Khoảng trống giáo dục giới tính

An Thái 03/03/2023 08:04

Nhiều trường hợp học sinh (trẻ vị thành niên) mang thai thời gian qua mà gia đình, nhà trường không hay biết. Đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

Cần tăng cường truyền thông về sức khỏe sinh sản tại trường học. Ảnh: TL.

Tình trạng mang thai sớm không phải là hiếm

Mới đây 2 trường hợp học sinh ở tỉnh Bắc Giang và Phú Thọ sinh con gây xôn xao dư luận. Một trường hợp là học sinh lớp 7 của một trường THCS thuộc huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đã một mình sinh bé trai nặng 2,7kg trong nhà tắm. Điều đáng nói trong quá trình mang thai, gia đình, nhà trường đều không phát hiện.

Tương tự, một trường hợp bé gái ở Phú Thọ sinh con vào cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi đã khiến nhiều người bàng hoàng. Các chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, chuyện học sinh yêu sớm, quan hệ tình dục, thậm chí có thai, sinh con trước tuổi 18 ngày nay đã không còn hiếm.

Thực tế, tại Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên.

Theo thống kê gần đây của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 đến 400 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của trẻ vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế - chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Theo các chuyên gia y tế - dân số, với con số mang thai và phá thai ở trẻ vị thành niên nêu trên, đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số và phát triển, mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

TS. BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10-19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn chưa quan tâm về việc giáo dục giới tính cho con em… dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.

Giáo dục giới tính sao cho hiệu quả?

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hiện nay, sự phát triển sinh học của trẻ đã khác so với trước đây. Nhiều trẻ 10 tuổi đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì và có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan đến giới tính trên internet. Hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng con mình còn quá nhỏ, chưa cần giáo dục giới tính. Bởi vậy, nhiều phụ huynh đã tự tạo ra một khoảng cách vô hình với con cái, khiến trẻ thiếu đi một nơi tin cậy nhất để được chia sẻ và giải đáp những thắc mắc về vấn đề đang gặp phải.

Theo phân tích từ Th.S tâm lý Vũ Thu Hà - Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam: Chúng ta chưa thực sự quan tâm về giới tính và giáo dục giới tính cho trẻ. Sự phát triển của internet, của thông tin nên trẻ thường trao đổi chia sẻ qua các mạng xã hội, từ đó biết về cơ thể, về sự trưởng thành của bản thân mình, có những cảm nhận về rung động, yêu mến một ai đó. Thế nhưng kiến thức đó không phải kiến thức chuẩn.

Để góp phần giáo dục giới tính cho học sinh, trẻ vị thành niên, trước hết phải bắt đầu từ môi trường gia đình. Người lớn phải hình thành một thói quen là trao đổi chia sẻ với các con. Phụ huynh cần dạy cho các con về những hành động nào được phép và hành động nào không. Ở phòng tâm lý học đường nhà trường, khi các con chia sẻ những câu chuyện về vấn đề này thì các thầy cô sẽ lắng nghe, hỗ trợ các con để tìm hiểu sức khỏe sinh sản. Những hoạt động như thế có thể hỗ trợ các con hiểu biết vấn đề, hiểu được bản thân và trưởng thành đúng hướng.

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục giới tính cần là một môn học. Trên thực tế, theo Chương trình GDPT 2018 ban hành theo Thông tư số 32/2018/của Bộ GDĐT, nội dung giáo dục giới tính được đưa vào Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và Chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính như phòng tránh xâm hại,... cũng được đưa vào nội dung của một số môn học khác như Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1.

Như vậy, nội dung về giáo dục giới tính trong chương trình các môn học học chính thức, bắt buộc trong các lớp ở bậc tiểu học, các nội dung đưa vào bảo đảm phù hợp với phát triển tâm lý lứa tuổi của học sinh. Tuy nhiên, việc giảng dạy/giáo dục giới tính trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần tăng cường các kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ. Cùng với nhà trường, xã hội thì các bậc cha mẹ là những người đầu tiên cần định hướng, trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản… cho con. Thay vì lảng tránh, phụ huynh nên chủ động dành thời gian để chia sẻ một cách cởi mở về những kinh nghiệm và hiểu biết của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống giáo dục giới tính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO