính họ chứ không phải họ làm cho hiệu trưởng. Không phải là áp đặt nhưng cũng phải có một cái khung để mọi người theo. Tôi gọi là áp lực chứ không gọi là áp đặt.

Như vậy rõ ràng việc này không phải của riêng Bộ GD&ĐT?

- Thực ra chúng ta đang lẫn một việc rất quan trọng. Cứ nói đến giáo dục đào tạo là đổ cho Bộ trưởng. Tôi thấy không phải. Giáo dục không phải là nhiệm vụ riêng của ngành. Ví dụ tôi dự một buổi về rút kinh nghiệm giáo dục pháp luật, tôi nói ngay: Các thầy cô dạy rất tốt, các cháu nhận thức rất rõ là không được vượt đèn đỏ nhưng ông bà các cháu trên đường về nhà cứ vượt đèn đỏ ầm ầm. Thế thì làm sao các cháu ra được năng lực tuân thủ pháp luật.

Nhiều khi phụ huynh chê lãnh đạo trước mặt các cháu, chê người nọ người kia trước mặt các cháu, hỏi làm sao các cháu tôn trọng những người bình thường bị chê bị động. Chỗ này nó là văn hóa ứng xử. Muốn đạt được tất cả các tiêu chí đó, chúng ta phải dần dần thay đổi chính từ mình, chứ không phải từ trẻ con. Trẻ con quy định học thế nào nó học được, chỉ có người lớn không học được thôi.

Trân trọng cảm ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục PT mới: Quan trọng là năng lực người thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO