Thị trường khoa học công nghệ: Chuyển giao hơn bán đứt

Thu Hương (thực hiện) 22/07/2016 09:15

"Khi chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp (DN), nhà khoa học vừa có được kinh phí nghiên cứu tiếp, vừa giúp DN phát triển được đúng sản phẩm của mình. Nhà khoa học luôn luôn đứng cạnh DN để phát triển” - bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH&CN) nêu quan điểm.

Thị trường khoa học công nghệ: Chuyển giao hơn bán đứt

Bà Lê Thị Khánh Vân.

PV: Thưa bà, cách đây khoảng chục năm người ta đặt câu hỏi làm thế nào để Việt Nam có thị trường khoa học công nghệ thực sự. Ngày nay, câu hỏi này liệu đã lỗi thời?

Bà Lê Thị Khánh Vân: Bây giờ câu hỏi đặt ra là làm sao để thị trường khoa học công nghệ Việt Nam phát triển hơn nữa. Để trả lời câu hỏi này, theo tôi cần quan tâm đến mấy vấn đề sau. Thứ nhất là các chủ thể tham gia thị trường KHCN phải có nhận thức đúng đắn. Chẳng hạn, các nhà khoa học khi nghiên cứu ra công nghệ mới, sản phẩm mới phải tìm cách giới thiệu sản phẩm đó. Nếu tất cả các nhà khoa học khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu của mình bắt buộc phải ra giới thiệu ở Chợ công nghệ và thiết bị Techmart, coi như đây là nơi trình diễn cho mọi người biết đến sản phẩm của mình thì cơ hội quảng bá sản phẩm sẽ rất tốt. Họ không cần đưa vào sản xuất mà sự nghiệp của họ là nghiên cứu nên cứ tập trung vào nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thấy được cần phải nghiên cứu tiếp, nghiên cứu đa dạng. Không nên sau kết quả nghiên cứu của mình lại cất đi rồi nghiên cứu cái khác. Như vậy rất phí. Bao nhiêu năm làm việc nghiên cứu không thể ra nhiều công nghệ, mỗi công nghệ đưa ra cần đưa vào sản xuất ngay.

Tuy nhiên, để công nghệ được áp dụng là một quá trình rất phức tạp. Nhà khoa học nên chuyển giao cho DN sản xuất. Hiện có nhiều cách chuyển giao. Chẳng hạn có thể góp vốn công nghệ bằng công nghệ đó, hoặc chuyển giao bằng cách cho phép DN sử dụng công nghệ đó và nhà khoa học lấy phí bản quyền dựa trên doanh số sản phẩm bán ra. Nếu như đánh giá được công nghệ đó thì nhà khoa học có thể bán luôn.

Về những rủi ro gặp phải khi nhà khoa học chuyển giao công nghệ cho DN thì sao thưa bà?

- Với kinh nghiệm của tôi nhiều năm làm về tư vấn chuyển giao công nghệ, tôi cho rằng các nhà khoa học nên chuyển giao quyền sử dụng công nghệ cho DN. Doanh nghiệp phát triển sản phẩm và nhà khoa học đứng bên cạnh. Nguyên nhân là vì đó mới là kết quả nghên cứu trong phòng thí nghiệm. Khi đưa ra ngoài sản xuất sẽ có nhiều vấn đề, cần nhà khoa học đứng bên cạnh để giải quyết những vấn đề phát sinh đó.

Thực sự trong một thị trường công nghệ phải có người bán, người mua. Khi chúng ta có một lượng người bán rồi, có một số công nghệ như thế nhưng phải có người mua thực sự. Người mua ở đây khi hội tụ đủ 4 yếu tố gồm đánh giá được thị trường, công nghệ, có nhân lực và có vốn mới có thể tiếp nhận được công nghệ. Khi có đủ 4 yếu tố đó rồi có thể tìm 1 công nghệ để đầu tư. Vấn đề ở đây là tìm công đoạn nào nhà nước nên hỗ trợ để thị trường phát triển?

Chúng tôi tổ chức Techmart hàng năm là một trong những cách để quảng bá, giới thiệu bước đầu các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Để các DN có thể tìm kiếm được công nghệ, sản phẩm phù hợp bởi bình thường, không dễ tìm được vì không biết ở đâu để tìm kiếm. Quá trình để các nhà khoa học với DN kết hợp với nhau để triển khai được là cả một vấn đề. Trong đó, để xúc tiến mối quan hệ đó được tốt cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Theo bà, sự hỗ trợ cụ thể nên tập trung vào đâu?

- Tôi cho rằng tất cả những hợp đồng được ký kết trong Techmart, nếu thấy khả năng triển khai tốt cần nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi đề nghị mức hỗ trợ là 30% trên tổng kinh phí của hợp đồng và tối đa không quá 500 triệu đồng. Tất nhiên, đi kèm với đó là các tiêu chí cụ thể để đảm bảo hỗ trợ đúng nơi, đúng người. Đừng nghĩ rằng hỗ trợ cho DN là “mất”, là DN được hưởng lợi. Bởi khi DN phát triển họ sẽ đóng thuế. Doanh thu càng nhiều càng tốt, họ sẽ càng nộp thuế nhiều. Ngân sách sẽ tăng lên và tiếp tục đầu tư phát triển cho các dự án khác.

Nhiều nhà khoa học chia sẻ rằng họ rất ngại đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT). Là người nhiều năm tham gia lĩnh vực này, quan điểm của bà thế nào?

- Đúng là có tình trạng một số nhà khoa học rất ngại đi đăng ký SHTT vì hiện nay thực thi pháp luật chưa mạnh mẽ, chưa phạt cao. Các nhà khoa học ngại khi đưa ra, điền vào phom đăng ký có thể mất bản quyền. Trong thực tế tôi đã từng nhận tư vấn cho những công nghệ chưa từng đăng ký SHTT vì có công nghệ rất dễ bị đánh cắp. Tôi khuyên là nên đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của mình từ công nghệ của mình ra. Được bảo hộ nhãn sản phẩm đó là tốt. Tôi cho rằng phương án này có thể bảo vệ sản phẩm và công nghệ nhạy cảm của mình.

Vấn đề định giá công nghệ của nhà khoa học nghiên cứu ra không dễ?

- Chúng tôi có 1 thông tư về đánh giá tài sản trí tuệ, công nghệ và có viện định giá công nghệ. Sẽ có phương pháp định giá các nghiên cứu trên các tiêu chí khác nhau. Có nhiều cách để đánh giá theo kiểu của Hàn Quốc, Nhật Bản… Tựu trung lại thế nào đấy đánh giá được hết bao nhiêu thời gian cho công nghệ đấy, công sức của nhà khoa học ra bao nhiêu rồi giá trị của công nghệ vào thị trường như thế nào. Thực sự nhiều nhà khoa học không đánh giá được. Có người đưa ra giá trên trời. Người lại lúng túng và quyết định không đánh giá mà như vậy không chuyển giao được, rất lãng phí. Đó cũng là lý do tôi cho rằng nên chuyển giao quyền sử dụng công nghệ tốt hơn là bán đứt công nghệ cho DN.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường khoa học công nghệ: Chuyển giao hơn bán đứt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO