Thí sinh nộp hồ sơ và 'hóng'

Đoàn Xá 05/08/2015 07:10

Theo ghi nhận thực tế của PV, ngoài số ít các thí sinh điểm cao, tự tin thì đa phần các thí sinh vẫn ở trong tình trạng nghe ngóng, đợi chờ, đồng thời tìm kiếm thêm thông tin với hi vọng có thể trúng tuyển ngay ở nguyện vọng đầu tiên.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Thí sinh Bùi Thị Mai ở Lộc Ninh (Bình Phước) cho biết, em thi khối A, được 22 điểm và muốn xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP HCM. Theo dõi thông tin trên mạng mấy ngày qua thì được biết trường này hiện chưa có kế hoạch xét tuyển bằng chỉ tiêu phụ. Nghĩa là thí sinh nào có điểm thi cao hơn thì trúng tuyển.

“Tuy nhiên nếu có nhiều hơn số lượng xét tuyển các thí sinh bằng điểm thì trường này có dùng chỉ tiêu phụ để lọc thí sinh hay không. Khi ấy, chỉ tiêu phụ sẽ là gì và thực hiện bằng phương thức nào”, Mai vẫn chưa hết băn khoăn. Bởi thực tế, số thí sinh nộp hồ sơ vào trường ĐH Kinh tế TP HCM hiện nay là khá đông vì đây là trường đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Tương tự, cũng rất băn khoăn về việc xét tuyển chỉ tiêu phụ, thí sinh Lê Văn Dũng ở huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết thêm, em được 20,5 điểm, muốn nộp hồ sơ vào trường ĐH Luật TP HCM nhưng chưa nắm rõ quy chế tuyển sinh của trường do có thông báo là sẽ không làm bài kiểm tra năng lực nhưng vẫn yêu cầu phải nộp học bạ 3 năm phổ thông thì có đưa điểm học bạ để xét tuyển hay không? Nếu có thì cách thức xét tuyển thêm bằng chỉ tiêu phụ sẽ như thế nào.

Ông Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm nay của trường là sẽ tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia 80% còn lại 20% sẽ là điểm số của 3 năm học cấp 3 ở tổ hợp các môn mà thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả, những thí sinh nào trúng tuyển mà có nguyện vọng học ngành luật và lớp nâng cao sẽ được kiểm tra qua một bài thi trắc nghiệm thêm.

Dù tiêu chí phụ của các trường có đáp ứng được một số yêu cầu nhưng nhìn chung làm cho thí sinh cảm thấy lo lắng, bất an hơn. Như tiêu chí phụ của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là dùng điểm thi môn ngoại ngữ (tiếng Anh) trong khi nhiều thí sinh tự do lại không dự thi môn này sẽ không có điểm để xét chỉ tiêu phụ, sẽ bị thua thiệt rất nhiều.

Trong quy chế tuyển sinh năm nay có quy định cho phép thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành của cùng 1 trường ở đợt xét tuyển đầu tiên. Nghĩa là, nếu thí sinh muốn nộp hồ sơ vào trường ĐH nào thì có 4 cơ hội để trúng tuyển, tương ứng với 4 ngành khác nhau. Nếu rớt ngành này, nhà trường sẽ xem xét chiêu sinh vào ngành tiếp theo…

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo (xin được giấu tên) của một trường đại học ít danh tiếng ở TP HCM nhận xét thì quy định này là một hình thức “vét cạn” thí sinh, không cho các trường khác có cơ hội tuyển sinh. “Nếu thí sinh đã đăng ký với một trường nào đó, dù có rớt nguyện vọng 1 thì vẫn còn tới 3 nguyện vọng sau nên để vào các ngành khác đồng nghĩa với tình trạng các trường nhỏ sẽ khó có cơ hội tuyển sinh. Phải chờ đợi thí sinh rớt cả 4 nguyện vọng của trường ở đợt đầu tuyển sinh này rồi mới có cơ hội cho các trường xét tuyển đợt sau thì quá khó”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Có thể nói, ngoài một số ít khoảng hơn chục trường có uy tín, được đông đảo người biết đến thì phần nhiều các trường khác ở khu vực TP HCM và miền Đông, miền Tây, công tác chiêu sinh, thu hút thí sinh đặc biệt rất nan giải.

Nhìn chung, theo nhiều chuyên gia, công tác tuyển sinh hiện nay ngày càng khó khăn, nhiều trường lo lắng không chiêu sinh được sinh viên nhưng lại ưu ái tới 4 đăng ký ngành học cho 1 đợt nộp hồ sơ thì sẽ dẫn tới tình trạng “nước chảy chỗ trũng” thí sinh sẽ dồn hết về các trường đăng ký đợt đầu tiên, gây mất cân bằng trong việc xét tuyển, nhất là khi còn cả đợt 2 và đợt 3 nữa. Mặc dù các nguyện vọng này là không bắt buộc, nghĩa là thí sinh có thể chọn lựa hoặc không nhưng nhìn chung, tình trạng này làm thu hẹp rất nhiều cơ hội “giành giật” thí sinh của các trường với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh nộp hồ sơ và 'hóng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO